21/02/2020 - 14:42

Linh động trong sản xuất, tránh hạn mặn 

Cần Thơ dù nằm cách xa cửa biển gần 100km nhưng cũng đã ghi nhận có sự xuất hiện độ mặn 3,5%0 trên Sông Hậu tại rạch Cái Cui ở quận Cái Răng. Tới đây, tình hình hạn mặn dự báo còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Để chủ động bảo vệ sản xuất nông nghiệp, đòi hỏi ngành chức năng cần kiểm soát, vận hành tốt các công trình thủy lợi để tránh mặn xâm nhập vào nội đồng, đồng thời người dân chủ động bố trí mùa vụ và chuyển đổi cây trồng phù hợp...

Vụ hè thu năm nay, nhiều nông dân tại các quận, huyện trên địa bàn TP Cần Thơ có kế hoạch chuyển từ lúa sang trồng các loại rau màu, nhất là trồng mè trên nền đất lúa để tiết kiệm nước tưới.

Nước mặn đã đến Cần Thơ

Những ngày đầu tháng 2, lượng nước sông Mekong về ĐBSCL ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm, kết hợp với kỳ triều cường Rằm tháng Giêng âm lịch và gió mùa Đông Bắc đã đẩy nước mặn vào sâu trong sông Hậu đến TP Cần Thơ.

Theo ngành chức năng TP Cần Thơ, trên khu vực sông Hậu, độ mặn 3,5%0 đã đến rạch Cái Cui ở phường Tân Phú, quận Cái Răng (điểm giáp ranh với tỉnh Hậu Giang) vào sáng ngày 10-2-2020. Những ngày sau đó, độ mặn được ghi nhận đã nhanh chóng giảm trở lại, nhất là khi triều cường đã xuống dần. Theo Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, độ mặn đo được tại cảng Cái Cui trên sông Hậu trong sáng 13-2 chỉ còn 0,3%0. Do mặn chỉ lên theo triều cường rồi rút nhanh nên tình trạng mặn xâm nhập không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân.

Mùa khô năm 2019-2020 dự báo vẫn còn tiếp tục kéo dài và lượng nước sông Mekong về ĐBSCL tiếp tục ở mức thấp. Do vậy, Cần Thơ vẫn còn đối mặt với nguy cơ nước mặn tái xâm nhập trên sông Hậu và có thể lấn sâu vào các khu vực kênh, mương nội đồng tại thành phố nếu không kịp thời được phát hiện và ngăn chặn. Bên cạnh đó, việc xâm lấn của nước mặn cũng gây nguy cơ thiếu nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp tại những nơi người dân chủ quan, không chủ động có các phương án trữ nước ngọt và sử dụng nước tiết kiệm. Ngoài ra, tình hình nắng nóng kéo dài và có nền nhiệt cao, cùng biên độ chênh lệch cao của nhiệt độ giữa ngày và đêm... chắc chắn cũng ảnh hưởng xấu đến năng suất, sản lượng của nhiều loại cây trồng và làm tăng chi phí sản xuất, nhất là chi phí bơm tưới nước.

Chủ động ứng phó, đảm bảo hiệu quả sản xuất

Để đảm bảo hiệu quả sản xuất cây trồng, nông dân không được chủ quan với tình hình hạn mặn mà cần tuân thủ các khuyến cáo của ngành nông nghiệp và cơ quan chức năng để chủ động thực hiện các giải pháp đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất với chi phí thấp nhất và tránh các thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra. Đồng thời, quan tâm bố trí lịch thời vụ sản xuất phù hợp trong vụ hè thu 2020 để tránh các tác động bất lợi của thời tiết và thủy văn. Linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng tình hình nắng hạn, nhất là chuyển đổi các diện tích đất lúa tại những khu vực có nguy cơ thiếu nước tưới hoặc khó lấy nước tưới sang các cây trồng chịu hạn, ít tốn nước tưới và công chăm sóc so với lúa.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, cho biết: "Để chủ động ứng phó với tình hình hạn mặn và khả năng bị thiếu nước, ngay từ vụ đông xuân 2019-2020, Sở đã yêu cầu các đơn vị chuyên môn thuộc sở và các địa phương quan tâm hướng dẫn bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp. Sở cũng đã định hướng lịch thời vụ vụ hè thu tới đây cho phù hợp thời tiết, khí hậu và nguồn nước để đảm bảo cho vụ sản xuất hè thu sắp tới đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả và giảm giá thành để tăng lợi nhuận. Bà con cần nắm chặt lịch thời vụ được ngành nông nghiệp thành phố khuyến cáo, cũng như hướng dẫn của ngành nông nghiệp các địa phương để xuống giống lúa vụ hè thu phù hợp thời tiết khí hậu giúp cây lúa tăng trưởng tốt, sử dụng nguồn nước hợp lý nhất để giảm chi phí".

Mùa khô năm nay, nước mặn đến sớm, vào sâu trong nội địa, diễn ra trên diện rộng và có thể kéo dài hơn trung bình nhiều năm, đặc biệt có thể cao hơn so với  năm xảy ra hạn mặn ở mức lịch sử trong năm 2016. Để chủ động ứng phó, Sở NN&PTNT phối hợp các đơn vị liên quan và địa phương triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, chú ý theo dõi chặt chẽ tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn diễn ra trên địa bàn TP Cần Thơ để có giải pháp chủ động. Tích cực triển khai các công trình thủy lợi để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh. Vận hành linh hoạt các cống đập và hệ thống thủy lợi để chủ động ngăn mặn và tích trữ được nguồn nước ngọt. Đối với các địa bàn có thể bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn từ sông Hậu: Cái Răng, Ninh Kiều... Sở NN&PTNT cũng yêu cầu các địa phương tích cực chuẩn bị ứng phó, hướng dẫn thực hiện tích trữ nguồn nước và lấy nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt vào thời điểm thích hợp, tránh lấy nước khi có độ mặn cao.

Vụ đông xuân 2019-2020, TP Cần Thơ xuống giống được 79.244ha lúa, đạt 99% so với kế hoạch, thấp hơn 2.020ha so với cùng kỳ năm trước do nông dân chuyển đổi các diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng, vật nuôi khác hiệu quả hơn. Đến nay, các diện tích lúa đông xuân trên địa bàn thành phố đã bước vào giai đoạn chắc xanh đến chín và thu hoạch nên hầu như không còn lo bị ảnh hưởng bởi hạn mặn...

Sở NN&PTNT TP Cần Thơ khuyến cáo, sau khi thu hoạch lúa đông xuân, các địa phương tích cực vận động nông dân chuyển đổi trồng cây màu trên nền lúa kém hiệu quả. Đối với những địa phương không xuống giống được vụ màu, nên cày ải, phơi đất để tiêu diệt mầm bệnh lưu tồn trên đồng ruộng và giảm nguy cơ bị ngộ độc hữu cơ. Đối với rau màu, thời vụ sản xuất chủ yếu tập trung trong tháng 2 và tháng 3 dương lịch. Tuy nhiên, lịch thời vụ này chỉ mang tính tham khảo, tùy vào điều kiện thực tế mà các địa phương xây dựng lịch thời vụ cụ thể và tổ chức xuống giống tập trung, đồng loạt trên từng khu vực cho phù hợp.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

 

Chia sẻ bài viết