21/10/2020 - 05:28

Doanh nghiệp ĐBSCL

Linh hoạt đón thời cơ, phát huy nội lực 

Sau những khó khăn trong 6 tháng đầu năm do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từ quý III-2020 hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) ĐBSCL bắt đầu phục hồi với chuỗi cung ứng được kết nối lại, xuất khẩu có chiều hướng tích cực, các dòng vốn đầu tư dịch chuyển về Việt Nam... Trong bối cảnh phải đương đầu với thách thức và nhiều cơ hội cũng mở ra, đòi hỏi DN ĐBSCL phải chủ động thích ứng, đưa ra giải pháp linh hoạt để hạn chế rủi ro, thu về lợi nhuận cao nhất.

Vượt khó

Dây chuyền chế biến gạo xuất khẩu của Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

Dây chuyền chế biến gạo xuất khẩu của Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong một khảo sát về động thái DN trên toàn quốc, VCCI ghi nhận đầu quý II-2020, thời điểm dịch bệnh diễn ra gay gắt, có 50% DN trả lời duy trì không quá 6 tháng, 80% không quá 1 năm. Nhưng cuối quý III vừa qua, có 80% DN cho biết tiếp tục duy trì, thậm chí 18% tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh. Điều này cho thấy bản lĩnh kiên cường, chủ động thích ứng của doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh thị trường biến động.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ, nhấn mạnh: “Chúng ta hãnh diện và tự hào khi vùng ĐBSCL có nhiều doanh nhân được gọi với biệt hiệu: “Vua tôm” Minh Phú, “ông trùm” công nghệ tôm Việt Úc, “nữ hoàng” thủy sản Vĩnh Hoàn hay những danh hiệu dược nổi tiếng: Imexpharm, Dược Hậu Giang... Và trong tương lai, tôi tin nhiều công trình, dự án lớn do doanh nhân tiếp tục đầu tư sẽ là niềm tự hào cho kinh tế đồng bằng”.

Trong 9 tháng, số lượng DN đăng ký thành lập mới của ĐBSCL đạt 101% so với cùng kỳ năm 2019, giải quyết 10% lực lượng lao động cả nước... Điều này cho thấy, DN ĐBSCL đã dần thích ứng với bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Ông Chu Văn An, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thủy sản Minh Phú Hậu Giang, cho biết: Thời điểm đầu năm, chúng tôi gặp rắc rối trong vấn đề hàng tồn kho vì sản xuất để cho công nhân có công ăn việc làm trong khi tiêu thụ hàng không được. Tuy nhiên, trong quý II và III-2020, tình hình dần ổn định, tiêu thụ bắt đầu khởi sắc trở lại nhờ vào việc ứng dụng công nghệ số, bán hàng trực tuyến. Trong khi kênh nhà hàng, khách sạn gặp khó, thì kênh tiêu thụ online lại bán tốt, tiêu thụ được nhiều nên đầu ra khá ổn. Thực phẩm là nhu cầu thiết yếu, khách hàng mua online và để trữ trong tủ lạnh, tủ đông ăn dần. Đây cũng là yếu tố thuận lợi, giúp DN phát triển trong quý III-2020”.

Sự phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN còn có sự hỗ trợ, đồng hành từ chính quyền. Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Thành phố kịp thời triển khai các giải pháp then chốt vừa phòng, chống dịch vừa đảm bảo hoạt động kinh tế nên đạt được một số kết quả nhất định. Nhiều sản phẩm, hàng hóa vẫn đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ như: phi lê đông lạnh tăng 18,81%, xi măng tăng 42,4%… Trong 9 tháng năm 2020, Cần Thơ có 1.155 DN đăng ký thành lập mới, với tổng vốn hơn 9.000 tỉ đồng, nâng tổng số DN trên địa bàn lên 9.078 DN, với tổng vốn đăng ký trên 80.000 tỉ đồng. Tỷ lệ DN quay trở lại hoạt động trong nền kinh tế là 10%, cao hơn mức trung bình của vùng ĐBSCL là 7%”.

Tìm cơ hội trong thách thức

Tại Hội thảo “Bản lĩnh doanh nhân ĐBSCL ứng phó, phục hồi, phát triển trong và sau đại dịch COVID-19” vừa diễn ra, nhiều ý kiến cho rằng, DN khu vực ĐBSCL luôn là lực lượng quan trọng nhất trong phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng. DN ĐBSCL đang trong giai đoạn phát triển kinh tế với nhiều thách thức (dịch bệnh, biến đổi khí hậu…) và cũng không ít cơ hội mở ra (dòng vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển về ĐBSCL, các hiệp định thương mại tự do phát huy hiệu lực…). Chính vì vậy, DN, doanh nhân cần thể hiện bản lĩnh, sáng tạo trong việc tận dụng thời cơ cũng như giảm thiểu tối đa rủi ro có thể gặp phải.

Ông Chu Văn An nhận định: Ngành tôm có nhiều cơ hội trong dịp cuối năm 2020 và đầu 2021. Bởi nhu cầu tiêu thụ thủy sản trên thế giới tăng cao, đặc biệt dịp lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch. Mặt khác, do ảnh hưởng dịch COVID-19, chuỗi cung ứng các nước Ấn Độ, Indonesia, Ecuador bị “đứt gãy” trong khi Việt Nam nhờ quản lý dịch bệnh tốt, bà con nông dân áp dụng sản xuất tôm bằng công nghệ cao nên đạt sản lượng cao, chất lượng tốt”.

Theo ông Ivan Phạm, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, để vượt qua khó khăn, vững vàng khẳng định thương hiệu, DN cần tuân thủ 6 nguyên tắc vàng: tìm cơ hội trong thách thức; đặt nền móng kiến tạo một DN kiên cường; bảo toàn và thúc đẩy doanh thu, xác định các cơ hội giúp cải thiện doanh thu; giảm và quản lý chặt chẽ chi phí; tối ưu hóa tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu; tăng tốc chuyển đổi số, không phải “cá lớn nuốt cá bé” mà là “cá nhanh ăn cá chậm”.

Ông Nguyễn Phương Lam đặc biệt bày tỏ, với vai trò là cơ quan đại diện cho cộng đồng DN, VCCI Cần Thơ tiếp tục phát huy vai trò thúc đẩy DN hoạt động hiệu quả trên cơ sở tuân thủ quy định pháp luật, bảo vệ môi trường; góp phần tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Để tích cực hỗ DN, trong tháng 11 tới, Ban Kinh tế Trung ương sẽ phối hợp với VCCI tổ chức Diễn đàn kinh tế Tây Nam Bộ lần thứ nhất. Đây là diễn đàn kinh tế quan trọng rất cần tiếng nói từ cộng đồng DN để bàn về các vấn đề phát triển của vùng, nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương và DN từ đó góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết