02/09/2015 - 15:58

Liên kết để các bên cùng hưởng lợi

Các tỉnh, thành phía Nam có lợi thế trong sản xuất nguồn nguyên liệu và cung ứng sản phẩm rau củ quả, gia súc, gia cầm, thủy hải sản… Đây là những sản phẩm mà các nhà phân phối, siêu thị, doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng… có nhu cầu hợp tác rất cao. Tại Hội nghị "Kết nối cung cầu hàng hóa giữa 4 thành phố trực thuộc Trung ương với các tỉnh phía Nam tại Cần Thơ" diễn ra mới đây, nhà sản xuất và phân phối có dịp trình bày yêu cầu, tiêu chí thu mua, phân phối nhằm đi đến sự liên kết, hợp tác trên cơ sở đôi bên cùng hưởng lợi.

Mong muốn kết nối

Theo ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Thương mại Du lịch TP Cần Thơ, Hội nghị kết nối cung cầu nhằm mục đích kết nối các nhà sản xuất phía Nam với hệ thống phân phối để tiêu thụ sản phẩm; kết nối doanh nghiệp TP Cần Thơ với doanh nghiệp các địa phương nhằm tăng cường liên doanh, liên kết trong đầu tư sản xuất, khai thác có hiệu quả vùng nguyên liệu. Đồng thời, tạo điều kiện để nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã tiếp cận, kết nối với nhà phân phối, đơn vị thu mua. Hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 160 đơn vị sản xuất có nhu cầu mua bán hàng hóa đến từ 23 tỉnh, thành, như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng; tỉnh Đăk-Lăk, Bình Phước, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bình Thuận…, với 10 ngành hàng chủ lực: rau củ quả, nông sản chế biến, gạo, thủy hải sản chế biến, đặc sản địa phương, thủ công mỹ nghệ, bánh kẹo… Đặc biệt, Hội nghị còn có sự góp mặt của 23 đơn vị thu mua là các nhà phân phối, siêu thị, chợ đầu mối đến từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ, như: Tổng Công ty Thương mại Hà Nội-Hapro, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn-Satra, Công ty Cổ phần Thương nghiệp tổng hợp Cần Thơ-CTC...

Doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, tìm cơ hội hợp tác làm ăn tại Hội nghị "Kết nối cung cầu hàng hóa giữa 4 thành phố trực thuộc Trung ương với các tỉnh phía Nam tại Cần Thơ".

Ông Trần Xuân Điền, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, cho biết: "TP Hồ Chí Minh có hơn 10 triệu dân, với thu nhập bình quân 45,6 triệu đồng/người/năm nên nhu cầu tiêu thụ hàng hóa rất lớn. Thống kê sơ bộ, mỗi năm thành phố cần khoảng 660.000 tấn gạo, 85.000 tấn đường, 216.000 tấn thịt heo, 130.000 tấn thịt gia cầm, 1 tỉ quả trứng gia cầm, gần 1 triệu tấn rau củ quả các loại... Trong khi đó, nguồn hàng nông sản do thành phố tự cung ứng khá hạn chế, chủ yếu có nguồn gốc xuất xứ từ các địa phương lân cận". Với lợi thế về các sản phẩm công nghiệp chủ lực (điện tử, da giày, dệt may, cơ khí, thực phẩm chế biến…); sản phẩm làng nghề (mây tre đan, dệt lụa, thêu ren, sơn mài, khảm trai…), các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đến từ Hà Nội cần đẩy mạnh mở rộng thị trường tiêu thụ tại khu vực phía Nam; đồng thời, có nhu cầu khai thác tại các tỉnh phía Nam nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất như: nguyên liệu ngành may (vải, sợi, chỉ…); ngành hóa chất (hạt nhựa, dung môi…); nguyên liệu cho làng nghề mây tre đan, sơn mài, dệt (dừa, lục bình, bông…).

Về kênh phân phối, bà Mai Khuê Anh, Giám đốc điều hành Tổng Công ty Thương mại Hà Nội-Hapro, thông tin: "Với thị trường xuất khẩu trên 70 quốc gia và hệ thống kinh doanh chợ đầu mối, siêu thị, Hapro có thể tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc xây dựng, phát triển thương hiệu; phân phối bán buôn, bán lẻ. Chúng tôi đặc biệt quan tâm tới các sản phẩm đặc sản, nông sản như: hoa quả tươi, gạo, thủy hải sản tươi sống... vốn là thế mạnh mang tính vùng miền của khu vực phía Nam". Theo bà Nguyễn Thị Lài, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đặc sản Đồng Tháp, kế hoạch chiến lược của Công ty là thành lập chuỗi Cửa hàng Đặc sản Đồng Tháp trải dài ở 3 khu vực Bắc, Trung, Nam. Do đó, thông qua Hội nghị "Kết nối cung cầu hàng hóa giữa 4 thành phố trực thuộc Trung ương với các tỉnh phía Nam tại Cần Thơ", Công ty mong muốn được tiếp xúc trực tiếp với các đối tác nhằm trao đổi thông tin, đẩy mạnh liên kết trong đầu tư sản xuất, phát triển kinh doanh mở rộng thị trường; thúc đẩy việc hình thành chuỗi cung ứng...

Cần nguồn hàng ổn định, chất lượng

Mong muốn liên kết hợp tác trong vấn đề cung-cầu đã được nhà phân phối và nhà sản xuất thể hiện rõ. Song, để việc liên kết thành công là vấn đề không đơn giản. Theo ông Trần Xuân Điền, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, thời gian qua, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh phối hợp Sở Công thương các tỉnh, thành tổ chức kết nối cung – cầu và đạt được nhiều kết quả khích lệ. Nhiều sản phẩm được giới thiệu, kết nối với hệ thống phân phối tại TP Hồ Chí Minh nhưng do chưa công bố chất lượng sản phẩm, bao bì thô sơ... nên không đủ tiêu chuẩn để cung ứng cho người tiêu dùng theo đúng quy định của hệ thống phân phối hiện đại. "Nhu cầu thị trường TP Hồ Chí Minh rất đa dạng, ý thức tiêu dùng của người dân khá cao nên yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa ngày càng khắt khe. Đối với mặt hàng rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm, người dân có xu hướng ưa chuộng và tìm mua những sản phẩm có xuất xứ nguồn gốc rõ ràng; được nuôi trồng, sơ chế và chế biến theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, HACCP... Đối với các mặt hàng thực phẩm công nghệ, chế biến, người tiêu dùng ưu tiên chọn những sản phẩm có uy tín thương hiệu, bao bì đẹp, thông tin rõ ràng"- ông Trần Xuân Điền thông tin thêm.

Theo bà Mai Khuê Anh, Giám đốc điều hành Hapro, đối với mặt hàng nông sản, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về mẫu mã, chất lượng, an toàn thực phẩm của người tiêu dùng trong nước cũng như vượt qua được những tiêu chuẩn ngặt nghèo của hàng rào phi thuế quan tại thị trường EU, Úc, Mỹ..., trước hết, Hapro luôn yêu cầu đối tác phải có năng lực cung cấp hàng ổn định, thường xuyên. Kế đến, sản phẩm phải được đăng ký nhãn hiệu; tuân thủ đúng quy cách đóng gói; chất lượng đảm bảo đúng như Giấy Đăng ký nhãn hiệu hàng hóa hoặc Sổ Công bố chất lượng sản phẩm được đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền; cung cấp Giấy Chứng nhận Chất lượng sản phẩm do Sở Y tế cấp hoặc Đăng ký Chỉ dẫn địa lý do Cục sở hữu trí tuệ cấp. Riêng đối với các mặt hàng nông sản xuất khẩu cần đáp ứng được các tiêu chuẩn BAP, Global GAP, PAD/ASC...

Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Thương mại Du lịch TP Cần Thơ, cho biết: "Nhìn chung, nông dân ở TP Cần Thơ hiện nay ý thức rất rõ tầm quan trọng của nông sản sạch theo tiêu chuẩn GAP để đưa hàng hóa vào tiêu thụ tại siêu thị, phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, sản xuất theo quy trình GAP, nông dân phải chịu nhiều rủi ro về giá bán, năng suất, chi phí mà bản thân người nông dân khó có thể một mình gánh vác. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp cần xây dụng cơ chế hỗ trợ nông dân duy trì sản xuất theo quy trình GAP. Nông dân và doanh nghiệp cần có sự liên kết chặt chẽ để người nông dân biết sản xuất ra cái gì cung cấp cho doanh nghiệp và doanh nghiệp định hướng cho nông dân sản xuất theo đúng nhu cầu thị trường và chiến lược phát triển đề ra". Nhiều ý kiến cho rằng, ngành chức năng các tỉnh thành phía Nam cần thực hiện liên kết để hình thành vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn; áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất. Có như vậy mới tạo ra nguồn hàng với số lượng lớn, ổn định; chất lượng đồng đều, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc khi tham gia xuất khẩu tại các thị trường khó tính.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết