07/07/2010 - 21:20

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Liên kết để tìm tiếng nói chung

ĐBSCL đang cần sự liên kết trong xây dựng hình ảnh vùng để mời gọi đầu tư. Vấn đề này được các chuyên gia và lãnh đạo địa phương đặt ra khá lâu, nhưng vẫn chưa tìm được “nhạc trưởng” để liên kết lại với nhau trong xúc tiến các lĩnh vực đầu tư, thương mại và du lịch.

CẦN TĂNG CƯỜNG LIÊN KẾT

13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đã xác định liên kết để cùng phát triển trong suốt một thời gian dài, nhưng kết quả không được như mong muốn. Nhiều năm qua, Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC), được Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức mỗi năm một lần với từng chủ đề cụ thể nhằm tìm ra giải pháp, đề xuất, kiến nghị thúc đẩy sự phát triển chung của toàn vùng. Kết thúc diễn đàn, đều có tuyên bố chung. Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban thư ký tại MDEC Kiên Giang-2010, bốn chương trình hợp tác trong tuyên bố chung năm 2009 chỉ mới thực hiện được 1 (Hội chợ triển lãm đường biên tại Tịnh Biên, tỉnh An Giang). Còn lại 3 chương trình chưa thực hiện được, gồm: Hội thảo xúc tiến đầu tư trong nước, giới thiệu hình ảnh chung của ĐBSCL tại Hội chợ du lịch Berlin-Đức, xây dựng website tiềm năng và cơ hội đầu tư chuyên nghiệp cho vùng ĐBSCL. Còn Diễn đàn MDEC năm 2010, có 4 chương trình được đề ra để quảng bá và xây dựng hình ảnh ĐBSCL, nhưng đến thời điểm này mới triển khai được chương trình “Tuần lễ ĐBSCL tại TPHCM”. Ba chương trình chưa thực hiện, là: Tổ chức đoàn Famtrip và khảo sát tiềm năng, thế mạnh du lịch, tìm hiểu cơ hội đầu tư hạ tầng du lịch tại ĐBSCL; xuất bản ấn phẩm giới thiệu ĐBSCL hàng quý; Hội chợ triển lãm nông sản quốc tế ĐBSCL-TPHCM.

Trong các chương trình tuyên bố chung của ĐBSCL, tổ chức hội chợ biên giới được đánh giá cao. Trong ảnh: Doanh nghiệp Campuchia tham gia hội chợ biên giới Tịnh Biên để tìm kiếm đối tác Việt Nam và cơ hội kinh doanh phân phối hàng Việt tại Campuchia. 

Có tuyên bố chung, nhưng sau diễn đàn thì từng địa phương tự xây dựng một chương trình xúc tiến riêng, thiếu tính chuyên nghiệp trong hoạt động xúc tiến. Hằng năm, có nhiều hội chợ triển lãm diễn ra tại các tỉnh, thành ĐBSCL nhưng phần lớn là do các địa phương tự tổ chức, hiệu quả không cao nhưng rất tốn kém. Thêm vào đó, đội ngũ làm công tác xúc tiến không được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp. “Trong những năm qua, nhất là từ khi tổ chức lại bộ máy khi thực hiện Nghị định 13 của Chính phủ về tổ chức lại bộ máy các cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, mỗi địa phương thành lập một trung tâm xúc tiến với mô hình, cơ cấu khác nhau. Nơi thì thực hiện cả ba lĩnh vực đầu tư, thương mại và du lịch; nơi thì thực hiện chỉ một hoặc hai trong ba lĩnh vực đó... Các trung tâm hoạt động độc lập, tìm thông tin phục vụ cho công tác xúc tiến cho địa phương mình chứ chưa có sự liên kết trao đổi thông tin lẫn nhau”- đó là ý kiến của ông Trần Thanh Mộc, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư-Thương mại và Du lịch tỉnh Kiên Giang. Theo ông Mộc, ngay cả việc xúc tiến thương mại ra nước ngoài rất tốn kém và dù ít kinh nghiệm nhưng cũng mạnh ai nấy làm. Nếu liên kết lại, chi phí giảm nhiều, tăng hiệu quả xúc tiến vì ĐBSCL hầu như có chung thị trường nhiều mặt hàng trên thế giới, như: cá, tôm, gạo, trái cây.

Đồng quan điểm này, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang - Nguyễn Ngọc Em cho biết: “54% địa phương còn bộ máy xúc tiến phân tán ở các sở, nguồn nhân lực đã yếu càng yếu hơn. Trong thời gian tới, nên hợp nhất thành một trung tâm trực thuộc UBND tỉnh, thành phố”. Hiện nay, ĐBSCL đang hướng tới thị trường Campuchia và các nước lân cận nên cần thiết phải có sự liên kết để xây dựng hình ảnh ĐBSCL và hàng hóa tại thị trường này. Qua đó, kết nối giao thương với doanh nghiệp, hiệp hội thương mại và chính quyền nước sở tại, tổ chức hội chợ vùng, xây dựng trạm trung chuyển, quảng bá sản phẩm ĐBSCL tại Phnom Penh... Campuchia là thị trường tiềm năng với nhu cầu nhập khẩu khoảng 5 tỉ USD/năm. Hàng Việt Nam đang chiếm tỷ trọng lớn với mục tiêu 2 tỉ USD trong năm 2010. Thế nhưng, hàng hóa Việt Nam vào thị trường này qua cửa khẩu An Giang có đến 70% là doanh nghiệp ở TPHCM.

TÌM TIẾNG NÓI CHUNG

Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM Từ Minh Thiện cho biết: “Liên kết là một tất yếu để tạo thế mạnh của vùng. TPHCM sẵn sàng đồng hành cùng ĐBSCL trong công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh vùng với thị trường trong và ngoài nước. Để nâng cao chất lượng hoạt động, cần có chương trình quốc tế đào tạo nguồn nhân lực làm công tác xúc tiến, hỗ trợ đào tạo cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đồng thời, có diễn đàn đầu tư về nông nghiệp cho ĐBSCL để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường”. Sự tương đồng giữa các tỉnh, thành trong khu vực là cơ sở để tạo dựng tiếng nói chung của vùng.

Tại MDEC Kiên Giang 2010, lãnh đạo các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đều đồng thuận cao trong việc xây dựng thương hiệu vùng cho mặt hàng nông - thủy sản. Đồng thời, quảng bá thương hiệu này tại các hội chợ chuyên ngành trên thế giới và cùng phối hợp xúc tiến. Về xúc tiến du lịch, ĐBSCL phải liên kết lại và phối hợp với TPHCM cùng tiểu vùng Mekong để hình thành chuỗi, điểm đến trên bản đồ du lịch thế giới. Tất cả các hoạt động xúc tiến đều phải đặt trong lợi ích của toàn vùng và cùng liên kết thực hiện, chia sẻ thông tin. Bà Bùi Thị Minh An, Trưởng cơ quan đại diện Cục xúc tiến thương mại phía Nam, cho biết: “ĐBSCL phải tăng cường quảng bá hình ảnh địa phương và khu vực để tạo hình ảnh chung trong mắt nhà đầu tư và đối tác. Trước hết, nên tổ chức đoàn tham quan và học tập kinh nghiệm ở các nước làm tốt công tác xúc tiến như Thái Lan và Malaysia; đưa vào hoạt động Trung tâm hỗ trợ phía Nam để quảng bá sản phẩm của vùng ra nước ngoài”. Bà An cho rằng, Chính phủ cần có kế hoạch cụ thể hỗ trợ, khuyến khích các tham tán, đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài tổng hợp và cung cấp thường xuyên, đầy đủ, chính xác các thông tin về các quy định của chính phủ nước sở tại đối với các mặt hàng có khả năng phát triển xuất khẩu.

Các chuyên gia cho rằng, xúc tiến thương mại không chỉ là hội chợ mà còn phải làm cho hàng Việt có sự hiện diện tại thị trường nước ngoài dưới dạng showroom, trạm phân phối hàng hóa. Đồng thời, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Riêng thị trường Campuchia hiện rất tiềm năng mà Việt Nam đang nhập siêu vào nước ngoài và mở rộng sang Lào, Myanmar... Trong khi đó, chúng ta chỉ xúc tiến tại một vài thị trường tại các tỉnh truyền thống mà chưa mở rộng sang các tỉnh, thành khác của Campuchia để hàng Việt đi sâu hơn và chiếm lĩnh thị trường so với hàng hóa các nước khác. Song song đó, cần có một “nhạc trưởng” điều phối hoạt động xúc tiến, dựa vào thế mạnh của vùng, của địa phương để xây dựng dự án mời gọi đầu tư.

Mặt khác, Chính phủ cần cho cơ chế riêng, hỗ trợ kinh phí, tạo nguồn quỹ xúc tiến cho toàn vùng. Phát triển hệ thống hạ tầng tại ĐBSCL nối qua Campuchia và ASEAN. Ông Nguyễn Ngọc Em, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang, đề xuất: “ĐBSCL cần phối hợp nghiên cứu xây dựng, phát triển hai tuyến hành lang thương mại biên giới và du lịch thông suốt từ đồng bằng qua Campuchia và ASEAN trên đất liền. Tuyến hành lang thương mại hình thành trên cơ sở xây dựng đường cao tốc Cần Thơ-Phnom Penh. Phía bạn đã có đường bộ thông suốt; phía ta chỉ cần đầu tư đường từ Cần Thơ đến Tịnh Biên-An Giang để nối vào tuyến này”. Tuyến hành lang du lịch hình thành từ đường cao tốc chạy dọc bờ biển vịnh Thái Lan nối liền ba nước Việt Nam-Campuchia-Thái Lan qua cặp cửa khẩu Hà Tiên (Kiên Giang)-Prek Chak (Kampot) sẽ thúc đẩy sự phát triển không chỉ về du lịch cho vùng, mà còn thúc đẩy xuất khẩu, phát triển mậu biên.

Bài, ảnh: TH.NGUYỄN

Chia sẻ bài viết