Doanh nghiệp giới thiệu các sản phẩm hỗ trợ, thúc đẩy quy trình canh tác tôm - lúa sinh thái.
(CT) - Ngày 30-3, tại TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu, Tổng cục Thuỷ sản, Ban quản lý dự án Tổ chức Oxfam tại Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) và các đối tác tổ chức.
Tại đây, các diễn giả phân tích tổng quan thực trạng sản xuất tôm lúa tại ĐBSCL, thuận lợi và khó khăn; và một số định hướng phát triển tôm lúa giai đoạn 2023-2025; kết quả nghiên cứu đánh giá hiệu quả các sáng kiến/mô hình tôm lúa theo hướng bền vững tại khu vực ĐBSCL; kết quả triển khai dự án xây dựng mô hình tôm sú - lúa hữu cơ phục vụ phát triển vùng nguyên liệu tại ĐBSCL. Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi, các địa phương ở ĐBSCL có tiềm năng tăng diện tích, tăng năng suất của mô hình tôm lúa. Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường tăng, tôm sú Việt Nam chiếm ưu thế về giá trị và chinh phục được các thị trường cao cấp. Tuy nhiên, sản xuất tôm - lúa còn gặp không ít khó khăn do nguồn tôm giống chất lượng không ổn định, giá thành cao. Vấn đề xây dựng thương hiệu, uy tín sản phẩm tôm - lúa (sinh thái) trên thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế chưa được quan tâm đầu tư đúng mức…
Các hợp tác xã nông nghiệp ở ĐBSCL trưng bày giới thiệu sản phẩm được phát triển từ mô hình canh tác lúa - tôm.
Các đại biểu tham gia phiên thảo luận tại hội thảo.
Các đại biểu tham gia phiên thảo luận tại hội thảo.
Sản xuất tôm lúa được đánh giá là hướng phát triển bền vững ở ĐBSCL. Hiệu quả kinh tế của mô hình tôm lúa đã được kiểm chứng và thừa nhận trong thực tiễn, mô hình này ít ảnh hưởng đến môi trường. Khả năng mở rộng mô hình tôm lúa phụ thuộc vào đầu tư công nhằm đáp ứng nhu cầu về "đầu vào" và "đầu ra" của hệ thống và cần huy động nguồn tài chính xanh để mở rộng đầu tư. Vì thế, khả năng nhân rộng mô hình tôm lúa trước hết phụ thuộc vào phương án phát triển lúa tôm và kế hoạch đầu tư công của các địa phương trong giai đoạn tới. Đặc biệt là cần có sự tham gia của doanh nghiệp với vai trò đầu tàu dẫn dắt chuỗi cung ứng tôm lúa, là pháp nhân phù hợp để huy động tài chính xanh đầu tư cho sản xuất tôm lúa. Chuyển đổi sang mô hình tôm lúa cần có quy hoạch để tránh gây ô nhiễm môi trường, cân đối diện tích lúa tôm sao cho đảm bảo hiệu quả kinh tế, quản lý đầu vào, đầu ra sản phẩm, sản xuất có truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng nuôi, có chứng nhận hàng hóa xuất xứ, quy mô sản xuất đảm bảo đủ sản lượng cung ứng cho doanh nghiệp.
Tin, ảnh: MINH HUYỀN