Trong tâm thức dân gian, Bà Chúa Xứ là Bà Chúa, Bà Chủ, Bà Mẹ đã tạo dựng nên một xứ sở, vùng đất. Niềm xác tín này xuất phát từ tín ngưỡng cổ sơ Cha Trời, Mẹ Đất trong tâm thức truyền đời của dân tộc. Qua giao lưu, tiếp xúc với các nền văn hóa khác trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, tín ngưỡng này ngày càng được bổ sung, thay đổi từ danh xưng lẫn nội dung theo điều kiện kinh tế - xã hội và địa bàn cư trú của cư dân(1).
Nguồn gốc tín ngưỡng
Tín ngưỡng và tập tục thờ Bà Chúa Xứ vốn gắn bó trong đời sống tinh thần của người Chăm ở Trung bộ nước ta. Đó là Mẫu cộng sinh giữa thần Uma (vợ của Siva, một trong ba vị thần của đạo Bà La Môn) với Pô Inư Nagar hoặc Pô Nư gar (Bà Mẹ xứ sở, Quốc Mẫu dân tộc Chăm theo tín ngưỡng dân gian). Người Chăm quan niệm rằng Bà Mẹ xứ sở ấy đã dạy họ trồng trọt, chăn tằm, dệt vải và cả chữ nghĩa, đạo lý…
Miếu Bà Xóm Chài (quận Cái Răng) rộn ràng Lễ hội Cầu an đầu năm. Ảnh: DUY KHÔI
Trong quá trình giao tiếp văn hóa Chăm - Việt và do các đặc điểm tự thân của tín ngưỡng dân gian, Bà Mẹ xứ sở của người Chăm từng bước phân thân thành nhiều Mẫu (và con của Mẫu) của người Việt. Nữ thần Uma trở thành Ngung Man Nương (tức nàng Ngung Man), vị thần mà người Việt xem như là tiền chủ những mảnh đất mới khi họ đặt chân tới khai hoang lập nghiệp nơi đó. Còn Pô Inư Nagar lại trở thành Thiên Yana (hoặc Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi với tước Thượng đẳng thần, theo sắc phong của triều Nguyễn). Một hóa thân khác của Thiên Yana ở miền Trung sau đó ảnh hưởng lan rộng vào Nam bộ là Bà Chúa Tiên (Chúa Tiên Nương Nương), hoặc Bà Chúa Ngọc (Chúa Ngọc Nương Nương) được quan niệm là những vị nữ thần chuyên độ mạng (hộ mệnh) cho phái nữ. Bà Chúa Tiên hoặc Bà Chúa Ngọc còn có hai người con là Cậu Tài (hoặc Chài), Cậu Quý (hoặc Quới), là những vị thần đặc biệt bảo hộ cho vùng sông nước. Tương tự, người sống bằng nghề hạ bạc và thương hồ đã đồng hóa Pô Nư gar với Thủy Long Thánh Phi, tức nữ thần sông nước, kèm theo hai người con của Bà: Cậu và Bà Cậu, những vị thần cai quản các hải đảo hoặc cù lao ven sông, biển. Cuối cùng, tổng hợp các Mẫu nói trên, Pô Inư Nagar đã dần trở thành Bà Chúa Xứ, vị nữ thần phổ biến và đặc trưng nhất cho tín ngưỡng thờ Mẫu - Nữ thần của người Việt ở Nam bộ(2).
Lễ cúng Bà Chúa Xứ ở Cần Thơ
Bà Chúa Xứ được người dân Cần Thơ xem là vị thần cai quản đất đai ở một vùng rộng lớn nên ở khắp quận, huyện đều có lập miễu thờ Bà. Ngoài Miễu Bà được lập trong khuôn viên đình làng, người ta còn lập Miễu Bà ở những khu dân cư đông đúc để Bà phù hộ cho xóm làng được bình yên.
Lễ cúng Miễu Bà hằng năm được tổ chức vào ngày 23 và 24 tháng 3 Âm lịch. Trong ngày cúng, dân làng và khách quanh vùng đến dự rất đông. Người ta mang theo hoa quả, nhang đèn, heo quay, gà vịt đến cúng Bà để cầu mong gia đạo được bình an, xóm làng yên ổn, cuộc sống ấm no, đủ đầy. Đến giờ cúng, Ban Tế tự đứng nghiêm trang trước bàn thờ Bà nghe Học trò lễ xướng và thực hiện theo lời xướng đó. Hương nhạc Nguyễn Văn Tặng ở rạch Bù Lu, ấp Thới Hòa, xã Thới Long, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ cung cấp cho người viết bài tư liệu về lễ cúng và chúng tôi xin ghi chép lại:
Áp hầu: Nhạc đánh rước học trò lễ đi ra
Tịnh túc thị lập: Tất cả im lặng
Chấp sự giả các tư kỳ sự: Những người có chức năng trong buổi tế tập trung lại trước bàn thờ thần
Nhạc sanh tựu vị: Khắc dăm trống 3 cái
Hương quan, hương chức viên đô tân cựu tựu vị. Tam viên chức chánh bái viên tựu vị: Ban Tế tự tập trung trước bàn thờ thần
Bổn ban, bổn thôn nam nữ tựu vị: Mọi người nghiêm trang đứng trước bàn thờ thần
Trung cổ tề minh Chánh tế mỗi vật tam chuyển, khởi cổ: Trống cái đánh 3 hồi 3 dùi
Tả kích thác: Mõ đánh 3 hồi 3 dùi
Hữu kích chung: Chiên đánh 3 hồi 3 dùi
Trung tâm khởi cổ: Trống chầu đánh 3 hồi 3 dùi
Nhạc sanh khởi nhạc: Nhạc đổ 1 hồi
Cổ sơ nghiêm: Nhạc đổ 1 hồi 3 chập
Cổ tái nghiêm: Nhạc đổ 1 hồi 3 chập
Cổ tam nghiêm: Nhạc đổ 1 hồi 3 chập
Đại viên chức tấn bái: Chính quyền lạy 4 lạy
Nghệ quán tẩy sở: Chánh bái, phó bái đến chỗ có đặt thau nước
Quán tẩy: Chánh bái, phó bái rửa mặt
Thuế cân: Chánh bái, phó bái lau mặt
Củ soát tế vật: Học trò lễ dẫn chánh bái, phó bái đi kiểm tra lễ vật cúng thần
Ế mao huyết: Chánh bái, phó bái đi kiểm tra heo cúng thần để chuẩn bị chọc huyết
Phục cựu vị: Học trò lễ dẫn chánh bái, phó bái về chỗ cũ
Nghệ hương án tiền: Học trò lễ đốt nhang
Phần hương: Học trò lễ đưa nhang cho chánh bái
Giai quị: Học trò lễ quỳ xuống
Nguyện hương: Học trò lễ đưa nhang cho chánh bái nguyện
Thượng hương: Chánh bái đưa nhang cho học trò lễ dâng lên cúng
Cung tấn hương nghi: Học trò lễ đi lên dâng hương
Nghệ thần chúc vị hương: Học trò lễ đi tới bàn thờ thần
Giai quị: Học trò lễ quỳ xuống, ông từ cầm nhang dâng cúng
Hoàn cựu sở: Học trò lễ đi về
Nhạc sanh tựu vị: Ban nhạc đến trước bàn Hội đồng
Nhạc sanh tiếp giá Chánh tế nghinh thần cúc cung bái: Nhạc đánh tiếp giá, chánh bái, phó bái lạy 4 lạy
Hoàn cựu sở: Nhạc tiếp giá rồi về chỗ cũ
Sơ hiến lễ: Tuần rượu thứ nhất
Giai quị: Học trò lễ quỳ xuống
Châm tửu: Chánh bái rót rượu
Cung tấn tửu nghi: Học trò lễ đứng lên
Nghệ tửu tôn sở: Học trò lễ cung tay đi lên
Nghệ thần chúc vị tiền: Học trò lễ đi tới bàn thờ thần
Giai quị: Học trò lễ quỳ xuống, ông từ bưng rượu lên cúng
Hoàn cựu sở: Học trò lễ đi về
Phủ phục hưng bình thân cúc cung bái: Chánh bái, phó bái lạy 4 lạy
Tam viên chức chánh bái viên nhập thượng nghi: Học trò lễ dẫn chánh bái, phó bái lên nghi dẫn chủ
Nghệ phần chúc vị tiền: Học trò lễ cầm văn tế từ nghi ngoại đến nghi dẫn chủ
Giai quị: Học trò lễ cầm văn tế quỳ xuống
Độc chúc: Hương văn đọc văn tế
Phủ phục hưng bình thân cúc cung bái: Hương văn lạy 4 lạy
Á hiến lễ: Tuần rượu thứ nhì
Giai quị: Học trò lễ quỳ xuống
Châm tửu: Chánh bái rót rượu
Cung tấn tửu nghi: Học trò lễ đứng lên
Nghệ tửu tôn sở: Học trò lễ cung tay đi lên
Nghệ thần chúc vị tiền: Học trò lễ đi tới bàn thờ thần
Giai quị: Học trò lễ quỳ xuống, ông từ bưng rượu lên cúng
Hoàn cựu sở: Học trò lễ đi về
Phủ phục hưng bình thân cúc cung bái: Chánh, phó bái lạy 4 lạy
Tam viên chức chánh bái viên hoàn cựu sở: Học trò lễ dẫn chánh bái, phó bái về chỗ quỳ
Chung hiến lễ: Tuần rượu thứ ba
Giai quị: Học trò lễ quỳ xuống
Châm tửu: Chánh bái rót rượu
Cung tấn tửu nghi: Học trò lễ đứng lên
Nghệ tửu tôn sở: Học trò lễ cung tay đi lên
Nghệ thần chúc vị tiền: Học trò lễ đi tới bàn thờ thần
Giai quị: Học trò lễ quỳ xuống, ông từ bưng rượu lên cúng
Hoàn cựu sở: Học trò lễ đi về
Phủ phục hưng bình thân cúc cung bái: Chánh bái, phó bái lạy 4 lạy
Tam viên chức chánh bái viên thối xuất: Chánh bái, phó bái đi ra ngoài
Bổn ban, bổn thôn nam nữ bái, đồng lễ bái: Các ban trong đình và nhân dân vô lạy
Tam viên chức chánh bái viên hoàn cựu sở: Chánh bái, phó bái trở vô quỳ
Nghệ phần trà vị tiền: Tuần trà
Giai quị: Học trò lễ quỳ xuống
Châm trà: Chánh bái, phó bái rót trà
Cung tấn trà nghi: Học trò lễ đứng lên
Trà vị tôn sở: Học trò lễ cung tay đi lên
Nghệ thần trà chúc vị tiền: Học trò lễ đi đến bàn thờ thần
Giai quị: Học trò lễ quỳ xuống, ông từ bưng trà cúng
Hoàn cựu sở: Học trò lễ đi về
Phủ phục hưng bình thân cúc cung bái: Chánh bái, phó bái lạy 4 lạy
Cung phần sớ dâng thượng tấu: Học trò lễ cầm văn tế từ nghi ngoại đến bàn thờ thần
Chúc vị: Học trò lễ đốt văn tế
Hoàn cựu sở: Học trò lễ đi về
Lễ thành tứ bái: Chánh bái, phó bái lạy 4 lạy rồi bước ra; Học trò lễ bước vô lạy 4 lạy.
Lễ cúng Bà xong, mọi người dọn bàn, bắt mâm, ăn uống để hưởng lộc Bà. Trong lúc dọn bàn, bà con xung quanh thay phiên nhau vào thắp nhang lạy Bà, cầu mong Bà phù hộ cho một năm cửa yên ấm, làng xóm hòa thuận.
TRẦN PHỎNG DIỀU
(1) Nguyễn Hữu Hiếu (2015), Tục thờ thần qua am miếu Nam Bộ, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.132.
(2) Huỳnh Quốc Thắng (2003), Lễ hội dân gian Nam Bộ, khía cạnh giao tiếp văn hóa dân tộc, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tr.114-115.