01/11/2017 - 16:26

Đại tá Võ Tấn Dũng, nguyên Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Cần Thơ:

Lộ Vòng Cung là một phần ký ức hào hùng 

Kiên cường bám đất, bám dân

Tôi đi bộ đội năm 1968 ở Tiểu đoàn Tây Đô. Sau đó, được bổ nhiệm cán bộ chính trị viên phó Đại đội 28 rồi Đại đội 293. Trong thời gian tham gia chiến đấu, tôi đã nhiều lần ra vào Lộ Vòng Cung, trong đó có hai chuyến làm chỉ huy đại đội. Sau này, tôi về Đại đội biệt động 28 thuộc Thành đội Cần Thơ. Những ngày sống ở căn cứ Vườn Mận (phường Long Tuyền, quận Bình Thủy), chúng tôi tổ chức bám dân, bám đất, cùng sống chiến đấu. Tôi bám cơ sở gần đồn giặc để có thể quan sát tình hình biến động của địch cũng như ngoài địa hình. Chúng tôi thực hiện phương châm: Đi không dấu  - Nấu không khói - Nói không tiếng - Tắt lửa nấu ăn trước trời sáng; Sẵn sàng chiến đấu cao - Chiến đấu là đánh suốt ngày - Tự lực cứu chữa thương binh - Rời trận địa phải vào ban đêm… Những việc nhỏ nhặt như thế đều phải học vì nguy hiểm luôn rình rập.

Ảnh: Phạm Trung 

Trên mảnh đất bom cày, đạn xới mỗi ngày, muốn bám đất không phải là điều đơn giản. Nhưng các đơn vị Biệt động Thành đội gồm các Đại đội: 291, 292, 293, 294 và 28 vẫn bám đất, bám dân lâu dài. Cuối tháng 10-1970, địch đánh chiếm căn cứ lõm Vườn Mận - Ngã Cái - Ngã Ngay, đồng chí Huỳnh Thanh Quang, Phó chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng Thành đội đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đại đội 293 trở lại bám trụ địa bàn, còn Ban chỉ huy và các đơn vị di chuyển về Mỹ Khánh. Dù đồng chí Bảy Dũng, Đại đội trưởng và đồng chí Bảy Lợi, Chính trị viên đơn vị vừa hy sinh trong trận 6 ngày đêm ở Vườn Mận nhưng chúng tôi vững vàng, kiên định thực hiện nhiệm vụ được giao: bám đất, xây dựng xong Căn cứ lõm ở Vườn Sắn thuộc xã Long Tuyền; đứng vững trên địa bàn phân công, đánh địch theo phương châm “Diệt được nhiều địch bảo tồn được ta, bảo vệ được căn cứ làm bàn đạp”. Sau đó, tôi được cấp trên cho đi học Trường Quân chính Quân khu 9 năm 1972 và năm 1973 được điều động phụ trách Đội trưởng kiêm Chính trị viên Đội Biệt động 824, Trưởng Quân sự trong Ban Khởi nghĩa Khu vực D, Quận II, thành phố Cần Thơ cho đến ngày giải phóng.

Lộ Vòng Cung là một phần ký ức hào hùng thời trai trẻ của tôi, bởi những kỷ niệm với đồng chí, đồng đội ở các đơn vị. Chúng tôi đã cùng nhau đi qua Lộ Vòng Cung để xây dựng cơ sở, đánh địch. Khi bị địch tấn công quyết liệt, chúng tôi vừa đánh, vừa rút lui chiến thuật để bảo toàn lực lượng rồi quay trở lại. Với đồng đội, đồng bào thì có nhiều kỷ niệm nhưng có lẽ tôi nhớ mãi là hình ảnh 9/11 đồng đội của tôi hy sinh trên chiến trường Vòng Cung, Cần Thơ vào năm 1968.

Quyết giữ căn cứ lõm

Ngày 18-2-1969 (mùng Ba Tết Kỷ Dậu), Đại đội 28 chúng tôi nhận lệnh rời Tiểu đoàn Tây Đô về Thành đội Cần Thơ. Đêm mùng 5 tết, đơn vị hành quân vượt Quốc lộ I (Quốc lộ 4 cũ), qua kinh xáng Búng Tàu (kinh xáng Hàng Điệp), Kinh Ngan, ngã tư Cây Dương, kinh xáng Phụng Hiệp, (huyện Phụng Hiệp), qua lộ Long Mỹ đoạn cống Cả Luyện về xã Lương Tâm, Xà Phiên, Vĩnh Viễn (huyện Long Mỹ), qua lộ Lục Phi, kinh xáng Ba Hồ, (tỉnh Kiên Giang), qua kinh xáng Ô Môn về rạch Ba Mít xã Trường Thành (huyện Ô Môn) đứng chân ở đó được một ngày. Ở đây, đơn vị tổ chức chống càn. Sau trận đánh, 4 cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã hy sinh và 6 bị thương. Sau đó, chúng tôi phải vượt qua trên 20 con sông rạch lớn nhỏ và Lộ Vòng Cung để đến rạch Rau Răm thuộc xã An Bình (nay là phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Đơn vị vừa đứng chân ổn định đi vào hoạt động thì tôi bị thương, được đơn vị tổ chức cho hai đồng chí Lê Công Quận và Nguyễn Văn An đưa qua Lộ Vòng Cung. Sau 2 đêm 2 ngày về đến Quân y Thành đội đóng ở xã Trường Thành, huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ. Sau khi phẫu thuật cho tôi xong thì địch đổ quân. Tôi cùng đồng chí Trương Văn Chín (Chín Móm) và Nguyễn Văn Lợi đều bị thương và được đưa xuống hầm bí mật. Các đồng chí quân y chống càn quyết liệt. Địch chuyển hướng tấn công đụng phải Tiểu đoàn 307 Quân khu 9. Chúng tôi phải bám hầm bí mật rồi chờ trời tối rút ra khỏi trận địa dưới tầm pháo của địch… Sau hai tháng điều trị, tôi tiếp tục quay qua Lộ Vòng Cung, vào chiến đấu cùng đồng đội trong trận chống càn 6 ngày đêm giữ căn cứ lõm Vườn Mận. Để nhớ đến chiến trường “Vòng Cung - Cần Thơ” một thời tuyến lửa, tôi có làm bài thơ: “Nhớ Vòng Cung nhớ một thời - Thế kỷ hai mươi sáng rạng ngời - Có tuổi hai mươi thành lửa đỏ - Đốt giặc thành tro mãi yên đời”…

Còn mãi tri ân

Sau Mậu Thân địch phản kích quyết liệt, dùng bom, đạn, chất độc hóa học, khai hoang, đóng đồn bót dày như bàn tay, dân phải sơ tán ra vùng địch kiểm soát. Ngay trong vùng kiểm soát của địch, người dân vẫn đào hầm bí mật nuôi chứa bộ đội ta tồn tại chiến đấu đến ngày giải phóng. Tôi còn nhớ bà Hai Tiểu (tên thật là Tạ Thị Phi, ở xã An Bình, nay là phường Long Tuyền, quận Bình Thủy) đã dũng cảm hy sinh trước họng súng của kẻ thù để bảo vệ cho tổ biệt động được an toàn. Đây là một gia đình nuôi chứa cách mạng suốt thời kỳ kháng chiến, nhà cách đồn địch không đầy 1.000m. Hôm đó, bà Hai Tiểu lo cơm chiều cho tổ biệt động thành. Trong khi mọi người ăn cơm thì bà Hai Tiểu quay ra phía trước canh chừng địch. Vừa bước ra bất thần giặc ập đến súng lăm lăm trong tay, bà chỉ kịp la báo động: “Chú Năm!(1) Lính”. Địch bắn bà Hai Tiểu chết. Nhưng tổ biệt động đã thoát an toàn.

Tôi còn nhớ hình ảnh bà Hai Sủng, tên thật là Võ Thị Hai, ở khu vực 3, Hưng Thạnh, quận II (nay là quận Cái Răng). Hằng ngày, bà bán gạo ở chợ Tham tướng. Dù nhà ở gần bót địch, hai đầu là bót, dưới sông Giang thuyền chạy liên tục nhưng bà vẫn đào hầm bí mật nuôi chứa chúng tôi. Những lần chúng tôi về liên hệ công tác trong đêm tối, bà Hai Sủng lần nắm bàn tay bị thương của tôi mà giọng nghẹn ngào. Ở phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, còn có ông bà Mười Đèo là cơ sở của đơn vị những năm 1969, 1970, 1971…

Hằng năm vào dịp lễ, Tết, chúng tôi đều tổ chức về thăm chiến trường xưa, thăm căn cứ Vườn Mận (nay là Di tích lịch sử Vườn Mận), thăm nhiều đồng bào từng nuôi chứa che chở cho đơn vị. Chúng tôi cũng tổ chức nhiều hoạt động nghĩa tình như: thăm gia đình chính sách, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng, xây dựng nhà cho đồng đội có hoàn cảnh khó khăn… Nhiều năm qua, chúng tôi lấy ngày thành lập đơn vị (28-2) làm ngày giỗ chung cho các anh em biệt động thành đã hy sinh. Đó như một lời tri ân của chúng tôi - những người may mắn còn sống sau cuộc kháng chiến ác liệt. 

Phạm Trung (ghi)

Chia sẻ bài viết