08/04/2020 - 07:14

Linh động sản xuất nông nghiệp mùa nắng hạn 

Thời gian qua, TP Cần Thơ đã kịp thời triển khai các giải pháp hiệu quả nhằm phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn. Nhờ vậy, nguồn nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của người dân được bảo đảm khá tốt. Trước tình hình hạn mặn dự báo còn kéo dài, thành phố tiếp tục chủ động ứng phó và linh động trong sản xuất nông nghiệp để có các vụ mùa thắng lợi.

Chủ động trước hạn, mặn

Nhiều nông dân tại quận Thốt Nốt đã chuyển sang trồng cây mè trên nền đất lúa trong vụ hè thu để né hạn.

Ngay từ khá sớm khi chuẩn bị bước vào vụ sản xuất đông xuân 2019-2020, ngành Nông nghiệp thành phố và các địa phương đã chủ động cung cấp các thông tin dự báo về hạn mặn và khuyến cáo nông dân chuyển đổi các diện tích đất lúa kém hiệu quả, có khả năng gặp khó về nước tưới, sang các cây trồng khác hiệu quả hơn. Kịp thời xây dựng lịch thời vụ, định hướng nông dân xuống giống lúa vụ đông xuân sớm hơn mọi năm để né hạn vào cuối vụ lúa. Kết quả thành phố đã có vụ lúa đông xuân rất trúng mùa, nhiều nông dân đạt được lợi nhuận gấp đôi so với cùng kỳ. 

Đến ngày 25-3, lúa đông xuân tại Cần Thơ đã được thu hoạch dứt điểm, với năng suất ước đạt 72,16 tạ/ha cao hơn cùng kỳ 1,2 tạ/ha. Vụ này, thành phố gieo trồng được 79.244ha  lúa, đạt 99% so với kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ 2.039ha, do nông dân chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi khác.

Đầu năm đến nay, tổng diện tích gieo trồng rau, màu, đậu các loại và cây công nghiệp ngắn ngày là 10.100ha cao hơn 2.557ha so với cùng kỳ. Cụ thể, cây rau gieo trồng được 5.787ha, cao hơn 692ha so với cùng kỳ và đã thu hoạch được 3.140ha, diện tích đang gieo trồng là 2.647ha tập trung tại Bình Thủy, Ô Môn… Cây bắp đã gieo trồng được 373ha, đã thu hoạch được 232ha. Cây đậu gieo trồng được 540ha, đã thu hoạch được 355ha, diện tích đang gieo trồng là 186ha. Cây công nghiệp ngắn ngày đã gieo trồng được 2.364ha cao hơn so với cùng kỳ 1.775ha và đã thu hoạch được 12ha, diện tích đang gieo trồng là 2.352ha. Trong đó, diện tích cây mè là 2.328ha cao hơn so với cùng kỳ là 1.766ha, tập trung chủ yếu tại Thốt Nốt, Ô Môn, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh. Đây là loại cây trồng có khả năng chịu nắng hạn tốt và tiết kiệm nước tưới.

Vụ hè thu 2020, Cần Thơ có kế hoạch sản xuất hơn 75.000ha lúa, đến ngày 1-4 đã xuống giống được 70.927ha, đạt 94,16% so với kế hoạch. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, hiện tại đối với các diện tích lúa hè thu 2020 mới gieo trồng, thành phố cũng chưa ghi nhận thiệt hại do hạn mặn gây ra. Toàn thành phố có hơn 20.125ha cây ăn trái, với sản lượng thu hoạch trái hơn 132.200 tấn/năm và cũng chưa ghi nhận thiệt hại. Song, nếu hình hạn mặn kéo dài và mặn xâm nhập sâu thì Cần Thơ có khoảng 1.748ha cây ăn trái tại phường Tân Phú và Phú Thứ thuộc quận Cái Răng có khả năng bị ảnh hưởng bởi hạn mặn.

Giải pháp đồng bộ

Cần Thơ nằm ở vị trí trung tâm ĐBSCL, cách xa biển khoảng 100km nên thời gian qua có điều kiện thuận lợi về nước ngọt quanh năm. Song, trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, Cần Thơ cũng đang ngày càng có nhiều nguy cơ chịu ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, cần phải luôn cảnh giác. Vào mùa khô năm nay, nước mặn với nồng độ khá cao, lên đến 3,5‰ đã được ghi nhận xuất hiện ngày 10-2-2020 tại rạch Cái Cui (điểm giáp ranh với tỉnh Hậu Giang thuộc phường Tân Phú, quận Cái Răng), trong khi độ mặn đo được vào cao điểm mùa khô mang tính lịch sử năm 2015-2016 chỉ ở mức hơn 2‰. Cần Thơ đã chủ động vận hành các cống và công trình thủy lợi để ngăn mặn xâm nhập vào nội đồng nên không để xảy ra ảnh hưởng cho sản xuất.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, Sở đã tham mưu kịp thời UBND thành phố thống nhất chủ trương thiết lập các trạm đo mặn phục vụ công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020. Theo đó, thành phố thống nhất sử dụng Quỹ Phòng chống Thiên tai thành phố để Đài Khí tượng Thủy văn Cần Thơ thiết lập 2 trạm đo độ mặn cố định và 1 trạm đo độ mặn lưu động trên sông Hậu thuộc quận Cái Răng. Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Đài Khí tượng Thủy văn Cần Thơ đã tổ chức đo đạc, giám sát, cảnh báo xâm nhập mặn tại các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng xâm nhập mặn để hướng dẫn người dân lấy nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt một cách phù hợp nhất.

Khả năng nắng hạn và xâm nhập mặn tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL còn kéo dài  đến tháng 5-2020 do năm nay mùa mưa đến muộn và tổng lượng dòng chảy sông Mekong về ĐBSCL ở mức thấp. Trước tình hình này, Cần Thơ tiếp tục phát huy các giải pháp hữu hiệu mà thành phố thực hiện thời gian qua. Chủ động bố trí lịch thời vụ sản xuất lúa phù hợp, sử dụng giống ngắn ngày và đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại những nơi có nguy cơ thiếu nước để thích ứng nắng hạn. Tổ chức theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, nhất là các dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam và Đài Khí tượng Thủy văn Cần Thơ để không bị động. Thường xuyên rà soát, kiểm tra và tổ chức vận hành các hệ thống công trình thủy lợi hợp lý, đảm bảo nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng, để đảm bảo tốt cho vụ hè thu, đặc biệt cao điểm hạn hán vào tháng 4 và đầu tháng 5, Cần Thơ tiếp tục thực hiện nghiêm theo các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT, theo dõi chặt chẽ tình hình dự báo thời tiết, thủy văn để có các giải pháp phòng, chống kịp thời. Tăng cường công tác truyền thông về tình hình nước, hạn hán, xâm nhập mặn để người dân nâng cao  nhận thức và thực hiện có hiệu quả trong công tác sản xuất. Tiếp tục vận hành tốt các công trình thủy lợi để đảm bảo nước cho sản xuất. Ưu tiên nguồn lực để sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi, đặc biệt công tác thủy lợi mùa khô đang được đẩy mạnh triển khai để đảm bảo nước phục vụ sản xuất.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết