10/10/2019 - 10:12

Làm rõ tiêu chí hàng hóa “Made in Vietnam” 

Việt Nam đã ký kết thực hiện nhiều Hiệp định thương mại tự do đa phương và song phương như: CPTPP, EVFTA... Cùng với những cơ hội rộng mở cho hàng Việt, nguy cơ gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ hàng hóa để lẩn tránh thuế ngày càng diễn biến phức tạp, không chỉ với hàng hóa xuất khẩu mà ngay cả hàng hóa tiêu thụ tại nội địa.

Việc sớm làm rõ tiêu chí xác định hàng hóa “Made in Vietnam” vừa giúp bảo vệ uy tín thương hiệu Việt và nâng lòng tin người tiêu dùng. Trong ảnh: Khách hàng mua sắm tại Trung tâm MM Mega Market Hưng Lợi.

Gần đây, xuất hiện tình trạng hàng nước ngoài giả mạo hàng Việt nhằm tận dụng ưu đãi thuế về xuất xứ. Điều này tiềm ẩn nguy cơ nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam trở thành đối tượng của hoạt động trừng phạt thương mại hoặc áp đặt các biện pháp phòng vệ thương mại. Đơn cử, mới đây Bộ Thương mại Mỹ công bố sẽ áp thuế 456% đối với nguyên liệu thép cán nguội và không gỉ từ Việt Nam vì nghi lẩn tránh thuế.

Tình trạng gian lận xuất xứ không chỉ xảy ra đối với hàng hóa xuất khẩu mà ngay hàng hóa tiêu thụ tại thị trường nội địa cũng bị gian lận xuất xứ. Theo đánh giá của Bộ Công thương, hiện nay người Việt đã chuộng hàng Việt hơn do hàng trôi nổi, hàng giả ngày càng nhiều. Chính vì thế, nhiều doanh nghiệp tận dụng xuất xứ “Made in Vietnam” để tiêu thụ nội địa. Mặt khác, quy định chế tài xử lý với hàng giả xuất xứ Việt Nam bằng cách gắn mác “Made in Vietnam” hiện chưa rõ ràng nên khó xử lý. Thị trường thời gian qua chứng kiến nhiều vụ việc “Made in Vietnam” đánh lừa người tiêu dùng, như: Khaisilk, rau củ Trung Quốc gắn mác Đà Lạt…

Thời gian qua, tại Việt Nam việc ghi xuất xứ trên nhãn hàng hóa được thực hiện theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa. Tuy nhiên, chính điều này đã dẫn đến thực tế có doanh nghiệp ghi nhãn mập mờ, nhằm đánh lừa người tiêu dùng. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” với mục tiêu nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các FTA thế hệ mới đã ký kết. Cùng với đó, Bộ Công thương đã triển khai dự thảo thông tư quy định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam nhằm đưa ra “định nghĩa” chung nhất thế nào là hàng Việt. Tin rằng với những động thái trên thị trường hàng hóa có xuất xứ Việt Nam sẽ được minh bạch hơn và từng bước đẩy lùi việc lợi dụng xuất xứ hàng Việt.

Bài, ảnh: Lạc Mẫn

Chia sẻ bài viết