11/10/2012 - 20:44

Sản xuất lúa gạo ở TP Cần Thơ

Làm gì để tăng cao thu nhập cho người trồng lúa?

Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ tổ chức Hội nghị tổng kết công tác sản xuất lúa năm 2012 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2012-2013. Tại hội nghị này, vấn đề làm gì để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng cao thu nhập cho người trồng lúa và đưa thành phố trở thành trung tâm động lực phát triển của vùng ĐBSCL đã được đặt ra...

* Tiếp tục thành công

 

Những tháng đầu năm 2012, tình hình sản xuất nông nghiệp nói chung và lúa nói riêng gặp phải nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi thời tiết bất lợi, diễn biến phức tạp của các loại dịch hại, giá cả đầu vào và đầu ra bất ổn. Tuy nhiên, sản xuất lúa tại TP Cần Thơ tiếp tục thành công về diện tích, sản lượng và năng suất. Đặc biệt, sản xuất lúa tại thành phố xuất hiện ngày càng nhiều mô hình liên kết hợp tác sản xuất lúa giống, lúa hàng hóa chất lượng cao, ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất… Qua đó giúp giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, giúp tăng thêm lợi nhuận cho người trồng lúa. Theo số liệu thống kê của Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, trên địa bàn thành phố hiện có 45 tổ chức, cá nhân sản xuất và cung ứng lúa giống. 9 tháng đầu năm 2012, diện tích sản xuất lúa giống đạt hơn 4.600 ha, tăng 23%, sản lượng ước đạt hơn 26.560 tấn, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2011. Lượng lúa giống sản xuất tại thành phố đáp ứng trên 76% nhu cầu sản xuất của địa phương.

Mô hình "cánh đồng mẫu lớn" (CĐML) bước đầu đã khẳng định hiệu quả với việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến một cách đồng bộ, hiệu quả trên cùng một diện tích lớn, rút ngắn khoảng cách về năng suất giữa các nông hộ, các vùng sản xuất, nâng cao năng suất bình quân toàn vùng, gia tăng chất lượng lúa, gạo và làm nền tảng cho việc sản xuất lúa theo hướng GAP. Theo ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, từ mô hình CĐML ban đầu với diện tích 400 ha (tại ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh) trong vụ hè thu 2011, năm 2012 thành phố đã nhanh chóng mở rộng diện tích thêm 33 cánh đồng, tổng diện tích 8.890ha, với 3.737 hộ dân tham gia. Trong đó, vụ đông xuân 2011-2012 thực hiện được 9 mô hình CĐML với tổng diện tích 1.832ha; có 63ha sản xuất theo quy trìnhVietGAP, 50ha sản xuất theo quy trình GlobalGAP. Năng suất lúa ở các mô hình CĐML tăng bình quân 4,6% (tương đương 360kg/ha) so với nông dân ngoài mô hình và tăng 7,46% (620kg) so với trước khi tham gia mô hình; tỷ lệ lợi nhuận tăng 28,38% (gần 4,84 triệu đồng/ha) so với nông dân ngoài mô hình. Tại 15 mô hình CĐML trong vụ hè thu 2012, với tổng diện tích 4.602ha, cũng giúp nông dân giảm chi phí sản xuất từ 600.000-2.000.000 đồng/ha và tăng cao lợi nhuận nhờ chất lượng lúa tăng, bán được giá cao. Đối với 9 CĐML với tổng diện tích hơn 2.456 ha được thực hiện trong vụ thu đông 2012, qua thống kê bước đầu tại của các địa phương cũng giúp giảm đáng kể chi phí sản suất nhưng năng suất, chất lượng và giá bán lúa lại tăng.

Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, dù tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn và diện tích đất lúa có giảm so với trước, nhưng tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm 2012 trên địa bàn thành phố đạt 228.183 ha, tăng 3.547 ha so với năm 2012. Trong đó, diện tích sản xuất tăng chủ yếu do tăng diện tích gieo sạ vụ lúa thu đông 2012 hơn 3.800ha so với năm 2011. Năng suất lúa bình quân ước cả năm 2012 cũng đã tăng 0,2 tạ/ha so với năm trước khi đạt được bình quân 57,6 tạ/ha. Theo đó sản lượng lúa ước đạt hơn 1,31 triệu tấn, tăng hơn 26.200 tấn so với năm 2011. Các giống lúa đặc sản chất lượng cao cũng được nông dân sử dụng với tỷ lệ ngày càng cao theo khuyến cáo của ngành chức năng. Tỷ lệ giống lúa đặc sản chất lượng cao hiện đã đạt 80% diện tích sản xuất. Nhìn chung, với giá thành kế hoạch sản xuất lúa dao động từ 4.006- 4.013 đồng/kg trong các vụ đông xuân 2011-2012, hè thu và thu đông 2012 đã đảm bảo cho nông dân trồng các giống lúa chất lượng cao có lãi từ 30% giá thành sản xuất trở lên. Tuy nhiên, còn có trường hợp nông dân sản xuất lúa IR50404 và một số giống lúa chất lượng thấp trong vụ hè thu 2012 đã có lúc bán lúa không có lãi hoặc lãi chỉ đạt 10-20% do giá lúa bị giảm.

* Cần "đột phá" hơn nữa

Tại Hội nghị tổng kết công tác sản xuất lúa năm 2012; triển khai kế hoạch sản xuất năm 2013 và vụ đông xuân 2012-2013, nhiều đại biểu cho rằng: Kết quả sản xuất lúa tại thành phố trong thời gian qua liên tục tiến bộ, đạt nhiều thành công, góp phần tích cực vào việc cải thiện thu nhập cho người trồng lúa và xây dựng nông thôn mới. Song, thu nhập của phần lớn nông dân trồng lúa vẫn còn hạn chế; phát triển sản xuất lúa và nông nghiệp nói chung tại thành phố vẫn chưa tương xứng với các điều kiện vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và vai trò của một thành phố trực thuộc Trung ương - động lực phát triển của vùng ĐBSCL. Nhiều ý kiến cho rằng, để trở thành thành phố động lực phát triển của vùng, đồng thời cũng là cách để tăng cao thu nhập cho người trồng lúa, TP Cần Thơ cần đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Trong đó, đối với cây lúa, cần tập trung phát triển sản xuất lúa giống và các loại lúa gạo hàng hóa chất lượng, có thương hiệu và giá trị cao…

Tiến sĩ Trần Thanh Bé, Viện trưởng Viện Kinh tế – Xã hội TP Cần Thơ, cho rằng: "Bên cạnh việc tiếp tục điều chỉnh và đẩy mạnh cơ giới hóa, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm giảm chi phí sản xuất, thành phố cần phải quan tâm đẩy mạnh thực hiện CĐML. Vì phát triển được mô hình này sẽ mang lợi ích rất lớn cho người sản xuất. Hiện nay, diện tích thực hiện mô hình CĐML tại thành phố tuy có tăng nhiều so với năm 2011 nhưng so với diện tích đất sản xuất lúa tại thành phố vẫn chưa cao. Song song đó, để thành phố trở thành trung tâm động lực phát triển của vùng, đồng thời cũng giúp tăng cao lợi nhuận cho người trồng lúa, TP Cần Thơ phải tăng diện tích sản xuất lúa giống. So với sản xuất lúa hàng hóa thông thường, hiện làm lúa giống mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều". Theo Tiến sĩ Lưu Hồng Mẫn, Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, sản xuất lúa tại ĐBSCL đang phát triển theo xu hướng cánh đồng 4 tốt "đất tốt, giống tốt; kỹ thuật tốt; tốt về năng suất, chất lượng và tốt cho môi trường". Để phát huy lợi thế riêng, bên cạnh đi theo xu thế chung đó, TP Cần Thơ cần quy hoạch sản xuất lúa, trong đó xác định rõ các diện tích cần tập trung phát triển sản xuất lúa giống để có biện pháp hỗ trợ phát triển và các diện tích sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, có thương hiệu gắn với các mô hình sản xuất tiên tiến.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng nhấn mạnh: Đối với cây lúa, trước hết, TP Cần Thơ phải tập trung hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm cung ứng giống cho vùng ĐBSCL, kế đó phải quan tâm phát triển các loại gạo hàng hóa có chất lượng, có giá trị cao. Đồng chí cho rằng, tới đây, ngành nông nghiệp thành phố cần tập trung nghiên cứu để đẩy mạnh phát triển sản xuất lúa giống tại thành phố. Riêng đối với việc phát triển các mô hình CĐML, đã khẳng định được tính hiệu quả nên cần thiết mạnh dạn mở rộng phát triển trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Khánh Trung

Chia sẻ bài viết