31/03/2009 - 08:47

Làm thế nào để nâng cao vai trò của Hội đồng nhân dân trong quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương?

“Làm thế nào để nâng cao vai trò của Thường trực, các Ban và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND)” là chủ đề được Thường trực, lãnh đạo các Ban của HĐND các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thảo luận tại cuộc họp giao ban của Thường trực HĐND các tỉnh thành trong khu vực diễn ra mới đây tại tỉnh Trà Vinh. Báo Cần Thơ giới thiệu một số ý kiến của đại biểu xoay quanh vấn đề này.

* Ông Sơn Minh Thắng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trà Vinh: NÂNG CAO NĂNG LỰC ĐẠI BIỂU HĐND

 

Trải qua hơn nửa nhiệm kỳ hoạt động của HĐND các tỉnh, thành trong khu vực, các nghị quyết của HĐND được xây dựng và đưa ra thực hiện trong thực tiễn cuộc sống đã góp phần quan trọng trong công tác xây dựng hệ thống chính quyền vững mạnh. Tuy nhiên, việc thực hiện chức năng quyết định của HĐND đôi lúc còn những hạn chế nhất định. Một trong những hạn chế trong hoạt động của HĐND là kiến thức chuyên môn của từng thành viên các Ban của HĐND chưa đồng đều, thành viên kiêm nhiệm nhiều, quỹ thời gian dành cho hoạt động HĐND còn ít, nên khi tổ chức lấy ý kiến các báo cáo thẩm tra thường “nhất trí với dự thảo”, ít có ý kiến đóng góp nên tính phản biện chưa cao. Một số đại biểu ngại va chạm, nể nang né tránh, hoặc không có chính kiến nên ảnh hưởng chung đến chất lượng hoạt động của HĐND nói chung, vai trò quyết định của HĐND nói riêng.

Muốn khắc phục, thực hiện tốt vai trò quyết định của HĐND, phải đảm bảo số lượng theo cơ cấu tổ chức, đồng thời nâng cao chất lượng đại biểu HĐND, phát huy tính tích cực của đại biểu bằng những ý kiến đóng góp thiết thực, làm cho các nghị quyết của HĐND có chất lượng, hiệu quả và đi vào cuộc sống một cách khả thi. Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn của UBND phải cung cấp kịp thời, chính xác theo quy định những thông tin có liên quan đến các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết... để đại biểu có đầy đủ thông tin, nghiên cứu và góp ý để nâng cao chất lượng các nghị quyết của HĐND.

* Ông Lê Hồng My, Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau: CẦN SỚM ĐIỀU CHỈNH NHỮNG BẤT HỢP LÝ TRONG CÁC CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÁN BỘ CƠ SỞ

 

Hệ thống chính trị cơ sở, trong đó chính quyền cấp xã là một trong bốn cấp chính quyền có vai trò, chức năng, nhiệm vụ rất quan trọng trong việc tiếp thu, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thực hiện nhiệm vụ của mình trong việc quyết định các chế độ, chính sách đối với cán bộ ở cơ sở, HĐND tỉnh Cà Mau đã xem xét, ban hành nhiều nghị quyết đối với cán bộ không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn, khóm, ấp; về mức hỗ trợ kinh phí đào tạo và thu hút nguồn nhân lực của tỉnh... Để có cơ sở ban hành các chế độ chính sách, HĐND tỉnh đã thực hiện tốt công tác giám sát, qua đó đánh giá mặt tích cực, hạn chế trong việc thực hiện các chế độ chính sách hiện hành và kịp thời có kiến nghị, giải pháp khắc phục.

Nghịch lý hiện nay là lương, phụ cấp của cán bộ cơ sở còn quá thấp, cán bộ không chuyên trách cơ sở lại không được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Số lượng cũng không đủ theo cơ cấu, chất lượng đội ngũ còn nhiều hạn chế, năng lực một bộ phận chưa đáp ứng nhu cầu... Vì vậy, theo tôi, cần sớm điều chỉnh những bất hợp lý trong chế độ, chính sách cho cán bộ cơ sở. Chế độ chính sách cho cán bộ xã phường, thị trấn cần phải phù hợp với trình độ đào tạo, chuyên môn, nghiệp vụ, vị trí công tác được giao và các chế độ theo quy định đối với công chức.

* Ông Nguyễn Quốc Nhân, Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Bến Tre: NÂNG CAO VAI TRÒ CỦA HĐND TRONG VIỆC QUYẾT ĐỊNH MỘT SỐ LĨNH VỰC TƯ PHÁP

 

Hoạt động của các cơ quan tư pháp thể hiện tính quyền lực của nhà nước pháp quyền có tác động trực tiếp đến xã hội, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Nhìn chung, hoạt động của các cơ quan tư pháp của Bến Tre hoạt động khá tốt. Nhưng, công tác tư pháp vẫn còn bộc lộ những hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu cải cách tư pháp. Để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động tư pháp, HĐND tỉnh đã thảo luận và ban hành nghị quyết về một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tư pháp và cải cách tư pháp. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp, như: nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp (công tác điều tra, công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, công tác xét xử...); thực hiện tăng thẩm quyền xét xử án hình sự, dân sự cho tòa án cấp huyện; kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của cơ quan tư pháp; xây dựng cơ sở vật chất cho cơ quan tư pháp; hoạt động giám sát của HĐND đối với công tác tư pháp... Việc HĐND tỉnh ban hành nghị quyết chuyên đề nêu trên, nhằm làm cơ sở cho hoạt động giám sát của HĐND, đổi mới hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn về hoạt động tư pháp tại các kỳ họp hiệu quả hơn; đồng thời, để ngân sách tỉnh hỗ trợ cho việc tổ chức xét xử lưu động và thẩm phán làm việc ngày thứ 7 để nghiên cứu, đẩy nhanh việc giải quyết án tồn. Sau khi nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành và qua thời gian thực hiện, Thường trực HĐND và Ban Pháp chế đã tổ chức giám sát ở các huyện, thị và các ngành liên quan. Kết quả giám sát cho thấy Nghị quyết của HĐND được các ngành triển khai thực hiện có hiệu quả, hoạt động tư pháp, công tác cải cách tư pháp có nhiều tiến bộ.

* Ông Trần Thanh Phong, Trưởng Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh An Giang: HĐND QUYẾT ĐỊNH CHỦ TRƯƠNG, BIỆN PHÁP NÂNG CAO DÂN TRÍ, ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC, BỒI DƯỠNG NHÂN TÀI

 

Chất lượng nguồn nhân lực thấp, thể hiện rõ ở mặt bằng dân trí và tỷ lệ lao động qua đào tạo, sẽ ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển kinh tế- xã hội theo hướng công nghiệp hóa- hiện đại hóa của ĐBSCL nói chung và của An Giang nói riêng. Theo chúng tôi, muốn nâng cao dân trí thì phải tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng các cơ sở giáo dục, tạo điều kiện cho học sinh đến trường. Xuất phát từ nhận thức này, HĐND tỉnh An Giang đã ban hành các chủ trương, chính sách có liên quan để nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài. Đó là các nghị quyết về thực hiện đề án phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở; đề án thực hiện mục tiêu chất lượng tối thiểu trường tiểu học; đề án quy hoạch phát triển xã hội hóa các hoạt động giáo dục- đào tạo, y tế, văn hóa- thông tin, thể dục thể thao, khoa học- công nghệ và môi trường; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đến năm 2020; chế độ trợ cấp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và chính sách thu hút, khuyến khích người có trình độ cao công tác tại tỉnh...

Trên cơ sở các nghị quyết, Thường trực HĐND và Ban Văn hóa - Xã hội thường xuyên tổ chức giám sát chuyên đề. Qua đó, Thường trực và Ban Văn hóa- Xã hội đã kịp thời kiến nghị các địa phương điều chỉnh kịp thời công tác quản lý, điều hành; đồng thời kiến nghị tỉnh ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về phát triển quy mô và chất lượng giáo dục- đào tạo, đáp ứng mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Mặc dù đã đạt được những kết quả bước đầu, tuy nhiên theo chúng tôi, Chính phủ cần quan tâm xem xét cải cách mạnh mẽ hơn nữa chế độ tiền lương cho phù hợp với thực tế của xã hội; phải có đề án, lộ trình cụ thể trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có trình độ cao để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

* Ông Phạm Văn Hiểu, Phó Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ: VIỆC THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG Ở CÁC KHU CÔNG NGHIỆP CÒN NHIỀU BẤT CẬP

 

Vấn đề xử lý, giải quyết hậu quả ô nhiễm môi trường trong quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa được các tỉnh, thành cả nước, trong đó có TP Cần Thơ, rất quan tâm. Tuy nhiên, thời gian qua, do chú trọng thu hút đầu tư, phát triển nhanh kinh tế, nên từng lúc từng nơi chưa quan tâm đúng mức đối với công tác bảo vệ môi trường. Ở TP Cần Thơ, 5 khu công nghiệp đều không có hệ thống xử lý nước thải chung đạt tiêu chuẩn môi trường, thải trực tiếp ra sông rạch, gây ô nhiễm môi trường, có nơi trầm trọng.

Thực hiện chức năng giám sát của HĐND thành phố về chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, Thường trực và Ban Kinh tế và Ngân sách (KT&NS) HĐND, các đại biểu HĐND đã thực hiện giám sát đối với UBND thành phố, các sở, ngành có liên quan trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là ở các khu công nghiệp. Qua đó, sự quan tâm chỉ đạo của ấp ủy đảng, ngành tài nguyên và môi trường ngày càng được chú trọng, công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường được triển khai sâu rộng ở các cấp, đơn vị. Thường trực và Ban KT&NS còn được mời tham gia Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đây là điều kiện thuận lợi để đại diện cơ quan dân cử tham gia, góp ý, đánh giá báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường của doanh nghiệp trên địa bàn ngay từ đầu.

Qua giám sát, Thường trực và Ban KT&NS đã kịp thời kiến nghị UBND thành phố các vấn đề có liên quan đến môi trường, nhất là ở các khu công nghiệp. UBND thành phố và ngành tài nguyên và môi trường cũng đã có những động thái tích cực trong công tác xử lý, khắc phục vấn đề ô nhiễm môi trường, xây dựng các dự án xử lý nước thải ở các khu công nghiệp... Tuy nhiên, để công tác bảo vệ môi trường ở các khu công nghiệp được thuận lợi hơn, chúng tôi đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ khẩn trương ban hành văn bản phân định rõ trách nhiệm quản lý môi trường trong và ngoài khu công nghiệp giữa Ban quản lý các khu công nghiệp và Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành, địa phương có liên quan, nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, xử lý chất thải công nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất. UBND thành phố cần áp dụng các biện pháp kinh tế, theo nguyên tắc “người gây thiệt hại đối với môi trường phải khắc phục, bồi thường”. Đồng thời, thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về thu phí bảo vệ môi trường đối với chất thải, ký quỹ phục hồi môi trường; buộc bồi thường thiệt hại đối với những hành vi làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái...

* Ông Lê Văn Thao, Phó Trưởng Ban KT&NS HĐND tỉnh Hậu Giang: CÒN LÚNG TÚNG TRONG GIÁM SÁT, THẨM TRA QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN NGÂN SÁCH VÀ QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH

 

Một trong những vai trò quan trọng của HĐND cấp tỉnh là cơ quan quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu - chi, phân bổ nguồn thu - chi, nhiệm vụ chi cho từng cấp ngân sách và giám sát việc thực hiện ngân sách đã được quyết định. Quá trình giám sát, thẩm tra về thực hiện ngân sách và quyết toán ngân sách của Thường trực, Ban KT&NS đã giúp cho UBND tỉnh điều chỉnh, khắc phục nhiều chủ trương, chính sách không còn phù hợp, như đảm bảo mức chi tối thiểu cho sự nghiệp y tế, giáo dục và đào tạo; chi hoạt động đặc thù của các đơn vị, cơ quan... Tuy nhiên, quá trình thực hiện quyết định và giám sát của mình, chúng tôi nhận thấy có những mặt yếu kém cần phải khắc phục. Đó là các thành viên tham gia đoàn giám sát, thẩm tra các văn bản về ngân sách và quyết toán ngân sách hầu hết chưa qua đào tạo chuyên môn về quản lý KT&NS, thiếu kinh nghiệm trong thực tiễn giám sát, thẩm tra dẫn đến lúng túng trong đánh giá khẳng định cái được - chưa được, cũng như nguyên nhân đích thực của nó.

Ngành Thanh tra, kiểm toán có chuyên môn sâu, nhưng nhiều khi phải mất nhiều tháng mới có kết luận, còn đại biểu HĐND “thiếu chuyên môn”, không hiểu sâu về ngân sách mà thẩm tra, giám sát về ngân sách sẽ rất khó. Đã vậy, nhiều khi báo cáo, tờ trình của các cơ quan chuyên môn lại đến tay đại biểu HĐND chậm hơn so với quy định, nên dễ “cho qua” khi giám sát, thẩm tra. Theo tôi, Quốc hội cần tăng cường thêm đại biểu chuyên trách tại các Ban hoặc tách các Ban chuyên sâu theo lĩnh vực, như: Kinh tế, ngân sách, văn hóa, xã hội... để hoạt động giám sát, thẩm tra chất lượng hơn...

QUỐC TRƯỞNG (ghi)

Ông Trịnh Sao Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác Đại biểu Văn phòng Quốc hội:

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG BAN HÀNH NGHỊ QUYẾT

 

Qua thời gian theo dõi, chúng tôi nhận thấy HĐND các địa phương đều thực hiện tốt việc quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương, chủ yếu bằng cách ra nghị quyết tại các kỳ họp. Tuy nhiên, cũng có địa phương do ban hành quá nhiều văn bản, nghị quyết mà không quản lý, cụ thể hóa các nội dung, nên chất lượng thực hiện các nghị quyết chưa cao. Theo tôi, muốn nâng cao hiệu quả quyết định của mình, khi HĐND ban hành nghị quyết thì phải quan tâm, kiểm tra việc thực hiện của các ngành, các cấp, chứ không thể buông xuôi.
Để nâng cao hơn nữa vai trò quyết định của HĐND, Thường trực HĐND và các ban của HĐND phải xây dựng và ban hành chương trình xây dựng nghị quyết hằng năm. Bên cạnh đó, cũng cần có kế hoạch thường xuyên bồi dưỡng năng lực, kỹ năng của đại biểu HĐND. UBND cùng cấp và các ngành chức năng phải kịp thời cung cấp thông tin liên quan đến các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết... để việc nghiên cứu, thẩm định, ban hành các nghị quyết được chất lượng hơn. Sau khi HĐND đã ban hành nghị quyết, thì UBND và các ngành phải tổ chức triển khai thực hiện, không để trường hợp nghị quyết chỉ có trên giấy. Vai trò giám sát của HĐND rất quan trọng trong việc giám sát xem hiệu quả triển khai thực hiện nghị quyết như thế nào? Nghị quyết có đi vào cuộc sống không?...

Chia sẻ bài viết