GIA BẢO
Logistics đóng vai trò quan trọng trong nâng cao giá trị chuỗi nông sản. Tuy nhiên, đầu tư rời rạc, thiếu đồng bộ và hạ tầng kém đã và đang trở thành trở ngại lớn để doanh nghiệp (DN) nông nghiệp tham gia chuỗi toàn cầu. Các chuyên gia cho rằng, DN cần phát triển có hiệu quả các hoạt động logistics tại DN từ khâu thu hoạch, gom hàng, vận chuyển, bảo quản, kho hàng và trong chế biến. Có như vậy mới đi sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

DN cần được hỗ trợ để đầu tư logistics nâng cao chất lượng nông sản. Trong ảnh: Chế biến thanh long xuất khẩu tại một DN ở tỉnh Tiền Giang. Ảnh: CTV
Thách thức cho DN
Năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt con số kỷ lục với 668,54 tỉ USD, tăng 22,6% so với năm trước; trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 336,31 tỉ USD, tăng 19% so với năm 2020. Tại diễn đàn logistics Việt Nam 2021 do Bộ Công Thương tổ chức giữa tháng 12-2021, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã khẳng định, xuất nhập khẩu tăng có sự đóng góp rất lớn của ngành logistics, với vai trò là nhân tố hỗ trợ cho dòng trung chuyển hàng hóa. Hiện đóng góp của ngành logistics khoảng 4-5% GDP. Trong 2 năm qua, DN ngành logistics chịu tác động mạnh từ thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội; giá cước vận tải xăng dầu tăng cao, nhưng DN ngành logistics vẫn giảm giá, chi phí lưu kho, lưu bãi… để hỗ trợ các DN xuất khẩu, nhất là DN lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản.
Thực tế 2 năm qua, dưới tác động của đại dịch COVID-19, cùng với việc thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch thì chuỗi cung ứng ngành Nông nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất ở khâu phân phối và hạ tầng logistics. Các điểm yếu trong khâu lưu trữ hàng hóa, dịch vụ đóng gói, kho bãi, thủ tục hải quan, lưu kho… đầu tư thiếu đồng bộ, phối hợp chưa nhịp nhàng đã ảnh hưởng rất lớn đến con đường xuất khẩu của nông sản. Và ngành logistics dù có bước chuyển đáng kể, DN đã đầu tư logistics nhưng vẫn chưa theo kịp sự phát triển của nền kinh tế, trong đó có nông nghiệp. Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Long An, cho rằng ÐBSCL có nguồn nguyên liệu nông sản dồi dào nhưng cần có cú hích đột phá. Hiện nhiều DN ngại đầu tư vào ÐBSCL, ngoài chất lượng nhân lực, hạ tầng giao thông… thì còn do trở ngại về phát triển chuỗi logistics.
Theo Bộ Công Thương, từ năm 2016 đến 2020, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản phát triển nhanh cùng với ứng dụng công nghệ cao để giảm chi phí, nâng cao giá trị gia tăng. Ðồng thời, thực hiện các giải pháp đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa, giảm tổn thất trong nông nghiệp. Công nghiệp chế biến đã tạo ra nhiều sản phẩm mới, chất lượng và an toàn cho người sử dụng. Nhiều ngành hàng đã hình thành được nền tảng công nghiệp chế biến, như rau quả có trên 150 cơ sở với tổng công suất thiết kế trên 1 triệu tấn sản phẩm/năm, cùng với hàng ngàn cơ sở sơ chế/chế biến quy mô nhỏ... Ðối với lúa gạo, trừ một phần được sơ chế, chế biến nhỏ lẻ, phân tán, phục vụ tiêu dùng trong dân, thì trên 60% sản lượng được chế biến tại gần 600 cơ sở xay xát công nghiệp. Lĩnh vực thủy sản có 636 cơ sở chế biến, xử lý hầu hết sản lượng thủy sản hằng năm trên 8 triệu tấn, sản xuất trên 3 triệu tấn sản phẩm chế biến. Tuy nhiên, trên thực tế, với ngành rau quả, ngành chế biến chỉ mới đáp ứng sơ chế 8-10% sản lượng sản xuất ra hằng năm. Ðến nay, hơn 85% rau quả xuất khẩu chưa qua chế biến; sản phẩm được tiêu thụ vẫn ở dạng tươi hoặc sơ chế là chủ yếu, tổn thất sau thu hoạch còn quá cao khoảng trên 20%. Ngành thủy sản chưa có nhiều sản phẩm giá trị gia tăng cao…
Mặc dù nhiều DN chế biến nông sản đã tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và ý thức được tầm quan trọng của bảo đảm chất lượng sản phẩm để tập trung cải tiến, nâng cao chất lượng, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói, vận chuyển, nhưng nguồn nhân lực và tài chính còn nhiều hạn chế, việc đầu tư logistics chưa đạt yêu cầu phát triển trong toàn chuỗi.
Ðể DN tham gia sâu vào chuỗi giá trị
Theo Tổng cục Thống kê, quy mô trung bình của các DN sản xuất kinh doanh của Việt Nam đạt 20,5 người/1 DN. Nếu các DN sản xuất kinh doanh có quy mô trung bình 100 lao động cần ít nhất 4 lao động logistics (quản lý xuất nhập khẩu, mua hàng, kho hàng, vận tải và phân phối). Trên thực tế, so với các ngành khác, DN chế biến nông sản có phần yếu thế hơn trong đầu tư logistics. DN nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản hiện chỉ chiếm khoảng 1,33% tổng số DN hoạt động cả nước, nhưng lại có xu hướng giảm dần. Năm 2021, số DN giải thể, chấm dứt tồn tại trên cả nước là 16.741 DN; trong đó DN nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 21,1%. Ðiều này cho thấy, để DN tham gia đầu tư logistics rất cần sự hỗ trợ từ cơ quan nhà nước về chính sách và nguồn lực.
Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh khó khăn, nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế, nên cần có chính sách dài hơi hơn để hỗ trợ cho DN nông nghiệp tham gia sâu vào chuỗi toàn cầu. Hiện tại ở khu vực ÐBSCL - vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước, các địa phương đã lên kế hoạch đầu tư logistics để tạo động lực mới cho ngành Nông nghiệp. Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết, hạ tầng logistics nhất là hệ thống logistics phục vụ phát triển nông nghiệp của tỉnh hiện rất thiếu và yếu. Ðây là trở ngại rất lớn đối với việc phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đặc biệt là trong sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông, thủy hải sản. Vậy nên, tỉnh đang kêu gọi các DN đầu tư logistics, kết nối được với hệ thống logistics hiện tại và tiềm năng của các tỉnh, thành trong vùng như Cần Thơ, Long An và đặc biệt là TP Hồ Chí Minh… để thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Ông Ðồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết giai đoạn 2021-2025, dự kiến hơn 113.062 tỉ đồng từ ngân sách Trung ương, địa phương và vốn DN đầu tư phát triển công nghiệp, logistics. Hình thành 3 trung tâm logistics lớn trên địa bàn, gồm: Trung tâm logistics Mekong, Khu trung tâm logistics Hậu Giang, Trung tâm Logistics Nông sản xuất khẩu Hậu Giang. Tỉnh cũng mời gọi đầu tư các trung tâm logistics tiềm năng tại Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, Cụm công nghiệp Kho tàng bến bãi Tân Tiến, Trung tâm logistics tại cụm công nghiệp Tân Thành. Ðể tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách bảo đảm đồng bộ, tránh chồng chéo, trùng lặp. Xây dựng, hoàn thiện và ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi phát triển cho các ngành công nghiệp, logistics, năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh.
Có thể nói, logistics giữ vai trò kết nối các khâu trong chuỗi giá trị hàng hóa nói chung và càng trở nên quan trọng trong chuỗi giá trị nông sản. Việc đảm bảo chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng phụ thuộc vào sự phối kết hợp nhuần nhuyễn giữa các khâu, các mắt xích trong chuỗi. Việt Nam có thế mạnh về sản xuất nông sản, nhưng đa phần hàng nông sản mang tính thời vụ. Vì vậy, rất cần hỗ trợ DN trong việc đầu tư logistics tại DN từ khâu thu hoạch, gom hàng, vận chuyển, bảo quản, kho hàng và trong chế biến.