14/02/2014 - 13:18

Lãnh đạo Mỹ “xoay trục” châu Á

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye (phải) tiếp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 13-2. Ảnh: AP

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua (13-2) đã đến Hàn Quốc, bắt đầu chuyến công cán châu Á với mục đích chủ yếu là xoa dịu căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền biển giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, đồng thời tìm giải pháp để nối lại đàm phán hạt nhân với Triều Tiên. Tổng thống Barack Obama cũng sẽ thăm châu Á vào tháng 4.

Trong chuyến thăm châu Á lần thứ năm với vai trò lãnh đạo ngoại giao hàng đầu của Mỹ, ông Kerry đi tới 4 nước gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Indonesia và Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE).

Tìm cách xoa dịu căng thẳng

Tại Seoul, Ngoại trưởng Kerry bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến những căng thẳng gần đây giữa Hàn Quốc và Nhật Bản, hai đồng minh an ninh quan trọng của Mỹ tại châu Á, liên quan đến vấn đề tranh chấp hải đảo và việc Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đến thăm đền thờ các binh sĩ Nhật tử trận trong Thế chiến Thứ II. Tuy Tokyo cho biết sẵn sàng đối thoại cấp cao để xoa dịu căng thẳng với Seoul, nhưng vẫn chưa có tín hiệu khả quan cho thấy điều này sẽ diễn ra.

Chuyến thăm Seoul của ông Kerry còn nhằm tìm cách giảm đối đầu giữa hai miền Triều Tiên trong bối cảnh Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đang đàm phán cấp chính phủ lần đầu tiên trong vòng 7 năm qua. Dù cuộc đàm phán trong ngày 12-2 không đạt được kết quả gì khi Triều Tiên tiếp tục chỉ trích các cuộc tập trận Mỹ - Hàn sắp tới, nhưng phái đoàn hai nước cam kết sẽ trở lại bàn đàm phán lần hai vào hôm nay 14-2. Nội dung quan trọng nhất của cuộc đàm phán là vấn đề triển khai kế hoạch tái đoàn tụ cho các gia đình bị chia cắt trong Chiến tranh Triều Tiên. Ngoài ra, sứ mạng của ông Kerry là thúc đẩy hợp tác giữa Washington, Bắc Kinh, Seoul và Tokyo trong việc đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán hạt nhân.

Vấn đề về Triều Tiên cũng sẽ được ông Kerry thảo luận với các quan chức cấp cao Trung Quốc khi thăm Bắc Kinh vào hôm nay, nhằm tranh thủ ảnh hưởng của nước này đối với Bình Nhưỡng. Đồng thời, Ngoại trưởng Mỹ cũng sẽ thuyết phục giới chức Trung Quốc chấm dứt các động thái ngày càng "quá khích" ở các vùng biển phía Đông và Nam nước này. Việc Bắc Kinh tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại biển Hoa Đông đã vấp phải chỉ trích nặng nề từ Mỹ và các đồng minh. Giới ngoại giao Mỹ cho rằng sự ổn định tại biển Đông cũng bao gồm lợi ích của Mỹ trong tự do hàng hải và an toàn về biển. Trong khi Mỹ thúc giục Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tiến hành thỏa thuận về Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông nhiều năm nay, thì Bắc Kinh lại tìm cách đàm phán song phương với từng nước và bác bỏ các cáo buộc của Mỹ cho rằng Trung Quốc dùng các tuyên bố không rõ ràng về cái gọi là "đường lưỡi bò" để từng bước áp đặt kiểm soát gần như toàn bộ vùng biển đang tranh chấp.

Tổng thống Obama quyết không lỡ hẹn lần nữa

Nhằm tiếp tục khẳng định sự nhất quán trong chính sách "xoay trục" sang châu Á – Thái Bình Dương và củng cố lòng tin với các đồng minh trong bối cảnh có nhiều căng thẳng leo thang trong khu vực liên quan đến các bất đồng về chủ quyền lãnh hải, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ thực hiện chuyến công du châu Á vào cuối tháng 4 tới qua 4 nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Philippines.

Nguồn tin từ Nhà Trắng hôm 12-2 cho biết, ông Obama sẽ gặp và làm việc với lãnh đạo các nước để bàn về các vấn đề hợp tác ngoại giao, kinh tế và an ninh, trong đó có Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Chuyến đi này của ông Obama sẽ củng cố cam kết của ông chủ Nhà Trắng về việc "ưu tiên" quan hệ với châu Á, tín hiệu cho thấy Washington sẽ chuyển hướng quan tâm từ châu Âu và Trung Đông sang khu vực đang gia tăng ảnh hưởng trên thế giới. Sự hợp tác bền chặt về kinh tế và quân sự với các nước châu Á cũng sẽ giúp Mỹ duy trì ảnh hưởng tại khu vực năng động và đầy tiềm năng này khi Trung Quốc bộc lộ tham vọng bành trướng và thống trị khu vực.

Kế hoạch thăm Malaysia và Philippines của ông Obama đáng lẽ đã thực hiện từ tháng 10 năm ngoái nhưng bị hoãn lại vì Chính phủ Mỹ phải đóng cửa do ngân sách không được quốc hội thông qua. Việc này khi đó cũng làm ông vỡ kế hoạch tham dự các hội nghị thượng đỉnh khu vực tại Indonesia và Brunei, dấy lên nhiều lời bình luận cho rằng Nhà Trắng chưa thật sự sẵn sàng cho chiến lược tái cân bằng tại châu Á.

THUẬN HẢI (Tổng hợp)

 

Chia sẻ bài viết