* Phóng sự: MINH TÂN
Cùng với 21 tỉnh, thành Nam bộ, Cần Thơ đang gìn giữ loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) - đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tuy nhiên, đang có hiện tượng lợi dụng ĐCTT để trục lợi và hoạt động thực chất của các câu lạc bộ (CLB), đội, nhóm ĐCTT tại Cần Thơ đang có nhiều vấn đề cần được nhìn nhận thẳng thắn để có hướng khắc phục.
Câu chuyện bảo tồn và phát huy ĐCTT sau khi được vinh danh không phải mới nhưng vẫn luôn là bài toán khó giải, hối thúc những người có trách nhiệm bắt tay làm ngay, trước khi quá muộn! |
Bài 1: Cần Thơ “gìn vàng giữ ngọc” cho ĐCTT
Dù không phải là nơi ra đời nghệ thuật ĐCTT nhưng Cần Thơ được mệnh danh là “đất” của các tài danh, góp cho loại hình nghệ thuật này nhiều nghệ nhân “bậc thầy”. Gần 1 thế kỷ trôi qua, ĐCTT ở Cần Thơ vẫn tồn tại như một nét sinh hoạt văn nghệ dân gian độc đáo, hấp dẫn.
* Một thuở vàng son
 |
Từ lúc mới hình thành đến nay, dù ở giai đoạn nào, Cần Thơ luôn có nhiều đóng góp trong bảo tồn và phát huy nghệ thuật ĐCTT. Trong ảnh: Một buổi sinh hoạt “đúng điệu” của CLB ĐCTT Tri Âm (Cần Thơ).
|
Như nhiều địa phương khác ở Nam bộ, phong trào ĐCTT ở Cần Thơ phát triển từ đầu thế kỷ XX với những ban, nhóm tài tử sinh hoạt ở các làng, xã, tụ hội những người yêu thích đờn ca. Ban ĐCTT ra đời sớm nhất ở Cần Thơ là “Ban tài tử Ái Nghĩa” (ghép từ tên hai làng Nhơn Ái và Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền), thành lập khoảng năm 1914-1915. Từ cái nôi đầu tiên này, nhiều nghệ nhân, thầy tuồng đầu tiên đã thành danh như: Tám Danh, Điêu Huyền
Trong thời gian bị Pháp “an trí” tại Phong Điền, nhà cách mạng Trương Duy Toản đã tham gia Ban tài tử Ái Nghĩa, sáng tác một số bài ca cho thành viên trong ban: “Lão quán ca”, “Vân Tiên mù”, “Khen chàng Tử Trực”
Đặc biệt, Trương Duy Toản đã gộp các bài ca lẻ của một số điệu thức ĐCTT thành các bài lớn mà người ca có thêm điệu bộ, cử chỉ - gọi là ca ra bộ, một bước tiến trong ĐCTT.
ĐCTT ở Cần Thơ phát triển mạnh nhờ sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân và sự góp sức của các gánh hát, đoàn hát ở Cần Thơ thời bấy giờ như: Ái Nghĩa, Vương Có, Tập Ích Ban, Trần Đắc
Nhiều thành viên các ban tài tử có khả năng đờn ca tốt, viết lời ca mới, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử nên ĐCTT có sức lan tỏa rộng.
Qua lời kể của những nghệ nhân cao niên, có thể hình dung được sự hưng thịnh và thanh cao của sinh hoạt ĐCTT thuở xưa. Ông Minh Thơ - nghệ nhân ĐCTT có tên tuổi ở Cần Thơ kể, khoảng giữa thế kỷ XX, mỗi buổi sinh hoạt ĐCTT rất bài bản, đúng chất. Mở màn là các bản Lưu Thủy, Phú Lục, cổ bản rồi sang hơi Nam, Bắc, Bắc Lễ, 4 Oán mới hát đến Vọng cổ đờn trước ca sau theo phong cách tài tử
“Luật bất thành văn” ấy luôn được các nghệ nhân xưa gìn giữ, nhằm phát huy hết các bài bản Tổ.
Các lão nghệ nhân kể, cách đây hơn nửa thế kỷ, những lần đình làng cúng Kỳ Yên, chiếu ĐCTT lúc nào cũng được đặt ở trung tâm của đình: người đờn ca gửi trọn tâm hồn vào từng chữ đờn, câu ca; người nghe trân trọng thưởng thức nên không khí ca hát tuy dân dã nhưng trang trọng. Đã ca là phải đúng điệu, đúng chất tài tử, không được lo ra, đâm hơi. Thời đó, ĐCTT được xem là thú vui tao nhã, từ những người giàu có đến nông dân đều yêu thích. Nghệ nhân Tư Liêm, 80 tuổi, ở thị trấn Phong Điền kể, thời con gái, bà thường theo chị em trong làng đi cấy. Những lúc nghỉ mệt, chị em thường chia nhóm để ca tài tử theo chủ đề: hơi Nam, hơi Oán
Vui nhất là những lúc cánh đàn ông nhổ mạ, gánh mạ cho chị em cấy, vừa làm vừa hát.
* Góp những tài hoa
Cần Thơ tự hào cống hiến cho loại hình nghệ thuật ĐCTT những nghệ nhân tài hoa. Trong đó, đầu tiên phải kể đến soạn giả Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền và nghệ sĩ Bảy Nhiêu - những người góp công đưa bản “Dạ cổ hoài lang” lên sân khấu cải lương. Đặc biệt, nghệ nhân Bảy Nhiêu đã sáng tác ra điệu “Châu lang dịu khúc” (sau gọi là “Hoài tình”), trở thành một thể điệu phổ biến trong ĐCTT và được ứng dụng nhiều trên sân khấu cải lương.
Về nghệ nhân ca, Cần Thơ góp cho di sản này những giọng ca nổi tiếng bậc nhất, được người trong giới nể trọng. Danh xưng “Cô Năm Cần Thơ” dùng chỉ những người ca tài tử bậc thầy. Cô Năm Cần Thơ sinh năm 1917, vào nghiệp cầm ca khi chưa đầy 20 tuổi. Lối ca điêu luyện, chẻ nhịp, lấy hơi vừa mỏng vừa thanh của bà khiến các bài bản tài tử bay bổng. Bà được mệnh danh là Họa Mi vì ca rất hay 20 câu vọng cổ bài “Chim Họa Mi” (thay vì vọng cổ 4 câu, 6 câu như hiện nay). Khoảng thập niên 1950, Cô Năm Cần Thơ luôn được nể trọng như một nghệ sĩ lớn.
Gần đây nhất là nghệ nhân Bạch Huệ, quê ở Ninh Kiều - nghệ nhân ĐCTT, được phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian. Cha là nhạc sư Sáu Tửng vang danh miền Tây những năm đầu thế kỷ XX, từ nhỏ nghệ nhân Bạch Huệ đã có thể ca được bài bản tài tử. Càng lớn, giọng hát bà càng mùi, đúng chất nên được giới tài tử phong tặng “đệ nhất danh ca”. Trong giới thường truyền nhau, nghe nghệ nhân Bạch Huệ hát bản Oán với điệu đờn theo dây hò nhì mới cảm nhận được nghệ thuật ĐCTT hay đến mức nào.
Về nhạc tài tử, một số nghệ nhân luôn được xem là “bậc thầy” như: Sáu Tửng, Cò Điển, Cò Quốc, Trống Hiệu, Trống Phước... Trong đó, không thể không nhắc đến tiếng đờn tranh của nghệ nhân Sáu Hóa, người Phong Điền - người mà tương truyền từng đờn cho vua Bảo Đại nghe và được mời làm thầy nhạc cho Nam phương Hoàng hậu. Tiếng đờn tranh của ông nhặt khoan, trầm bổng, vương chút u buồn làm người nghe một lần nhớ mãi. Ông đã dày công ký âm, ký nhịp, ký song lang tất cả các bài bản Tổ trong âm nhạc tài tử. Xấp tài liệu ấy đựng đầy một bao, dẫu đã thất lạc nhiều, hiện đang được một người cháu gìn giữ, hẳn sẽ là tư liệu quý báu trong thống nhất bài bản hiện nay. Ông còn là thầy của hàng chục nghệ nhân có tiếng hiện nay ở Cần Thơ.
Ngoài ra, còn có những tên tuổi lớn trong cả làng ĐCTT và cải lương xuất thân từ đất Cần Thơ mà tài danh của họ khiến nhiều thế hệ khán giả nể phục như: Kim Lan, Kim Cúc (hai người con của nghệ sĩ Bảy Nhiêu), Chí Sinh, Quốc Thanh, Bầu Hẹ, Bầu Kiên
Hiện tại, nghệ nhân ĐCTT Cần Thơ luôn có vị trí nhất định trong giới tài tử miền Tây. Tiêu biểu như nghệ nhân Thanh Tùng - người được chọn ca bài vọng cổ nhịp 16 “Sầu vương biên ải” trong đêm khai mạc Festival ĐCTT tại Bạc Liêu. Anh có cách ca chẻ nhịp bài vọng cổ nhịp 16 rất đặc biệt, thâm trầm, sâu lắng mà tình tứ. Hay: nghệ nhân Đào Xinh gắn với hình ảnh những bài ca ra bộ vui tươi, hóm hỉnh; nghệ nhân Hai Đức - người sáng chế cây đờn sến 3 dây (thay vì 2 dây như thường lệ) được giới đờn ca Nam bộ nể phục.
* * *
Nghệ thuật ĐCTT - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, là sự hội tụ tinh hoa âm nhạc Việt Nam, có sự đóng góp của nhiều thế hệ nghệ nhân ở Nam bộ từ xưa đến nay. Cần Thơ tự hào vì đã đồng hành suốt chặng đường dài hình thành, phát triển và hội nhập của ĐCTT Nam bộ. Thế nhưng, bên cạnh sự tự hào ấy là những ưu tư, trăn trở...
Bài 2: Lợi dụng Đờn ca tài tử