14/12/2010 - 21:18

Làm giàu trên mảnh ruộng, thửa vườn...

Ngày nay, nhiều thanh niên nông thôn có xu hướng rời bỏ làng quê đi tìm kiếm việc làm ở các khu công nghiệp, với mức thu nhập khá ổn định. Nhưng cũng có những thanh niên quyết bám trụ, gắn bó lâu dài với miếng ruộng, thửa vườn. Nhiều người đã thành công, tạo dựng cho mình một cơ ngơi vững chắc. Anh Nguyễn Hồng Khanh, ở khu vực Hòa Thạnh B, phường Thới Hòa, quận Ô Môn, TP Cần Thơ, là một trong những thanh niên như thế.

* Khấm khá nhờ rau nhút

 Mô hình trồng rau nhút  kết hợp nuôi cá của Nguyễn Hồng Khanh mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Rau nhút là loại cây dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, mau thu hoạch, đầu ra ổn định và bán được giá cao... Vì vậy, sau nhiều suy tính, Nguyễn Hồng Khanh quyết định chọn trồng rau nhút để xây dựng, phát triển mô hình kinh tế nông hộ. Năm 2010, Khanh trồng thử nghiệm hơn 300kg rau nhút giống trên diện tích 3.000m2 mặt nước. Sau nửa tháng chăm sóc, ruộng rau nhút bắt đầu cho thu hoạch, thương lái đến tận nhà thu mua, với giá 5.500 đồng/kg. Một vụ trồng rau nhút có thể kéo dài hơn 5 tháng, thu hoạch 4 lần/tháng, lợi nhuận cho cả vụ đạt hơn 10 triệu đồng/công, khá cao so với trồng lúa và các loại hoa màu khác.

Khanh cho biết: “Trước khi trồng rau nhút, phải chuẩn bị dây giăng trên mặt nước, cách khoảng 4m đặt một sợi dây. Rau nhút giống mua về, nối 2 gốc lại với nhau, sau đó thả xuống ao và mắc ngay mối nối của cọng rau nhút vào sợi dây giăng dưới ao. Như vậy, những luống rau không bị xê dịch, thu hoạch thuận lợi. Trong quá trình trồng, cần chú ý sâu bệnh, nhất là bệnh vàng lá, ảnh hưởng đến năng suất và giá bán sản phẩm; cần bón phân, phun thuốc nhằm kích thích cây rau nhảy đọt, đâm chồi...”.

Vụ trồng rau nhút vừa qua, trừ chi phí, Khanh còn lời khoảng 35 triệu đồng. Đến nay, ruộng rau nhút đợt 2 của Khanh đang cho thu hoạch thường xuyên, trung bình mỗi tháng lãi khoảng 8 triệu đồng. Khanh tận dụng mặt nước để thả nuôi thêm cá lóc đồng và cá bống tượng. 2 loài cá này không ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây rau nhút. Khanh còn thả nuôi bèo dưới ao, vừa hạn chế tình trạng phao rau nhút bị dọp, vừa làm thức ăn cho cá. Ngoài ra, Khanh đang nuôi thử nghiệm cá lóc, cá rô đầu vuông trong vèo. Anh dự tính sẽ mở rộng diện tích nuôi trồng này trong thời gian tới...

* Cán bộ Đoàn không ngại khó

Là con thứ trong gia đình nghèo, đông anh chị em, từ nhỏ, Khanh đã thấu hiểu được nỗi vất vả của cha mẹ tảo tần một nắng hai sương để nuôi con cái nên người. Sau khi tốt nghiệp THPT, Khanh đi làm phụ hồ ở Trà Nóc. Công việc nặng nhọc, vất vả, thu nhập chỉ 60.000 đồng/ngày. Sau đó, Khanh nghỉ việc phụ hồ, về công tác tại Ban Chỉ huy quân sự phường Thới Hòa. Sau gần 2 năm công tác, do hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn, cha mẹ già nay ốm mai đau, Khanh quyết định xin nghỉ việc, về phụ giúp gia đình...

Trước đây, cha mẹ Khanh cho người quen thuê 3.000m2 đất ruộng đào ao, nuôi cá tra, thời hạn 5 năm. Sau một thời gian nuôi, do giá cá bấp bênh, người nuôi thua lỗ, đã treo ao, hoàn trả diện tích đất thuê trước thời hạn. Thấy vậy, Khanh quyết định trồng rau nhút trên ao này. Ban đầu, Khanh cũng lo lắng, vì trước đây, anh chưa hề đụng tới ruộng vườn, trồng trọt gì cả. Để bắt tay vào công việc, Khanh đi học tập kinh nghiệm một số nông hộ đã thành công với mô hình này ở xã Thới Hưng (huyện Cờ Đỏ), phường Tân Hưng (quận Thốt Nốt)... Chịu khó học hỏi, ứng dụng, mô hình trồng rau nhút kết hợp nuôi cá của Khanh đạt hiệu quả kinh tế, được các ngành chức năng đánh giá cao. Ông Châu Trung Hiếu, Trưởng khu vực Hòa Thạnh B, phường Thới Hòa, cho biết: “Điều đáng quý nhất ở Khanh là luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm, tạo điều kiện, giúp nhiều thanh niên địa phương phát triển kinh tế gia đình, kiếm thêm thu nhập, từng bước vươn lên cải thiện đời sống...”.

Năm nay, Khanh bước sang tuổi 26. Hiện, anh là Bí thư Chi đoàn khu vực Hòa Thạnh B, phường Thới Hòa. Buổi đầu nhận nhiệm vụ, Khanh trăn trở, đối diện với nhiều khó khăn, nhất là việc thanh niên địa phương không mặn mà với công tác Đoàn, phong trào Đoàn. Tìm hiểu, anh nhận thấy nguyên nhân là do gia cảnh gặp khó khăn, họ phải lao vào cuộc mưu sinh cơm áo gạo tiền với bao lo toan. Khanh bộc bạch: “Muốn thu hút thanh niên tham gia sinh hoạt Đoàn, trước hết phải tạo công ăn việc làm để họ có thu nhập ổn định. Như vậy, họ mới sẵn lòng tham gia các hoạt động ở địa phương”. Để giải quyết bài toán khó này, Khanh ấp ủ và dự tính sẽ mở rộng mô hình trồng rau nhút kết hợp nuôi cá, thành lập Tổ hợp tác để có thể thu hút nhiều đoàn viên, thanh niên tham gia. Qua vận động, nhiều thanh niên đã tán đồng với ý tưởng của Khanh, nhưng cái khó nhất là nguồn vốn. Khanh mong được các ban ngành, đoàn thể hỗ trợ để Tổ hợp tác thanh niên ở khu vực Hòa Thạnh B sớm được thành lập, đi vào hoạt động, giúp nhiều thanh niên nông thôn có công ăn việc làm ổn định, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh ruộng, thửa vườn của mình...

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Chia sẻ bài viết