Bài, ảnh: Trần Kiều Quang
Lăng Ông Nam Hải (tọa lạc tại khóm 2, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) đã được UBND tỉnh Cà Mau công nhận là di tích vào ngày 25-7-2018. Lăng thờ cá voi, dân gian gọi là Ông, gắn liền với đời sống văn hóa tâm linh của cư dân nơi đây.
Cá voi được người dân Nam Bộ nói chung, vùng Sông Đốc, Cà Mau nói riêng xem là phúc thần của biển cả. Ông hay cứu giúp những ngư dân trên biển mỗi khi họ gặp nguy hiểm của cuồng phong, bão tố, tai nạn chìm thuyền… Vì vậy, người dân vùng biển gọi cá voi một cách tôn kính là Ông và khi Ông lụy (chết) người ta sẽ đem cốt Ông vào lăng mà an táng. Truyện kể về sự tích lăng Ông ở vùng Sông Đốc - Cà Mau như sau:
“Ngày xưa, có hai vợ chồng nọ chuyên sống bằng nghề đi biển. Một hôm, người vợ tới ngày sinh nở nên không thể cùng chồng đi biển. Người chồng một mình đi đánh bắt, không may trên đường về lại gặp cơn bão lớn làm đắm thuyền mà chết. Người chồng chết biến thành cá voi. Người vợ ở nhà mòn mỏi đợi chồng. Sau khi sinh nở cứng cáp, người vợ ẵm con đi thuyền ra biển tìm chồng, không may thuyền lại gặp cơn bão lớn. Lúc thuyền sắp chìm, người vợ chắp tay thành tâm khấn vái: Xin Trời Phật linh thiêng chứng cho tấm lòng chung thủy của con. Con vì tìm chồng mà lặn lội ra biển lớn, sống hay chết xin hãy cho con được đoàn tụ với chồng con. Khấn xong, người vợ liền thấy xuất hiện một con cá voi lớn nâng chiếc thuyền sắp chìm đưa vào bờ an toàn. Trước khi bơi ra biển, người chồng nhắn nhủ với vợ đôi điều: Ta gặp bão lớn đã chết ngoài biển khơi. Nhờ Trời Phật thương tình vì khi ta sống hiền lành nên khi chết cho ta làm cá voi để cá khác không nuốt được ta, và lệnh cho ta phải luôn ở ngoài biển để cứu người gặp nạn. Ngoài khơi sóng gió hiểm nguy, nàng hãy ở nhà làm ruộng rẫy nuôi con khôn lớn, đừng ra biển tìm ta nữa. Nhớ lời căn dặn của người chồng người vợ không đi biển nữa. Sau này cá voi già chết dạt vào bờ, người con nhặt xương cốt cá voi lập bàn thờ cúng để tưởng nhớ cha mình. Dân làng nhớ ơn cá voi lúc còn sống đã cứu giúp họ khi gặp sóng to gió lớn nên khi đến ngày giỗ xa gần họ tụ tập đông đủ đem nhiều lễ vật đến cúng rất linh đình”(1).
Lăng Ông Nam Hải là một công trình kiến trúc có kết cấu theo kiểu đình, miếu truyền thống ở Nam Bộ. Cổng lăng là dạng cổng tam quan, bao gồm một cổng chính lớn ở giữa và hai cổng phụ ở hai bên, được xây bằng bê tống cốt thép. Mái nóc cổng chính lợp ngói hình vảy cá, ở hai đầu đao có trang trí hoa văn, giữa mái là cột cờ, đặc biệt trên mái nóc còn có tượng hai cá Ông đang hướng mặt vào nhau. Dưới mái nóc này có dòng chữ Lăng Ông Nam Hải. Ở hai hàng cột của cổng chính có cặp câu đối:
“Nam Việt thái bình nhân dân phú
Hải Bắc thuận phong long ngư hội”
Mái nóc của hai cổng phụ cũng lợp ngói hình vảy cá. Trên đó có tượng đôi rồng chầu mặt về cổng chính, trông rất uy nghi. Hai bên cổng phụ cũng có cặp câu đối:
“Thánh đức phò trì dân lập nghiệp
Thần dân bảo hộ hải vô biên”.
Sau cổng là một khoảng sân rộng, bên phải nhìn từ ngoài vào là miếu Thành Hoàng, bên trái là miếu của Thủy Long thần nữ. Sau khoảng sân này là ngôi chính điện (ảnh) thờ Nam Hải đại tướng quân. Khu vực này “có diện tích 174,3m2 được xây dựng bằng bê tông cốt thép, mái lợp ngói vảy cá, tường xây gạch ống, nền lót gạch cremic 400x400, cao 11,7m, chánh điện được xây dựng theo lối tháp gồm 3 tầng mái, trên chóp lăng có hình tượng hồ lô; tầng mái thứ 2 có dòng chữ Lăng Ông Nam Hải phía dưới chữ có tượng lưỡng long chầu nguyệt; tầng mái thứ 3 có dòng chữ Hán dịch nghĩa là Lăng Ông Nam Hải, hai bên có tượng rồng quay theo hướng đầu mái, phía dưới chữ có tượng hai cá Ông được bài trí đối xứng giữa lư hương.
Tiền sảnh lăng có hai hàng cột song song, mỗi hàng có 4 cột bằng xi măng cao 2,9m. Trên hai cột hai bên của hàng cột thứ nhất khắc cặp câu đối:
“Nam Việt thái bình nhân dân phú
Hải triều thuận phong long ngư hội”.
Hai cột giữa có tượng rồng quấn dọc theo cột từ dưới lên trên. Trên hai cột giữa hàng cột thứ hai khắc cặp câu đối bằng chữ Việt:
“Nam Hải tôn thần độ ngư dân
Vạn dân tưởng nhớ lòng thành kính”.
Tiền sảnh có bàn thờ Nam Hải Đại Tướng Quân, dưới dòng chữ có tượng cá Ông cùng sóng nước”(2).
Bên trong chính điện được bố trí nhiều bàn thờ khác nhau. Gian trong cùng là bàn thờ Nam Hải đại tướng quân được đặt trang trọng ở giữa. “Án thờ được sơn son. Hai bên tranh thờ có cặp cá đao dài 1.5m, hai bên áng thờ có bài trí 25 xương cá Ông, các xương có chiều dài khác nhau, trung bình dài khoảng 2m. Trên bàn thờ Nam Hải Đại Tướng Quân có bài trí lư trầm bằng đồng, chân đèn bằng đồng, lư hương, các quách đựng cốt cá Ông do nhân dân cúng, các lọ bằng sành đựng nước sau khi xin được keo trong lễ hội Nghinh Ông hằng năm. Bàn thờ Nam Hải Đại Tướng Quân được xây dựng rỗng bên trong để chứa các xương cá Ông còn lại”(3).
Phía trong áng thờ có bài vị ghi bằng chữ Hán: Nam Hải đại tướng quân, có trướng phủ, rèm che rất trang nghiêm. Hai hàng cột ở gian này được sơn màu xanh thẫm điểm xuyết những đường chỉ đỏ trông rất sinh động, trên mỗi thân cột đều có đắp nổi hình rồng uốn lượn quanh thân cột làm cho gian thờ tăng thêm sự uy nghiêm. Phía trên là bức trướng với dòng chữ Hán: Đại Càn Nam Hải tôn đẳng thần. Phía trước là cặp hạc đứng trên lưng rùa được đặt ở hai bên. Hai bên khu vực giữa phía trước bàn thờ có trưng bày hai xác ướp Cá Ông dài khoảng 1,5m, để trong tủ kiếng, 4 bộ bát bửu vũ khí ở hai bên.
Bên trái bàn thờ Nam Hải đại tướng quân (nhìn từ trong ra) là bàn thờ Tả ban, bên phải là bàn thờ Hữu ban. Bài vị của Tả ban và Hữu ban được để trong khánh thờ, được trang trí đẹp mắt. Hai bên vách của gian chính điện là bàn thờ của Tiền hiền và Hậu hiền. Ngoài ra, trên vách còn có phù điêu hình chim phượng hoàng bay lượn trên không trung, phía dưới là sóng biển màu xanh biếc.
Đối diện gian bàn thờ Nam Hải đại tướng quân, sát vách ngoài tiền sảnh của ngôi chính điện là bàn thờ của Chánh sái (Chánh soái). Trên án thờ có bài vị ghi bốn chữ Hán: Chánh sái linh vị. Phía trước là hàng binh khí gồm thương, đao, kích... được làm với tỷ lệ nhỏ để đặt gọn trên án thờ. Hai bên còn có hai cái lọng che và cặp hải cẩu chầu hai bên.
Hằng năm, vào các ngày 14, 15 và 16 tháng 2 âm lịch, người dân vùng Sông Đốc tổ chức lễ hội Nghinh Ông rất trọng thể, thu hút hàng ngàn người trong và ngoài tỉnh đến tham dự. Đây không chỉ là dịp để người dân nghỉ ngơi, hưởng thụ văn hóa mà còn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của người dân nơi đây để tạ ơn biển cả cho họ có được cuộc sống ấm no đủ đầy trong năm qua, đồng thời cũng thể hiện ước nguyện bao đời của cư dân vùng biển Sông Đốc mong muốn mỗi chuyến hải trình luôn luôn được sóng yên biển lặng, tôm cá đầy khoang.
--------------
(1) Nguyễn Bé Lê (2013), “Lễ hội nghinh ông ở thị trấn Sông Đốc Cà Mau”, trong cuốn “Lễ hội dân gian đồng bằng sông Cửu Long”, NXB Phương Đông, tr.111.
(2) https://sites.google.com/site/banquanlyditichtinhcamau/home/ly-li ch-cac-di-tich, ngày cập nhật 1-6-2020.
(3) https://sites.google.com/site/banquanlyditichtinhcamau/home/ly-lich-cac-di-tich, ngày cập nhật 1-6-2020.