10/12/2014 - 20:48

Liên kết chuyển đổi sản xuất nông nghiệp

Những năm gần đây, dù diện tích đất sản xuất nông nghiệp giảm, song TP Cần Thơ luôn nỗ lực giữ vững gia tăng năng suất, chất lượng thông qua tổ chức các hình thức liên kết sản xuất và mở rộng những vùng tập trung chuyên canh. Riêng năm 2014, ngành nông nghiệp thành phố tập trung vào nhiệm vụ tái cơ cấu ngành trên tất cả các lĩnh vực, chuyển đổi sản xuất theo hướng đa dạng sản phẩm nông nghiệp theo yêu cầu thị trường gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Nâng chất

Với mục tiêu giữ vững sản lượng và nâng cao chất lượng, ước tính đến cuối năm 2014, các chỉ tiêu phát triển nông nghiệp của thành phố đều đạt mục tiêu đề ra. Theo đó, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt hơn 12.126 tỉ đồng, tăng 5,24% so năm 2013. Diện tích gieo trồng lúa cả năm đạt 232.335 ha, sản lượng lúa ước đạt hơn 1,423 triệu tấn tăng 3,9% so năm 2013. Diện tích rau màu tăng 17,7% so năm 2013 với hơn 11.451ha, sản lượng ước đạt trên 100.000 tấn. Diện tích cây ăn trái gần 14.290ha, sản lượng ước đạt 85.451 tấn. Diện tích nuôi thủy sản ước đạt 13.190ha, sản lượng thu hoạch hơn 198.300 tấn. Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định 899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 580/QĐ-TTg của Chính phủ về chính sách hỗ trợ giống để chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây màu, ngành nông nghiệp thành phố đã tích cực hướng dẫn nông dân chuyển đổi sang các mô hình canh tác hiệu quả.

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: "Năm qua, ngành nông nghiệp các quận, huyện khuyến khích chuyển đổi hơn 5.840ha từ đất lúa sang trồng cây màu như trồng mè, đậu nành, bắp, dưa các loại… với lợi nhuận đạt từ 25-40 triệu đồng/ha/vụ. Lĩnh vực chăn nuôi có sự chuyển dịch từ các quận trung tâm về các huyện theo hướng tập trung, đảm bảo vệ sinh an toàn sản xuất. Thủy sản tập trung phát triển các loài đặc sản có giá trị kinh tế, tạo điều kiện cho các hộ nuôi có quy mô sản xuất kinh tế hộ gia đình vừa và nhỏ. Công tác ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản được thực hiện ngày càng có trọng tâm, trọng điểm".

Nông dân tham quan mô hình sản xuất lúa giống ở huyện Cờ Đỏ.

Năm 2014, toàn thành phố xây dựng được 58 cánh đồng lớn với diện tích hơn 39.000ha. Nông dân trong các cánh đồng lớn quen dần với việc sử dụng giống lúa xác nhận, gieo sạ mật độ phù hợp, bón phân cân đối, hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Ông Phạm Minh Trí, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Từ 2 cánh đồng mẫu lớn với diện tích 475ha được thực hiện vào đầu năm 2012, đến nay toàn huyện xây dựng được 29 cánh đồng lớn với diện tích 6.738ha. Lợi nhuận của nông dân tham gia cánh đồng lớn tăng thêm từ 2-4 triệu đồng/ha so với sản xuất theo tập quán cũ. Cá biệt có cánh đồng lớn lợi nhuận tăng thêm từ 15-16 triệu đồng/ha nhờ chuyển đổi giống có giá trị cao như cánh đồng D2 xã Thạnh Lợi, cánh đồng của Tổ hợp tác Đồng Vạn thị trấn Thạnh An". Ngoài phát triển các cánh đồng lớn, ngành nông nghiệp thành phố cũng chú trọng xây dựng vùng sản xuất rau màu an toàn tại các quận Bình Thủy, Ô Môn, Thốt Nốt góp phần gia tăng khả năng cung cấp sản phẩm rau an toàn, có kiểm soát chất lượng và phù hợp yêu cầu thị trường. Các mô hình nuôi cá tra đạt theo tiêu chuẩn ASC, VietGAP, GlobalGAP, BAP tiếp tục được duy trì nhằm đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu.

Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp

Thời gian qua, thành phố triển khai hàng loạt chính sách của Trung ương nhằm thúc đẩy quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành phố. Trong đó, chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo cho nông dân đã thu hút 23 doanh nghiệp tham gia trong vụ đông xuân 2013-2014. Với chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch đã nâng tỷ lệ cơ giới hóa khâu thu hoạch đạt trên 65% diện tích lúa thu đông, 70% diện tích lúa hè thu và 100% diện tích lúa thu đông. Các chính sách hỗ trợ để bảo vệ và phát triển đất trồng lúa, hỗ trợ giống để chuyển đổi từ lúa sang cây màu, chính sách về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra góp phần giúp nông dân chuyển đổi sản xuất theo nhu cầu thị trường, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm nông, thủy sản. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của thành phố nhìn chung vẫn còn mang tính tự phát, chưa tương xứng với tiềm năng. Chất lượng nông sản hàng hóa thấp làm giảm khả năng cạnh tranh.

Ông Nguyễn Văn Bé Ba, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Lai, cho biết: "Những cơ chế chính sách của Chính phủ đối với phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn hết sức đúng đắn. Nhưng một số cơ chế vẫn chưa đến được với người dân, một số chính sách chưa phù hợp nên nông dân rất khó tiếp cận. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động ở nông thôn còn chậm, mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị mới thực hiện thí điểm trên một số sản phẩm nông nghiệp". Do đó, phát triển sản xuất với quy mô lớn, phù hợp yêu cầu thị trường để tăng khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Trong bối cảnh ngành nông nghiệp thành phố đang hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cần tạo điều kiện tối đa để nông dân có thể thuận lợi tiếp cận các chính sách và phát huy cao nhất hiệu quả sản xuất.

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, để chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp, thành phố cần tăng cường hỗ trợ kêu gọi các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản (lúa và các loại cây ăn trái) cho nông dân. Đồng thời hỗ trợ các quận, huyện về kinh phí đầu tư hoàn thiện hạ tầng đê bao, kênh mương thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp và kinh phí trợ giá giống cây trồng, vật nuôi đáp ứng mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đòi hỏi phải sử dụng linh hoạt diện tích đất lúa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp và linh hoạt theo yêu cầu thị trường. Để phát triển nông nghiệp theo định hướng công nghệ cao, thành phố cần ưu tiên các nguồn lực đẩy mạnh thực hiện Chương trình nông nghiệp công nghệ cao TP Cần Thơ, tăng cường nguồn nhân lực con người và kinh phí phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Từ thực tế sản xuất của ngành nông nghiệp thành phố thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng cho rằng, cùng với yêu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đa dạng về sản phẩm và đảm bảo chất lượng, khả năng cạnh tranh cần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Đây là mục tiêu sống còn của ngành nông nghiệp. Vì vậy, cần tăng cường nghiên cứu phát triển và ứng dụng các gói giải pháp kỹ thuật, tiến bộ khoa học vào sản xuất nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân. Song song đó, trong năm 2015, ngành nông nghiệp thành phố cần xúc tiến làm việc với đơn vị tư vấn, các sở ngành hữu quan, các bộ, ngành Trung ương sớm thông qua Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành phố để triển khai thực hiện gắn liền với các Quy hoạch đã được phê duyệt, góp phần đưa ngành nông nghiệp phát triển bền vững.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết