13/03/2016 - 15:50

Lấy niềm vui, hãnh diện của người dân làm thước đo hiệu quả xây dựng nông thôn mới

Tại Hội nghị toàn quốc Văn phòng Điều phối nông thôn mới năm 2016 vừa diễn ra ở TP Cần Thơ, các tỉnh, thành trong cả nước đã có dịp chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay trong việc triển khai xây dựng nông thôn mới (XDNTM) thời gian qua. Đồng thời, những vấn đề tồn đọng, bất cập phát sinh cũng được xem xét, nhìn nhận thấu đáo từ đó đề ra nhiều giải pháp, kiến nghị để nông thôn mới đi vào thực chất…

Còn nhiều khó khăn

Tính đến tháng 2-2016, nước ta có 1.761/8.935 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1.223 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 3.155 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 2.123 xã đạt từ 5-9 tiêu chí và 326 xã dưới 5 tiêu chí. Bình quân đạt 12,9 tiêu chí/xã, tăng 8,2 tiêu chí so với năm 2010. Cả nước có 17 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và hiện có 7 huyện đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục chuẩn bị công nhận. Ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, nhận xét: "Kết quả trên được đánh giá cơ bản hoàn thành mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2010-2015. Hơn nữa, đây còn là bước chuẩn bị cho sự phát triển vượt bậc về chất với sự xuất hiện của mô hình nông thôn mới cấp huyện ở nhiều địa phương".

 Nông dân trồng rau màu ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền.

Những kết quả bước đầu là vậy, song theo đánh của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, tiến trình XDNTM vẫn tồn tại nhiều bất cập. Điển hình như, sự chênh lệch về kết quả XDNTM ở các khu vực ngày càng rõ nét; phát triển sản xuất có chuyển biến nhưng vẫn còn manh mún, thiếu mô hình liên kết theo chuỗi, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Nhiều nơi xảy ra tình trạng chạy theo thành tích để sớm đạt chuẩn nông thôn mới; thiếu cơ chế phân bổ, giám sát và theo dõi nguồn vốn thực hiện chương trình… Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, chia sẻ: XDNTM ở TP Cần Thơ được thành phố chỉ đạo quyết liệt qua phong trào "Cần Thơ chung sức XDNTM"; lồng ghép với tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp… nên được người dân đồng tình ủng hộ và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tỷ lệ đạt một số tiêu chí cơ bản thấp hơn so với chỉ tiêu; đội ngũ cán bộ được đào tạo thường xuyên nhưng chủ yếu là kiêm nhiệm, thay đổi liên tục nên khó khăn trong công tác vận hành XDNTM. Ngoài ra, cơ chế chính sách chưa sát hợp, vốn đầu tư dàn trải… ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ hoàn thành các tiêu chí".

Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, nhìn nhận: "Vấn đề đáng lo ngại nhất trong XDNTM của Đồng Tháp hiện nay là vai trò chủ thể của nhân dân chưa được phát huy đúng mức; tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước ngày một tăng. Điều này không chỉ thể hiện ở việc lớn như xây dựng hạ tầng thiết yếu mà cả trong việc chỉnh trang cảnh quan môi trường; trồng hoa, cột cờ… Bà con nghĩ rằng, mình không làm thì cũng có chính quyền, các đoàn thể ra sức…". Nhiều ý kiến cho rằng, xử lý nợ đọng cũng là vấn đề làm nhiều địa phương XDNTM bối rối. Theo ông Lê Muộn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, nợ đọng về XDNTM của tỉnh tập trung chủ yếu vào các công trình, dự án xây dựng giao thông, thủy lợi trường học, chợ… "So với tổng nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng thời gian qua thì nợ xây dựng cơ bản chiếm khoảng 4,4% và so với vốn trực tiếp cho chương trình chiếm khoảng 6,7%. Con số này không lớn nhưng vẫn là mối quan tâm của tỉnh trong thời gian tới"-ông Lê Muộn nói.

Nâng chất XDNTM

Xuất phát từ thực tế nêu trên, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đề ra 5 nhóm giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, nâng cao chất lượng triển khai Chương trình ở giai đoạn 2016-2020. Cụ thể, về cơ chế, chính sách tạo động lực cho các xã đặc biệt khó khăn tự vươn lên, thu hẹp khoảng cách; làm rõ cơ chế về phân bổ, giám sát và theo dõi các nguồn vốn thực hiện Chương trình mà trước hết là nguồn vốn Ngân sách Nhà nước; phương thức hỗ trợ để thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, phát triển ngành nghề nông thôn gắn với du lịch sinh thái; cơ chế, chính sách và mô hình về cải thiện chất lượng môi trường nông thôn…

Từng bước khắc phục vấn đề về huy động và phân bổ nguồn vốn cho XDNTM, ông Lê Muộn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, đề xuất: "Nhà nước cần sớm có hướng dẫn về cơ chế quản lý, lồng ghép vốn để phù hợp với Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công… Đồng thời, ban hành quy định chỉ tiêu, tiêu chí cụ thể và cơ chế hỗ trợ vốn từ ngân sách Trung ương đối với các xã đã đạt chuẩn để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí". Để có sự thống nhất chung trong thực hiện chương trình giai đoạn 2016-2020, ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho rằng, Ban Chỉ đạo XDNTM Trung ương cần sớm ban hành Quyết định sửa đổi Bộ Tiêu chí quốc gia về Nông thôn mới cấp huyện, cấp xã. Ngoài ra, các văn bản hướng dẫn thực hiện, tổ chức đánh giá, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới cấp huyện, xã; quy định khung về cơ chế đặc thù trong XDNTM… cũng cần được xem xét thấu đáo.

Tại Hội nghị, nhiều tỉnh, thành cũng chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay để nâng chất chương trình XDNTM: giải pháp hiệu quả trong xây dựng hạ tầng nông thôn mới để tránh tình trạng nợ đọng; quy trình đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới đảm bảo thực chất nhằm khắc phục tình trạng chạy theo thành tích… Ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cố vấn Ban chỉ đạo XDNTM Trung ương, nhấn mạnh: "Bước sang giai đoạn mới, diện mạo nông thôn mới không chỉ được thể hiện qua việc hoàn thành các tiêu chí đạt hay chưa đạt mà thể hiện trên sắc mặt của người dân. Đó là niềm vui, sự hãnh diện về một vùng nông thôn đáng sống; một xã hội mới với sức sống mới, tư duy mới... Muốn vậy, vấn đề thực thi dân chủ phải được phát huy. Nghĩa là, khi triển khai công trình nào đó cần tìm hiểu xem dân muốn gì, cần gì; làm công trình nào trước, công trình nào sau. Dân trực tiếp tham gia giám sát tiến độ thực hiện và bày tỏ sự hài lòng, chưa hài lòng về công trình đó…".

Bài, ảnh: MỸ THANH

Dự kiến năm 2016, cả nước huy động khoảng 263.127 tỉ đồng từ các nguồn lực để thực hiện Chương trình XDNTM (Ngân sách Trung ương bố trí khoảng 7.374 tỉ đồng). Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn; bình quân cả nước đạt 15 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí; thu nhập của cư dân nông thôn tăng 1,8 lần so với năm 2015…

Chia sẻ bài viết