26/07/2012 - 20:37

Lò sấy vắng khách

Giá sấy lúa giảm trong khi chi phí tăng cao, các lò sấy hoạt động với mức lời giảm. Trong ảnh: Một lò sấy lúa ở xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ đang hoạt động. Ảnh: ANH KHOA

Để nâng cao chất lượng và giá trị lúa gạo, người dân tại nhiều địa phương ở Cần Thơ ngày càng chú trọng đến việc sấy lúa thay cho phơi lúa theo truyền thống. Tại nhiều vùng sản xuất lúa lớn của thành phố như: Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh... lò sấy mọc lên ngày càng nhiều để làm dịch vụ sấy lúa. Thế nhưng, sau thời gian đầu làm ăn phát đạt, nhiều lò sấy đã và đang rơi vào cảnh vắng khách, hoạt động kém hiệu quả do giá các chi phí sản xuất đầu vào tăng cao...

Nguy cơ đóng cửa nhiều lò sấy

Thời gian qua, TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL đã tăng cường sản xuất lúa 3 vụ trong năm, sản lượng lúa của đồng bằng ngày càng tăng cao nên nhu cầu sấy lúa tăng theo, nhất là trong các vụ lúa hè thu và thu đông, thời tiết không thuận lợi cho việc phơi lúa. Bên cạnh đó, nhu cầu sấy lúa của người dân cũng ngày càng tăng do nhiều người nhận thấy việc sấy lúa đảm bảo chất lượng lúa gạo, nhất là đạt được ẩm độ tốt và bán được giá cao hơn so với phơi lúa theo truyền thống. Xuất phát từ nhu cầu này, số lượng các lò sấy lúa ở TP Cần Thơ “mọc lên” ngày càng nhiều. Tuy nhiên, trong khi một bộ phận lò sấy làm ăn có hiệu quả, hiện đã có không ít lò sấy lâm vào cảnh hoạt động kém hiệu quả do các chi phí sản xuất đầu vào tăng và đứng trước nguy cơ phải đóng cửa vì vắng khách. Đáng buồn khi nhiều lò sấy rơi vào cảnh “chợ chiều” lại là những lò sấy nằm trong các vùng sản xuất lúa lớn của thành phố như: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai...

Theo chủ nhiều lò sấy lúa ở các huyện Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh, nếu các năm trước lò sấy phải hoạt động hết công suất vì khách đến sấy lúa rất đông, với phần lớn là nông dân thì kể từ vụ lúa đông xuân 2011-2012 và vụ hè thu vừa qua lượng khách đến sấy lúa thưa thớt dần. Nhiều lò sấy phải giảm công suất hoạt động tới 30-70% so với năm trước. Ông Bùi Văn Hồ, chủ lò sấy Út Hồ ở ấp Tân Lợi, xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Lò sấy của tôi có công suất sấy khoảng 100 tấn lúa/ngày đêm, được gia đình đầu tư cách đây 2 năm với vốn đầu tư lên đến 2 tỉ đồng. Các năm trước nông dân đem lúa đến sấy rất nhiều nhưng năm nay khách hàng chủ yếu là các hàng xáo, nhìn chung lượng lúa khách đem đến sấy bị giảm ít nhất khoảng 30% so với năm trước. Hiện nay, hầu như cứ 10 nông dân trong vùng thì có tới 9 nông dân bán lúa tươi tại ruộng nên còn rất ít nông dân đem lúa đi sấy”.

Ông Nguyễn Hoàng Em, ở xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, cũng đồng cảnh ngộ: “Lò sấy của tôi có công suất khoảng 12 tấn/mẻ sấy. Các năm trước phải tăng hết công suất hoạt động vì lượng khách đến sấy lúa rất đông, nhất là bà con nông dân trong vùng. Tuy nhiên, 2 vụ lúa gần đây lại giảm dần, lượng lúa mà khách đem sấy đã giảm khoảng 70% so với năm trước, do nhiều nông dân bán lúa tươi tại ruộng cho thương lái”.

Còn theo ông Phan Hoàng Nam, chủ một lò sấy lúa ở xã Thới Đông, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, lò sấy của ông có công suất sấy khoảng 50 tấn lúa/ngày đêm, là một lò sấy tương đối lớn trong vùng và có được nhiều khách quen nên lò này có thể hoạt động cao điểm trong suốt cả tháng ở mỗi vụ lúa, sau đó mới hoạt động dãn ra. Hiện nay, TP Cần Thơ đã gần như hết lúa nhưng lò sấy của ông vẫn hoạt động với lượng khách “lai rai”, chủ yếu là thương lái thu mua lúa ở An Giang và Kiên Giang về sấy tại lò. Tuy nhiên, khu gần nhà ông có cả chục lò sấy, do cạnh tranh nên gần đây các lò sấy buộc phải hạ giá nhận sấy lúa xuống và chấp nhận mức “lời meo”, không còn hoạt động khá hiệu quả như các năm trước. Lò sấy của ông cũng không phải ngoại lệ.

Cần định hướng của ngành chức năng

Trong 2 vụ lúa gần đây (vụ đông xuân 2011-2012 và hè thu 2012), nhiều nông dân ở TP Cần Thơ đã bán lúa tươi tại ruộng cho thương lái chứ không đem lúa phơi, sấy rồi mới bán như trước. Thương lái sau khi mua lúa tươi tại các vùng sản xuất lúa thường đem lúa đến sấy tại các lò sấy quen biết hoặc tại các lò nằm gần chỗ các doanh nghiệp thu mua gạo chế biến xuất khẩu để dễ cho việc tiêu thụ gạo, giảm chi phí vận chuyển và hạn chế tình trạng gạo bị thất thoát do phải chở đi xa. Thực tế này đã và đang làm cho nhiều lò sấy lúa nằm trong các vùng sản xuất lúa lớn cũng bị rơi vào cảnh vắng khách. Gần đây, giá nhiều chi phí sản xuất đầu vào như: giá điện, giá trấu, giá thuê nhân công... tăng cao càng làm cho các lò sấy thêm khó khăn. Để thu hút khách trong tình hình cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhiều lò sấy phải cố gắng không tăng giá sấy lúa. Theo nhiều lò sấy ở TP Cần Thơ, trước tình hình vắng khách và cạnh tranh giữa các lò sấy, hiện giá sấy lúa đã giảm khoảng 20.000-30.000 đồng/tấn so với năm trước mặc dù gần đây giá điện tăng lên và giá nhân công cũng ngày càng tăng. Hiện giá sấy lúa tại nhiều lò sấy đang ở mức khoảng 120.000- 140.000 đồng/tấn. Với mức giá này mỗi tấn lúa sấy xong chủ lò chỉ lời khoảng 20.000-30.000 đồng và như vậy chủ lò sấy muốn thu hồi vốn phải mất 4-5 năm vì kinh phí đầu tư cho mỗi lò sấy lúa quy mô 40-50 tấn/ngày đêm không dưới 400-500 triệu đồng/lò.

Theo đánh giá của các ngành chức năng, hiện số lượng các lò sấy ở TP Cần Thơ và ĐBSCL vẫn còn thấp so với nhu cầu và khâu sấy lúa vẫn là khâu yếu nhất trong sản xuất lúa tại ĐBSCL. Tỷ lệ sấy lúa ở ĐBSCL còn khá thấp, mới chỉ đạt khoảng 40% và cần phải tăng cường việc sấy lúa hơn nữa để đảm bảo chất lượng lúa gạo và giảm thất thoát sau thu hoạch.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc đầu tư phát triển các lò sấy đang trở nên kém hấp dẫn khi nhiều lò sấy tại các vùng sản xuất lúa lớn lại rơi vào tình trạng hoạt động kém hiệu quả. Rõ ràng, đã có sự “dịch chuyển” trong nhu cầu sấy lúa giữa nơi này sang nơi khác khi tình trạng nông dân bán lúa tươi tại ruộng cho thương lái ngày càng có xu hướng phát triển. Nông dân sẽ “khó làm chủ được hạt lúa” và phải chịu nhiều thiệt thòi về giá khi chọn giải pháp bán lúa tươi cho thương lái. Xem ra, để khuyến khích người dân đầu tư phát triển lò sấy và tăng cường việc sấy lúa, hơn bao giờ hết rất cần sự vào cuộc của ngành chức năng trong việc định hướng và tổ chức lại sản xuất, tiêu thụ lúa của nông dân. Đồng thời, phải có quy hoạch và định hướng về việc phát triển các lò sấy cho vùng ĐBSCL gắn kết với các mô hình liên kết hợp tác sản xuất, mô hình cánh đồng mẫu lớn..., tránh tình trạng đầu tư tự phát, không gắn với nhu cầu, nơi thiếu, nơi lại dư thừa so với nhu cầu sẽ gây lãng phí các nguồn lực đầu tư từ xã hội.

VĂN CÔNG-ANH KHOA

Chia sẻ bài viết