03/11/2021 - 07:24

Lễ hội xoài ở Ðồng Tháp 

“Vài tháng trước, Central Retail đã đến Ðồng Tháp và chưa hài lòng khi sản phẩm trong siêu thị chất lượng không cao như trong các nhà vườn. Từ đó tôi quyết tâm tìm phương án nâng cao chất lượng cho xoài trong siêu thị của Central Retail” - ông Paul Le, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Group Việt Nam, nói: “Có thể tổ chức lễ hội về xoài?”.

Sản phẩm xoài được Công ty Công nghệ Thực phẩm Việt - Đức (huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp ) chào bán ở thị trường Nga, Đức.

Góc nhìn thực tế

Ông Huỳnh Tất Ðạt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Ðồng Tháp, cho biết, trong 3 tháng cuối năm 2021, Ðồng Tháp có khoảng 21.000 tấn xoài được sản xuất theo quy trình VietGAP, Global GAP... Theo ông Paul Le, Central Group nghĩ đến việc tổ chức lễ hội riêng về xoài Ðồng Tháp vừa để kết nối với người tiêu dùng vừa quảng báo thương hiệu cho nông sản đầy sức hấp dẫn này.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn và Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Nguyễn Ðình Tùng đều khẳng định, sẵn sàng phối hợp với Bộ NN&PTNT để tổ chức Lễ hội xoài tại Ðồng Tháp vào cuối năm nay.

Lễ hội xoài tại Ðồng Tháp vào tháng 12-2021, theo ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT là sự kiện tích hợp, có khả năng kích hoạt cho các hoạt động tạo dấu ấn trên đất sen hồng.

Ðồng Tháp có sản lượng lúa hằng năm trên 3,37 triệu tấn, có tổng đàn vịt khoảng 5 triệu con, lượng trứng từ nay đến cuối năm khoảng 120 triệu quả, khoảng 30.000 tấn thủy sản, trong đó hơn 20.000 tấn cá tra, còn lại là cá lồng bè; diện tích nhãn khoảng 5.600ha, sản lượng từ nay đến cuối năm khoảng 600.000 tấn. Sen cũng là sản phẩm đặc trưng của Ðồng Tháp với sản lượng tương đối lớn, từ cây sen đã chế biến được ra hơn 20 sản phẩm. Hoa kiểng cũng là đặc sản của Ðồng Tháp với truyền thống sản xuất 300 năm, mỗi năm cung cấp trên 2.500 loài hoa. Ðây là chuỗi giá trị mang lại thu nhập cho bà con. Ðặc biệt là những sản phẩm phục vụ chủ yếu vào dịp Tết. Toàn tỉnh đang tập trung phát triển mô hình homestay và du lịch nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, Làng hoa Sa Ðéc có 4 hợp tác xã (HTX), 10 hội quán, 2.500 hộ tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh hoa kiểng, 1 trung tâm ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và 1 Trung tâm thương mại hoa kiểng đã đưa vào hoạt động. Làng hoa Sa Ðéc hằng năm đón khoảng 3 triệu lượt khách tham quan, trong đó có hơn 170.000 lượt khách quốc tế, tỉnh có 51 điểm du lịch cộng đồng và có thể mở rộng mối liên kết.

Nguồn tin thông thạo cho biết dù đại dịch hoành hành, nhưng 9 tháng năm 2021, Campuchia đã xuất khẩu 200.000 tấn xoài sang thị trường Mỹ. Campuchia sẽ xuất khẩu 500.000 tấn xoài tươi sang Trung Quốc mỗi năm theo nghị định thư về các yêu cầu kiểm dịch thực vật được ký vào tháng 6 năm ngoái. Trung Quốc đã phê duyệt danh sách 37 đồn điền xoài và 5 nhà máy đóng gói có thể xuất khẩu xoài tươi sang Trung Quốc từ ngày 26-4-2021. Việt Nam tiêu thụ 64% nông sản xuất khẩu của Campuchia, tại sao không biến lễ hội xoài thành điểm nối kết, giao thương trái cây bán đảo Ðông Dương tại Ðồng Tháp? - theo nhiều chuyên gia.

Nguồn lực doanh nghiệp

Ông Nguyễn Ðình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group, nói rằng, từ 2 năm trước, Công ty đã có ý tưởng và đã quảng bá tại Mỹ, Australia về tuyến du lịch miệt vườn. Vina T&T sẽ đưa các đoàn du khách quốc tế tham quan vườn trồng đặc sản tại Ðồng Tháp. Mục đích là kích hoạt nhu cầu tìm hiểu văn hóa Việt Nam của khách nước ngoài, sau khi thưởng thức trái cây, giúp tăng giá trị thặng dư cho ngành Nông nghiệp.

Vina T&T xem lễ hội là cơ hội đẩy mạnh liên kết với Ðồng Tháp, nơi có thế mạnh về xoài, nhãn, sầu riêng và một số nông sản khác. Ðể tăng cường kết nối tiêu thụ nông sản Ðồng Tháp, ông Tùng kiến nghị: Nhà nước tích cực đàm phán để sầu riêng xuất chính ngạch vào Trung Quốc và địa phương cần tìm hiểu kỹ thị trường xuất khẩu.

Vina T&T có lợi thế về hệ thống logistics, kho bãi, sẵn sàng làm cầu nối giúp nông dân, HTX đưa hàng vào siêu thị, giúp giảm chi phí, giảm thất thoát ở các khâu sơ chế, bảo quản, phân loại nông sản sau thu hoạch, đảm bảo cả nội tiêu lẫn xuất khẩu. Thời gian tới, Công ty này sẽ tiếp tục đàm phán để đưa nông sản vào các siêu thị lớn, theo ông Tùng.

Về lâu dài, bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty Chánh Thu, muốn xây dựng mô hình liên kết bền vững với HTX tại Ðồng Tháp. Những HTX này sẽ trở thành những chi nhánh của Chánh Thu. “Tới đây, Công ty Chánh Thu sẽ cùng các bạn hàng Trung Quốc đến Ðồng Tháp để tìm hiểu về 2 loại nông sản tiềm năng cho thị trường này gồm sầu riêng và mít. Mít của Ðồng Tháp được khách hàng Trung Quốc đánh giá rất cao. Công ty Chánh Thu sẽ xây dựng điểm thu mua tại Ðồng Tháp cho 3 sản phẩm chính là xoài, sầu riêng và mít. Trong đó xoài phục vụ cho thị trường Mỹ và Australia. “Khó khăn của Công ty Chánh Thu là cách đưa quy trình canh tác chuẩn cho nông dân, làm theo tiêu chuẩn cao để bà con yên tâm bán nông sản cho thị trường cao cấp. Hiện nay, điều chúng tôi lo ngại là vùng nguyên liệu và chất lượng sản phẩm chứ không phải đầu ra cho nông sản” - bà Ngô Tường Vy, nói.

Theo ông Tùng và bà Vy, sản phẩm xuất khẩu chủ lực của công ty là trái cây tươi. Hiện nay, có 4 vấn đề: Thời gian vận chuyển, cụ thể, hàng xuất Mỹ hơn 3 tuần, nhưng hiện nay phải mất thêm khoảng 3 tuần nữa để nhập kho do hải quan chỉ làm việc 50%. Hàng đi Trung Quốc, trước đây từ 4-5 ngày, nhưng giờ 7-8 ngày do chậm thông quan. Chất lượng trái cây năm nay của Ðồng Tháp không bằng mọi năm, người dân không đảm bảo trong khâu chăm sóc, có thể dẫn tới thiếu hàng xuất khẩu thời gian tới. Ðồng Tháp đang tái cơ cấu cây trồng, từ nhãn sang sầu riêng, nhưng sầu riêng chưa xuất được chính ngạch sang Trung Quốc. Người dân chưa có nhiều thông tin về tiêu chuẩn kỹ thuật của các nước. Lấy ví dụ, châu Âu chuộng thanh long dưới 300gr, còn Mỹ lại chuộng loại trên 450gr, nhưng không phải đơn vị nào cũng biết điều này.

Những nhà vườn sáng tạo ở ĐBSCL từng mơ ước có lễ hội xoài. 

Không nguồn lực nào bị bỏ rơi

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn cho rằng, lễ hội xoài là sự kiện tích hợp để kết nối nhiều mối liên hệ với nhà vườn, hội quán, trang trại, HTX, điểm đón du khách, chủ thể Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)…

Ðồng Tháp có 167 sản phẩm OCOP (xếp thứ 5 cả nước), theo ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng Ðiều phối nông thôn mới Trung ương, khi tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, dự kiến tháng 12-2021, Bộ NN&PTNT sẽ cùng tỉnh Ðồng Tháp tổ chức chương trình kết nối OCOP vùng ÐBSCL gắn với lễ hội xoài, qua đó tạo ra sức hút đối với các doanh nghiệp cung ứng, tiêu thụ và người dân.

Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị ứng dụng hệ thống thương mại điện tử để hình thành cơ sở dữ liệu cho hơn 2.700 chủ thể OCOP với 5.012 sản phẩm OCOP. Trong đó có kênh thương mại điện tử chuyên biệt để tiêu thụ sản phẩm OCOP cho vùng ÐBSCL nói chung, tỉnh Ðồng Tháp nói riêng để tạo điều kiện cho người tiêu dùng dễ tìm, dễ mua và dễ tiếp cận sản phẩm OCOP.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng, lễ hội xoài Ðồng Tháp trong dịp cuối năm nay, chúng tôi mong muốn các HTX, Hội quán, cơ sở sản xuất cùng các doanh nghiệp, nhà bán lẻ đồng lòng nâng cao chất lượng, quảng bá thương hiệu cho nông sản Việt Nam cần tập trung nguồn lực từ các cơ quan Trung ương, địa phương cùng thực hiện. Bộ NN&PTNT đã làm việc với Bộ Ngoại giao để phối hợp, đưa các sản phẩm OCOP tiếp cận các thị trường nước ngoài, làm quà tặng trong các chuyến công du quốc tế. Bộ NN&PTNT đã làm việc với Ðại sứ quán Nga và Trung Quốc để thúc đẩy thương mại và tháo gỡ các khó khăn trong xuất nhập khẩu nông sản. Sắp tới sẽ có diễn đàn quốc gia về sử dụng nguyên liệu phụ phẩm nông nghiệp để đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn và một diễn đàn nữa là kết nối nông sản toàn cầu, có sự phối hợp giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương.

Hiện nay, cả nước có trên 18.000 hợp tác xã với 3,2 triệu thành viên, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên đạt gần 37 triệu đồng/người/năm. Doanh thu bình quân là 1,6 tỉ đồng/năm đối với 1 HTX. Trên 60% HTX làm ăn hiệu quả, trong đó dịch vụ khoảng 20% trong số tổng các HTX. Tại Ðồng Tháp, HTX, Hội quán, các nông trại và nhà đầu tư tự thân trong cộng đồng đang trở thành nguồn lực hiện thực hóa các sáng kiến tích hợp. Có thể xem đây là cách phục hồi sinh hoạt địa phương một cách thực tế, sáng tạo sau thời gian dài giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19.

Bài, ảnh: CHÂU LAN

Chia sẻ bài viết