24/12/2008 - 21:02

Làng bè cá điêu hồng Tiền Giang điêu đứng

Mô hình nuôi cá bè ở Tân Long.

“Giá thức ăn cho cá tuy đã giảm, nhưng giá bán cá lại thấp đến mức không bù nổi chi phí thì làm sao chúng tôi có thể tiếp tục bám làng bè?”- Anh Huỳnh Văn Cường, chủ bè nuôi cá điêu hồng ở phường Tân Long (TP Mỹ Tho) lo lắng. Đây cũng là nỗi lo chung của nhiều người đầu tư đóng bè nuôi cá điêu hồng ở Tiền Giang.

GIÁ BÁN THẤP HƠN GIÁ THÀNH

Anh Huỳnh Văn Cường cho biết, anh vừa xuất một bè cá cách nay 10 ngày, thu được 4 tấn cá điêu hồng, bán với giá 20.000 đồng/kg, lỗ mấy chục triệu đồng. Bây giờ giá cá tăng thêm 1.000 đồng/kg nhưng vẫn còn thấp hơn giá thành từ 3.000-5.000 đồng/kg. Trước đây, giá cá có lúc lên lúc xuống nhưng người nuôi vẫn còn lời. Hơn một năm nay, đặc biệt là mấy tháng qua, hầu hết người nuôi cá bè bị lỗ nặng. Anh Cường than: “Bè cá của tôi vừa thu hoạch tương đối đạt đầu con mà còn lỗ tới mức đó, bè cá nào bị hao hụt nhiều thì còn lỗ đậm hơn”.

Cách bè cá của anh Cường không xa là 2 bè cá điêu hồng sắp tới thời điểm thu hoạch của ông Triệu. Ông buồn rầu nói: “Những năm đầu mới phát triển, nuôi cá điêu hồng trong bè có mức lời rất cao, vì cá nuôi nhanh lớn, chất lượng cá tốt và giá bán cao, trong khi chi phí thấp. Một bè cá lời từ vài chục triệu đồng là chuyện bình thường. 2 năm nay, tình hình nuôi cá điêu hồng trong bè bắt đầu gặp khó khăn do giá thức ăn cao, nhưng giá cá điêu hồng không tăng, thậm chí có xu hướng giảm. Cá chưa thu hoạch nhưng hổm rày nghe ai nuôi cá đều lỗ từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng, nên tôi ăn ngủ hổng yên. Với hai bè cá của mình, tôi nhẩm tính lỗ ít nhất 50 triệu đồng”.

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh Tiền Giang có gần 1.400 bè cá, hầu hết ở khu vực quanh cồn Tân Long (TP. Mỹ Tho) và cù lao Thới Sơn (huyện Châu Thành). Trước những nghịch lý về giá bán thấp hơn giá thành, bè cá đang trở thành gánh nặng cho người nuôi. Ông Nguyễn Văn Mạnh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Châu Thành, cho biết: Huyện có 965 bè cá, tập trung ở cù lao Thới Sơn. Làng bè này đã hình thành và phát triển trên 10 năm nay. Những năm đầu, người nuôi cá bè có lợi nhuận rất cao. Song, thời gian gần đây, người nuôi cá bè rất khó khăn do chi phí đầu vào cao hơn giá bán cá. Cụ thể: giá thành nuôi cá đã lên đến 24.000-25.000 đồng/kg nhưng giá bán chỉ ở mức 22.000 đồng/kg, nông dân đang phải chịu lỗ 2.000-3.000đồng/kg.

Ngoài ra, người nuôi cá còn gặp khó khăn trong những năm gần đây do nguồn nước sông Tiền ngày càng bị ô nhiễm, tỷ lệ hao hụt con giống cao, bệnh trên cá cũng nhiều hơn. Chất lượng con giống không bảo đảm cũng góp phần tăng mức độ rủi ro cho người nuôi cá.

LÀNG BÈ “TRÔI” VỀ ĐÂU?

Đã có lúc nghề nuôi cá bè được xem là nghề “hái ra tiền”, nhiều người đổ xô về khúc sông ở khu vực cồn Tân Long, Thới Sơn lập bè nuôi cá. Có người ở tại địa phương, có người từ nơi khác đến. Chẳng mấy chốc, khúc sông dài này chật kín bè cá. Thực tế, không ít người đã làm giàu từ bè cá, nhưng giờ đây, cũng chính những bè cá này khiến người nuôi cá lao đao. Hiệu quả kinh tế thấp kéo dài, đặc biệt là khả năng chắc chắn thua lỗ trong những tháng cuối năm buộc người nuôi cá bè phải tính toán lại cách làm ăn của mình. Có người chuyển đổi sang nuôi loại thủy sản khác hiệu quả hơn, có người chuyển nghề và cũng có người cố bám trụ bè cá với hy vọng “gió sẽ đổi chiều”.

Ông Triệu cho biết: “Hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi cá bè đã giảm từ 3 năm nay. Vì thế, số hộ bỏ nghề ngày càng nhiều. Trước đây, tôi làm nghề đánh bắt hải sản. Do đánh bắt không hiệu quả nên tôi bán tàu chuyển sang nuôi cá bè. Bây giờ, sau những vụ nuôi cá thất bát, chắc tôi phải bán bè để trở lại nghề biển. Dự định là thế, nhưng tôi đang gặp khó về vốn?”. Nhiều chủ bè cá cũng đang tìm đường làm ăn khác như ông Triệu. Con trai của ông sau đợt thua lỗ vừa qua cũng tính chuyện bán bè cá và đi TP Hồ Chí Minh tìm việc làm khác để kiếm sống.

Tuy nhiên, phần lớn những người nuôi cá bè ở Tiền Giang vẫn cố gắng duy trì nghề nuôi cá bè với hy vọng tình hình sẽ chuyển biến tốt hơn. Trước mắt, họ tìm cách giảm chi phí thức ăn (chiếm 80-90% chi phí sản xuất). Anh Hiển, một “đại gia” trong làng cá bè với 30 bè cá ở Thới Sơn, cho biết: Để giảm chi phí sản xuất, người nuôi đang chuyển từ nuôi bằng thức ăn công nghiệp sang thức ăn truyền thống. Theo tính toán của anh, 1 kg thức ăn công nghiệp giá khoảng 9.000 đồng, trong khi đó, nếu tự chế biến thức ăn từ các nguyên liệu bột cá, bắp, đậu nành... sẽ giảm được 3.000 đồng chi phí. Như vậy, tính trung bình 2 kg thức ăn cho ra một kg cá, cộng với chi phí con giống khoảng 2.000-3.000 đồng/con thì người nuôi có thể còn có lời với giá bán cá khoảng 20.000-22.000 đồng/kg.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn còn nhiều người nuôi cá cố bám trụ với làng bè, họ hy vọng về một ngày làng bè nuôi cá ở Tiền Giang phát triển sôi động trở lại.

Bài, ảnh: GIA HÂN

Chia sẻ bài viết