07/12/2009 - 21:15

Ngành cơ khí nông nghiệp trong nước

Làm gì để sản phẩm đứng vững trên thị trường nội địa?

Đó là nội dung xoay quanh Hội nghị Cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn do Bộ Công thương vừa tổ chức tại TP Cần Thơ. Đại diện một số bộ, ngành, các doanh nghiệp cơ khí đã tích cực đưa ra nhiều giải pháp thúc đẩy ngành cơ khí nông nghiệp phát triển nhanh theo hướng đa dạng hóa, nâng cao chất lượng và từng bước hạ giá thành sản phẩm... đáp ứng hiệu quả nhu cầu cơ giới hóa nông nghiệp của nông dân.

CHỈ CHIẾM 30%THỊ PHẦN

Các sản phẩm cơ khí nông nghiệp trong nước ngày càng đa dạng về mẫu mã, chất lượng được nâng lên.
Trong ảnh: Sản phẩm của VEAM trưng bày tại Hội chợ Nông nghiệp Quốc tế 2009 diễn ra tại TP Cần Thơ. 

Ngày 26-12-2002, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 186/2002/QĐ-TTg phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020” với mục tiêu chủ yếu là ưu tiên phát triển 8 nhóm sản phẩm cơ khí trọng điểm. Đó là: thiết bị toàn bộ, máy động lực, cơ khí phục vụ nông-lâm-ngư nghiệp và công nghiệp chế biến, máy công cụ, cơ khí xây dựng, cơ khí đóng tàu, thiết bị kỹ thuật điện-điện tử và cơ khí ô tô-cơ khí giao thông vận tải. Trong đó, cơ khí nông nghiệp, nông thôn đóng một vị trí hết sức quan trọng. Thời gian qua Nhà nước đã có nhiều chủ trương và ban hành nhiều chính sách thúc đẩy sự phát triển cơ khí, trong đó có cơ khí phục vụ nông nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Hữu Hào, nhận định: “Hơn 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam và thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về “Đẩy nhanh công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn thời kỳ 2001-2010” đã đạt được nhiều thành tích trong việc chế tạo, cung cấp máy móc thiết bị phục vụ nông nghiệp-nông thôn. Trong đó, nhiều đơn vị trực thuộc Bộ Công thương như: Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp (VEAM), Công ty Cơ khí Hà Nội... đã có nhiều nỗ lực trong việc tập trung sản xuất các loại máy phục vụ nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, đổi mới công nghệ sản xuất, thay đổi mẫu mã sản phẩm, mở rộng thị trường nội địa. Tuy nhiên, do nhu cầu cơ giới hóa ngày càng cao, hoạt động sản xuất trong nước chưa đáp ứng và tỷ trọng máy cơ giới nhập khẩu còn cao...”.

Theo nhận định của các doanh nghiệp cơ khí trong nước, mặc dù các doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực trong đẩy mạnh sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm nhưng các sản phẩm trong nước vẫn chiếm thị phần thấp. Hiện nay, nhiều loại sản phẩm trong nước có chất lượng vượt trội so với nhiều sản phẩm cùng loại nhập ngoại, nhất là so với sản phẩm có giá rẻ của Trung Quốc và sản phẩm đã qua sử dụng của Nhật. Nhưng do giá cả các sản phẩm trong nước cao hơn gấp 1,5-1,8 lần so với sản phẩm cùng loại ngoại nhập nên nông dân còn ngại và có xu hướng chọn mua hàng giá rẻ.

Tuy nhiên, theo phân tích của doanh nghiệp cơ khí trong nước, sản phẩm của Trung Quốc tuy có giá rẻ nhưng lại dễ hư hỏng, tiêu hao nhiên liệu cao, nặng nề khó di chuyển và không có dịch vụ bảo hành tốt. Tương tự, sản phẩm đã qua sử dụng của Nhật có mức tiêu hao nhiên liệu cao do động cơ cũ, phụ tùng thay thế khan hiếm, không có dịch vụ bảo hành... Do đó, nếu sử dụng lâu dài các sản phẩm của Trung Quốc hoặc sản phẩm đã qua sử dụng của Nhật sẽ tốn kém hơn so với sử dụng sản phẩm trong nước có chất lượng tốt và dịch vụ chăm sóc khách hàng chu đáo...

CƠ HỘI “LẤY LẠI” THỊ TRƯỜNG

Theo ông Đoàn Xuân Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của nước ta còn thấp, chưa đồng bộ và phát triển toàn diện, tổn thất sau thu hoạch cao. So với các nước trong khu vực, mức độ trang bị động lực của nông nghiệp Việt Nam còn thấp, bình quân đạt 1,16 CV/ha canh tác. Trong khi một số nước như: Thái Lan đạt 4 CV/ha, Hàn Quốc 4,2 CV/ha, Trung Quốc 6,6 CV/ha... Cơ giới hóa trong nông nghiệp của nước ta tập trung chủ yếu ở khâu làm đất, tuốt đập, vận chuyển và xay xát lúa, gạo; còn các khâu gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch lúa và các loại cây trồng khác mức độ cơ giới hóa rất thấp, lao động thủ công là chủ yếu...

Như vậy, để đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp rất cần số lượng lớn máy nông nghiệp để nông dân áp dụng vào sản xuất trong thời gian tới. Do đó, đòi hỏi các doanh nghiệp cơ khí nông nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp có qui mô sản xuất lớn phải đẩy mạnh sản xuất cũng như nghiên cứu đưa ra các sản phẩm có chất lượng cao theo yêu cầu thị trường. Ông Nguyễn Văn Vũ, Phó Tổng Giám đốc VEAM, cho biết: “VEAM phấn đấu trong vòng 3-5 năm tới, sản phẩm động cơ và máy nông nghiệp của VEAM có thể chiếm đến 50-60% thị phần trong nước. Đồng thời, để thực hiện được mục tiêu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra là tỷ lệ cơ giới hóa nông nghiệp nông thôn dự kiến đến năm 2015 mức độ trang bị động lực bình quân cả nước sẽ đạt 2 HP/ha và cơ giới hóa khâu làm đất lên 70%, tới đây VEAM tập trung vào một số sản phẩm chủ lực như: động cơ nổ, có thể cung cấp cho thị trường 100.000-120.000 động cơ/năm; máy xới công suất nhỏ hơn 15 HP, có thể cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu 12.000-15.000 chiếc/năm. Ngoài ra, VEAM kết hợp với các doanh nghiệp cơ khí địa phương trong vòng 1-2 năm tới có thể cung cấp cho thị trường 3.000 chiếc máy gặt đập liên hợp/năm...”.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng: Các doanh nghiệp trong nước cần đẩy mạnh liên kết sản xuất, từng bước hạ giá thành sản phẩm, tạo thế cạnh tranh trên thị trường nội địa. Đồng thời, Nhà nước nên có chính sách cụ thể hơn để phát triển ngành cơ khí nông nghiệp như ưu đãi về tín dụng, thuế... cho các doanh nghiệp sản xuất phụ trợ nói chung và ngành công nghiệp chế tạo máy nông nghiệp nói riêng. Cần mở rộng chính sách tín dụng ưu đãi cho nông dân thành một chương trình dài hạn với hồ sơ thủ tục đơn giản để nông dân dễ dàng tiếp cận vốn mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Bên cạnh đó, Nhà nước cần xây dựng hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn sản phẩm cơ khí nông nghiệp kém chất lượng nhập khẩu tràn lan làm thiệt hại cho nông dân và ảnh hưởng đến nền kinh tế, cũng như tạo động lực cho các doanh nghiệp trong nước đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm cơ khí phục vụ nông nghiệp...

Với sự nỗ lực vượt khó vươn lên cũng như từng bước mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm của các doanh nghiệp cơ khí trong nước, hy vọng rằng trong thời gian tới, các sản phẩm cơ khí trong nước sẽ ngày càng đa dạng hơn, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa-hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết