28/08/2013 - 21:48

Liên kết nông dân - doanh nghiệp trong “Cánh đồng lớn”

Cán bộ kỹ thuật Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ cùng nông dân thăm đồng.

Thời gian qua, mô hình “Cánh đồng lớn” (CĐL) với sự tham gia của “4 nhà” trong sản xuất lúa đã góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, cải thiện chất lượng hạt gạo. Nông dân trồng lúa tham gia CĐL an tâm sản xuất vì đầu ra đã có doanh nghiệp (DN) bao tiêu và mô hình này đang phát triển mạnh ở huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ. Đây là bước hoàn thiện Quyết định số 80/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng”…

* Đồng thuận cao

Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT huyện Cờ Đỏ, mô hình CĐL đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nông dân; đồng thời, giải quyết căn bản những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo nên được nông dân ủng hộ, tự nguyện tham gia. Từ vụ lúa đông xuân 2011-2012 đến nay, mô hình CĐL trên địa bàn huyện đã nhân rộng với tổng diện tích trên 11.290ha. Trong đó, các DN bên ngoài bao tiêu hơn 1.544ha, diện tích còn lại do Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ và Nông trường Sông Hậu bao tiêu. Với giá thành sản xuất từ 2.900 – 3.000 đồng/kg, lợi nhuận bình quân vụ đông xuân 2012-2013 trên CĐL đạt 22 triệu đồng/ha, tăng 3 triệu đồng/ha so với sản xuất ngoài mô hình; vụ hè thu 2013 khoảng 6,7 triệu đồng/ha, tăng khoảng 2 triệu đồng/ha so với ngoài mô hình. Tham gia CĐL, nông dân đồng thuận cao và yên tâm hơn khi có sự trợ lực từ phía DN. Huyện phối hợp với các xã, thị trấn trong việc kết nối, mời gọi DN đầu tư cho CĐL.

Anh Nguyễn Minh Thông, nông dân xã Thạnh Phú, cho biết: “Ngoài việc ứng trước phân thuốc không tính lãi đến cuối vụ, giúp phương tiện thu gom, gửi lúa trong kho để chờ giá lên, DN còn thu mua lúa cho nông dân cao hơn thị trường từ 50-100 đồng/kg. Làm ruộng gần chục năm, giờ mới bớt nỗi lo được mùa mất giá”. Trên các CĐL tại huyện Cờ Đỏ, hiện có các DN tham gia hỗ trợ “đầu vào” gồm: Công ty TNHH Trung An, Công ty Điền Vạn Lợi, Công ty Phân bón 5 sao cung ứng giống, phân bón, phân hữu cơ sinh học cho các CĐL ở xã Thới Xuân, Thạnh Phú và Trung An; Cửa hàng Vật tư nông nghiệp Hải Hưng, Trí Tính cung ứng thuốc bảo vệ thực vật cho CĐL xã Trung Hưng; Công ty Cổ phần Gentraco, Công ty Phân bón hóa chất miền Nam, Công ty Hóa nông Hợp Trí hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho CĐL ở xã Thới Đông, thị trấn Cờ Đỏ. Các DN bao tiêu lúa gồm: Công ty TNHH Trung An thu mua lúa cho nông dân tại các CĐL của xã Thới Xuân, Thạnh Phú và Trung An; DNTN Trung Thạnh thu mua lúa cho CĐL xã Trung Hưng; Công ty Cổ phần Gentraco giải quyết “đầu ra” tại CĐL ở xã Thới Đông và thị trấn Cờ Đỏ…

Theo ông Lâm Minh Trí, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cờ Đỏ, hình thức liên kết của các DN trong CĐL rất đa dạng từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào đến khâu tiêu thụ nông sản. Chính quyền địa phương nắm chắc yêu cầu, nguyện vọng từ cả hai bên (DN và nông dân) và làm trung gian kết nối để tạo sự đồng thuận từ 2 phía. Mối liên kết được thực hiện linh hoạt theo từng cánh đồng và tùy vào điều kiện của các DN.

* Đầu tư chiều sâu

Để mô hình CĐL trên địa bàn huyện có sự chuyển biến về chất, huyện Cờ Đỏ đang tập trung đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất. Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch UBND xã Thới Xuân, cho biết: “Để tạo điều kiện cho DN tham gia CĐL, xã tiếp tục đầu tư xây dựng, mở rộng các tuyến giao thông nông thôn liên ấp, liên xã; hoàn thiện hệ thống thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, đáp ứng yêu cầu sản xuất và vận chuyển lúa hàng hóa. Đây cũng là bước chuẩn bị căn cơ để thu hút DN mạnh dạn hỗ trợ “đầu vào” và bao tiêu lúa cho nông dân”. Theo ông Nam, từ nay đến cuối năm, xã tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý Dự án Cạnh tranh Nông nghiệp (ACP) mở các lớp huấn luyện chuyển giao quy trình kỹ thuật “1 phải, 5 giảm”; tổ chức lại mô hình tổ, nhóm sản xuất; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ nâng cao chất lượng lúa gạo, giảm giá thành và hạn chế thất thoát sau thu hoạch; hỗ trợ xây dựng nhà kho, lò sấy tại các CĐL của xã…

Từ quá trình triển khai nhân rộng mô hình CĐL cho thấy, DN đóng vai trò then chốt, giúp nông dân giảm tối đa chi phí sản xuất, giảm tầng nấc trung gian trong khâu tiêu thụ lúa gạo. Tuy nhiên, năng lực của DN còn hạn chế, đặc biệt là đầu tư hệ thống kho, lò sấy nên khó mở rộng diện tích bao tiêu; hệ thống kênh rạch chằng chịt, gây cản ngại trong thu mua lúa... “Nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn trong thực hiện CĐL, huyện tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ lãi suất mua máy móc; đầu tư hệ thống lò sấy, kho bãi tại vùng nguyên liệu… tạo điều kiện cho DN mạnh dạn đầu tư vào CĐL. Đồng thời, phối hợp với các xã, thị trấn tăng cường giám sát việc thực hiện hợp đồng tiêu thụ lúa giữa DN và nông dân, kịp thời phát hiện và giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc từ 2 phía, tránh tình trạng không thống nhất về giá bán dẫn đến việc phá vỡ hợp đồng. Đây là bước đi căn cơ trong việc hướng đến CĐL hội tụ đủ 3 tiêu chí: năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế; hài hòa lợi ích cho 2 bên nông dân và DN khi tham gia mô hình”-ông Lâm Minh Trí, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cờ Đỏ cho biết.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Cờ Đỏ, liên kết sản xuất theo mô hình CĐL còn góp phần thay đổi dần nhận thức của nông dân. Nông dân được khuyến cáo bỏ thói quen sạ “trừ hao” thay vào đó là sạ hàng nên tiết kiệm 80-100 kg giống/ha; áp dụng đồng bộ những giải pháp kỹ thuật tiên tiến như: IPM, “3 giảm 3 tăng”,  “1 phải 5 giảm”; sử dụng chế phẩm nấm xanh, phân vi sinh; thực hiện “Cánh đồng công nghệ sinh thái”... giúp nông dân tăng năng suất, giảm chi phí đầu tư, bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn.

  Bài, ảnh: MỸ THANH

 

Chia sẻ bài viết