02/11/2020 - 06:11

Loạt sách quý về mỹ thuật Nam Bộ 

NXB Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức giao lưu, giới thiệu loạt sách về mỹ thuật truyền thống ở Nam bộ: “Gốm Cây Mai - Đề ngạn Sài Gòn xưa”, “Gốm Sài Gòn” và “Tranh tường Khmer Nam Bộ”. Loạt sách được các tác giả dày công nghiên cứu, không chỉ có giá trị về mỹ thuật mà còn cho thấy mỹ thuật truyền thống Nam Bộ gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất này. Đồng thời nhắc nhớ sự tài hoa của những nghệ nhân từ xưa đến nay, khắc họa phần nào khung cảnh lao động và sinh hoạt ở đất phương Nam.

Những quyển sách trên thể hiện dấu tích xưa của mỹ nghệ chế tác gốm Nam Bộ và thị hiếu sáng tác tranh tường Khmer Nam Bộ của những nghệ nhân, cùng với những chuyển biến theo dòng thời gian. Với mong muốn giữ gìn dòng chảy lịch sử - văn hóa - nghệ thuật, các tác giả, cũng là các nhà nghiên cứu, đã làm việc tận tâm, nghiên cứu điền dã bền bỉ, để tìm lại và chuyển tải một cách khoa học những dấu vết cũng như câu chuyện lịch sử của di sản. 

“Gốm Cây Mai - Đề ngạn Sài Gòn xưa” của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng - Nguyễn Đại Phúc, với sự cộng tác của Lưu Kim Chung và Nguyễn Đức Huy, có hình ảnh màu minh họa; là tác phẩm bổ sung, hiệu đính cuốn “Gốm Cây Mai, Sài Gòn xưa” được xuất bản năm 1994. Từ quyển sách năm 1994, gốm Cây Mai được nhiều người quan tâm tìm hiểu và trở thành đối tượng của các nhà sưu tập từ Nam chí Bắc. Đã có nhiều phát hiện mới về số lượng, chủng loại gốm Cây Mai được sưu tập và đã đặt ra yêu cầu tái bản tập sách với sự sửa chữa và bổ sung các thiếu sót mà dữ liệu thực tế hơn hai mươi năm về trước không có điều kiện tiếp cận để có sự thấu đáo cần thiết. Công việc bổ sung và hiệu đính chủ yếu là do Nguyễn Đức Huy và Lưu Kim Chung thực hiện. “Gốm Cây Mai - Đề ngạn Sài Gòn xưa” gồm 3 phần chính: “Vài tư liệu lịch sử gốm Cây Mai ở Đề Ngạn”, “Gốm Chợ Lớn Cây Mai: Những dấu tích còn tồn tại” và “Gốm Cây Mai: Thể loại và đặc điểm”. Hình ảnh có gốm gia dụng, gốm xây dựng, gốm gia dụng bài trí, gốm thờ tự, tượng thờ, tượng trang trí, ngõa tích trang trí...

Sách “Gốm Sài Gòn” của Huỳnh Ngọc Trảng - Lưu Kim Chung với sự cộng tác của Nguyễn Anh Kiệt và Hồ Hoàng Tuấn, đã làm rõ dòng gốm sứ ra đời từ những thập niên đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, việc sử dụng tên gọi “Gốm Sài Gòn” không có sự nhất trí: hoặc để chỉ chung cho các sản phẩm của tất cả các dòng sản phẩm gốm sứ đã được sản xuất ở Sài Gòn - Chợ Lớn (địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện nay), hoặc để chỉ dòng sản phẩm gốm sứ Bạch Dứu ra đời vào nửa đầu thế kỷ XX. Dù được dùng theo nghĩa nào, thì dòng gốm Sài Gòn đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào xác định đầy đủ về lịch sử, chủng loại, đặc điểm... Tập sách này là nỗ lực bước đầu nhằm cung cấp những dữ liệu cần thiết để có được hiểu biết cơ bản về “Gốm Sài Gòn”.

“Tranh tường Khmer Nam bộ” của nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình (sinh năm 1985), hiện công tác tại Bảo tàng TP Hồ Chí Minh, đã phác thảo quá trình tranh tường Khmer kế thừa thành tựu nghệ thuật tạo hình truyền thống, mà trực tiếp là nghệ thuật trang trí nội ngoại thất tự viện, tranh cuộn trên vải/preah bot, tranh vẽ trên giấy bìa “kờrăng”. Từ đó khẳng định tranh tường của đồng bào Khmer Nam Bộ độc đáo không chỉ về mặt đề tài mà cả về đặc trưng hình họa, màu sắc và phong cách tạo hình nghệ thuật; cần được tìm hiểu một cách nghiêm túc về nội dung lẫn kỹ thuật để có sự hiểu biết đầy đủ. Bên cạnh đó, tranh tường Khmer cũng cho thấy thị hiếu thẩm mỹ và cái nhìn mỹ thuật không chỉ của người nghệ nhân tạo tác mà còn là của cả cộng đồng người Khmer vùng ĐBSCL. Cuốn sách đi sâu tìm hiểu về nguồn gốc, lịch sử, nội dung, nghệ thuật và đặc điểm, tính chất của tranh tường Khmer Nam Bộ; đối tượng nghiên cứu chính là nghề vẽ tranh tường và tập thành tranh tường do các thế hệ nghệ nhân đồng bào Khmer tạo tác nội - ngoại thất ở một số chùa tháp Phật giáo Nam tông Khmer tại các tỉnh An Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang...

Loạt sách của NXB Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh thực sự quý giá khi ghi lại một phần quan trọng của lịch sử mỹ thuật Nam Bộ.

Q.M

Chia sẻ bài viết