31/01/2021 - 08:20

Lễ hội Lăng Ông Trà Ôn 

Lễ hội Lăng Ông Trà Ôn hay còn gọi Lễ giỗ Ông Tiền quân Thống chế Điều bát Nhung vụ Nguyễn Văn Tồn, là một trong những lễ hội có quy mô lớn của tỉnh Vĩnh Long, diễn ra vào mùng 3 và 4 tháng Giêng.

Cổng di tích. Ảnh: Trần Phỏng Diều

Nhân vật phụng thờ

Lễ hội Lăng Ông Trà Ôn tưởng nhớ cụ Nguyễn Văn Tồn - người có công lớn khai khẩn vùng đất Trà Ôn, Cầu Kè; tạo mối đoàn kết giữa các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer; ngăn chặn sự xâm lấn của ngoại xâm. Ông còn tham gia hỗ trợ cụ Thoại Ngọc Hầu đào kênh Vĩnh Tế.       

Ông tên thật là Thạch Duồng, sinh năm Quý Mùi (1763) tại làng Nguyệt Lãng, huyện Vĩnh Bình (nay là xã Bình Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh). Khi còn trẻ, ông làm việc trong phủ chúa, sau được chuyển làm Cai đội cầm quân ra trận lập nhiều công trạng, được chúa Nguyễn Ánh ban quốc tính với tứ danh Nguyễn Văn Tồn.

Năm 1787, lúc chúa Nguyễn Ánh bị Tây Sơn đánh đuổi phải tị nạn, ông theo sang Vọng Các. Khi chúa Nguyễn Ánh trở về nước, ông được phân về Trà Vinh, Mang Thít để chiêu mộ dân binh, được giao làm Nội thuộc Cai đội Thống quản, đóng đồn tại Cầu Kè và Trà Ôn. Tại đây, ông huy động và chỉ huy dân binh khai khẩn đất hoang để trồng trọt, thành lập nhiều làng xóm.

Sau khi chiến thắng Tây Sơn, năm 1802 chúa Nguyễn Ánh lên ngôi lấy hiệu là Gia Long (1802-1820), ông được thăng làm Cai cơ, Chưởng quản Thủy quân doanh, đưa quân bản bộ về quê, trấn giữ đồn Uy Viễn ở Trà Ôn thuộc đạo Trấn Giang (tức Cần Thơ) kiêm quản suất hai phủ Trà Vinh và Mang Thít thuộc dinh Vĩnh Trấn (tức dinh Long Hồ). Tại đây, ông tiếp tục huy động dân binh mở đất, tạo lập xóm làng.

Năm Gia Long thứ 10 (1811), nhờ có công trong giữ yên bờ cõi Tây Nam, ông được thăng chức hàm Thống chế, tước Dung Ngọc Hầu. Năm 1813, ông được cử cai quản vùng Trà Ôn, Cầu Kè, Trà Vinh, tiếp tục chiêu dân vùng Trà Ôn, Mang Thít khai khẩn, thành lập xóm làng. Năm 1819, ông được triều đình bổ vào chức Ðiều bát Nhung vụ, dẫn đoàn dân binh khoảng 500 người đến Châu Ðốc để cùng với Thoại Ngọc Hầu, Tuyên Trung Hầu lo việc đào kênh Vĩnh Tế.

Ngày mùng 4 tháng Giêng năm Canh Thìn (tức ngày 27 tháng 2 năm 1820), Tiền quân Thống chế Ðiều bát Nhung vụ Nguyễn Văn Tồn mất ở nơi trấn thủ Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, lúc 58 tuổi. Triều đình Huế phái đại thần mang phẩm vật vào làm lễ điếu tế với nghi thức long trọng trong ba ngày. Năm 1928, vua Minh Mạng truy tặng sắc phong ông là Trung đẳng thần, Hàm Ân Trung Dũng Thiên Trực, tước Dung Ngọc Hầu. Vợ ông được ban mỹ tự là Hiền Thục Chi Thần Thống Chế Ðại Quan(1).

Không gian lễ hội

Cụ Nguyễn Văn Tồn không chỉ có công khai hoang vùng đất Trà Ôn, Cầu Kè, ngăn chặn quân Xiêm xâm lấn đất nước, mà còn được xem như một vị phúc thần che chở cho nhân dân trong vùng tránh được thiên tai dịch bệnh(2).  

Hiện nay lăng và mộ phần của ông cùng phu nhân được an vị tại địa phận giồng Thanh Bạch, ấp Mỹ Hòa, xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, cách thị trấn Trà Ôn khoảng 2km, được xây dựng năm 1820. Tổng diện tích lăng mộ khoảng 8.000m2 gồm nhiều công trình với hoa văn và kiến trúc trang nghiêm, cổ kính. Xung quanh có nhiều cây xanh, hoa kiểng, tỏa che bóng mát.

Chính điện Lăng Ông là nơi thờ cụ Nguyễn Văn Tồn và phu nhân, con trai ông và các vị danh tướng. Trong chính điện, bàn thờ cụ Nguyễn Văn Tồn được đặt chính giữa, có tượng và di ảnh. Phía trước bức tượng là giá đỡ có gác một thanh kiếm thể hiện uy nghiêm của một võ tướng. Bên phải bàn thờ (nhìn từ ngoài vào) là bàn thờ của bà Nguyễn Thị Bạch - phu nhân của ông, với bài vị ghi bốn chữ Hán: Hiền Thục chi thần vị. Bên trái là bàn thờ của Vệ úy Nguyễn Văn Vy - con trai của ông và bàn thờ Phó soái Nguyễn An - Phó tướng của Bình Tây Ðại nguyên soái Trương Ðịnh (năm 1872 Phó soái Nguyễn An chỉ huy quân lính tấn công vào chợ Trà Ôn và các đồn binh, tiêu diệt nhiều quân Pháp. Khi rút về, Phó soái trúng đạn và hy sinh ở đầu rạch Trà Ôn. Nhân dân nơi đây thỉnh bài vị Phó soái về Lăng Ông Tiền quân để thờ tự). Trong chính điện còn thờ Tả quân Lê Văn Duyệt, Bình Tây Ðại nguyên soái Trương Ðịnh, Anh hùng Nguyễn Trung Trực.

Múa sa-dăm trong lễ hội Lăng Ông Trà Ôn. Ảnh: Huỳnh Lê Duy

Phía trước chính điện là nhà võ ca có sân khấu, bên trái là nhà khói, bên phải là nhà khách. Phía sau chính điện là mộ phần của ông và phu nhân, được xây theo kiểu song táng. “Xung quanh mộ có tường hoa, có bình phong, trụ liễu... trang trí hình lá, giao long và có cặp kỳ lân đứng hầu. Trên trụ liễu có câu đối ngắn đã thể hiện được đức độ người đã mất:

Hoa Di cộng ngưỡng

Mân Quảng đồng tri ân

(Người Hoa, người Khmer đồng ngưỡng mộ

Người Phúc Kiến, người Quảng Ðông đều nhớ ơn)”(3)

Ngày 13 tháng 2 năm 1996, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận Lăng Ông là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Nghi thức tế lễ

Lễ hội Lăng Ông Nguyễn Văn Tồn do cộng đồng người Kinh - Hoa - Khmer vùng Trà Ôn thực hiện. Lễ hội có đầy đủ các nghi thức truyền thống như: Túc yết, Chánh tế, Lễ tế Tiền hiền và Hậu hiền, Xây chầu đại bội... Phần hội có người Kinh tổ chức hát bội; người Hoa tổ chức múa lân, nhạc Tùa Lầu Cấu; bà con người Khmer trình diễn nhạc ngũ âm và múa hát truyền thống.

Lễ hội diễn ra chính trong mùng 3 và 4 tháng Giêng nhưng thực chất người dân vùng Trà Ôn đã vào hội từ ngày 30 tháng Chạp. Mở đầu là tục dựng nêu, dâng cúng bánh và trái cây. Tre được chọn để dựng nêu phải là loại tre hóp (nhỏ, đanh và tươi rất lâu), đếm đến đốt ngọn trên cùng thuộc cung Sinh mới chặt gốc. Các nhánh, lá tre được róc hết, chỉ chừa lại phần đọt có lá. Ngày 30 tháng Chạp, các vị hương lão cúng trình trời đất và Ông Tiền quân rồi dựng cây nêu trước lăng. Trên đọt của nêu treo bùa nêu và một vật tượng trưng như cá chép làm bằng đất hoặc bằng gỗ, khánh, chuông… Người dân nơi đây cho rằng cây nêu dùng để chỉ đường Ông về ăn Tết và chuẩn bị cho ngày giỗ.

Từ sáng sớm ngày mùng 3 Tết, dàn nhạc ngũ âm của người Khmer đến từ chùa Gò Xoài, xã Tân Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, đã tấu lên những âm thanh rộn rã tại Lăng Ông. Kế tiếp là lễ tụng kinh cầu an của các vị sư người Khmer. Sau đó là biểu diễn múa lân để cầu an lành, thịnh vượng; rồi các điệu múa dân gian như rô-băm, múa sa-dăm hay hát dù-kê... Ðến giờ Thân là lễ Túc yết, cúng tế các vị Tiền hiền khai khẩn, Hậu hiền khai cơ cùng những người có công với đất nước, với các nghi thức dâng hương, đăng, trà rượu, nhạc lễ… Lễ vật dâng cúng là hoa quả, sản vật địa phương như: con heo trắng được làm sạch nhưng chưa nấu chín hoặc một cái đầu heo, mâm xôi rặt không có đậu, mâm trái cây, mâm bánh, rượu, trà, trầu cau, đĩa gạo, muối. Lễ hội cũng là lễ giỗ nên trên mâm cúng được bày như bữa cơm với các món Nam Bộ. Sau nghi lễ là trình diễn nghệ thuật tuồng với các vở mang tính lịch sử, nhắc lại đạo đức tốt đẹp của người xưa.

Lễ Chánh tế được tổ chức vào ngày mùng 4, vừa là lễ giỗ cụ Nguyễn Văn Tồn, vừa cầu quốc thái dân an, mùa màng tốt tươi. Sau đó là nghi thức ẩm phước được tiến hành sau tuần trà. Nhân dân vào lễ bái cầu nguyện những điều tốt lành cho gia đình, bản thân.

Tiếp sau là Lễ Xây chầu đại bội. Sau lễ xây chầu, trống chầu được khiêng đặt dưới sân khấu, dân làng cử ra người cầm chầu, đào, kép của đoàn hát được mời tham gia diễn các lễ như: Lễ Khai thiên tịnh địa (Ðiềm hương - Ðiềm hoa), Lễ Xang nhật nguyệt, Lễ Tam tài (Tam đa hay Tam tinh) chúc tụng Phúc - Lộc - Thọ, Lễ Tứ thiên vương, Lễ Ðứng cái, Lễ Gia quan - Tấn phước (Gia quan phổ tước), Lễ Bát tiên hiến thọ.

Song song đó, các đội nhạc lễ của người Khmer, người Hoa, người Kinh tiếp tục trình diễn những âm điệu đặc sắc, trình diễn hát bội của các CLB ở địa phương. Lễ hội Lăng Ông Trà Ôn còn có giao lưu đờn ca tài tử, hội thi ẩm thực, thi đấu bóng chuyền, các trò chơi dân gian...

Múa lân trong lễ hội Lăng Ông Trà Ôn. Ảnh: Huỳnh Lê Duy

Lễ hội Lăng Ông Trà Ôn thể hiện lòng tri ân sâu sắc của nhân dân các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer đối với vị tướng có công với dân, với nước. Ðồng thời thông qua lễ hội khơi dậy tinh thần đoàn kết, sự gắn bó của cộng đồng. Lễ hội là sự tổng hòa, thống nhất trong đa dạng về loại hình nghệ thuật dân gian nhưng lại mang những nét độc đáo riêng biệt của từng dân tộc sinh sống tại vùng đất Trà Ôn, đồng thời tái hiện những nét sinh hoạt văn hóa cổ xưa. Lễ hội Lăng Ông Trà Ôn được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ngày 22-1-2020(4). 

---------

(1) Dẫn theo Nguyễn Công Lý (2017), Nguyễn Văn Tồn (1763-1820), in trong cuốn “Một số nhân vật lịch sử đất phương Nam”, Nhiều tác giả, NXB Hồng Ðức, tr.119-121.

(2) Trương Ngọc Tường (2003), Miếu Quan Thống chế Ðiều bát, in trong cuốn “Tìm hiểu văn hóa Vĩnh Long (1732-2000)”, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, tr.253.

(3) Trương Ngọc Tường, Sđd, tr.254.

(4) Theo Dương Anh (2021), Lễ hội Lăng Ông Trà Ôn, http://dsvh.gov.vn/le-hoi-lang-ong-tra-on-3264. Ngày truy cập: 07.01.

Trần Phỏng Diều

Chia sẻ bài viết