11/05/2013 - 20:09

Làm gì để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác dân vận ?

Công tác vận động quần chúng là nhiệm vụ chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta. Nhờ đó, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân đoàn kết đấu tranh giành thắng lợi trong kháng chiến cứu nước và đạt được những thành tựu quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, công tác dân vận vẫn còn tồn tại không ít khó khăn, đòi hỏi không ngừng đổi mới để đáp ứng yêu cầu phát triển. Mới đây, Ban Dân vận Thành ủy Cần Thơ tổ chức tọa đàm về thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới. Qua đó, những người làm công tác dân vận đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý báu, góp phần làm cho công tác vận động quần chúng mang lại hiệu quả thiết thực hơn.

Nỗ lực nâng cao hiệu quả hoạt động…

Đại biểu đóng góp ý kiến tại buổi tọa đàm về thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới. 

Trong những năm qua, công tác vận động quần chúng ở TP Cần Thơ luôn được các cấp ủy Đảng quán triệt và triển khai thực hiện mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, năm 1990, Nghị quyết 8B (khóa VI) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng "về đổi mới công tác quần chúng của Đảng, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân" đã làm cho công tác vận động quần chúng ở Cần Thơ có bước chuyển biến tích cực về nhận thức, nội dung, phương thức hoạt động. Các cấp ủy đảng luôn coi trọng công tác dân vận, quán triệt sâu sắc quan điểm dựa vào dân để xây dựng Đảng, đã đề ra những chủ trương, nghị quyết, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, tăng cường công tác xây dựng Đảng, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân, được các tầng lớp nhân dân đồng tình, ủng hộ. Hệ thống dân vận các cấp đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo công tác dân vận. Mặt trận và các đoàn thể từng bước đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, mở rộng hình thức tập hợp nhân dân, hướng về cơ sở. Dân chủ xã hội ngày càng được mở rộng, qua đó đã tập hợp, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực vào các phong trào cách mạng, thi đua yêu nước, mang lại nhiều thành tựu trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn.

Tuy đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng tại buổi tọa đàm về thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới, một số đại biểu cũng chỉ ra những mặt hạn chế, như: sự phối hợp giữa các tổ chức của hệ thống chính trị còn thiếu chặt chẽ, có lúc, có nơi còn "khoán trắng" cho khối Mặt trận, đoàn thể dẫn đến hiệu quả của công tác vận động quần chúng chưa cao. Một số nơi, tổ chức đảng, Mặt trận, đoàn thể ở cơ sở yếu kém, giảm sút vai trò lãnh đạo, không sát dân, không nắm được tình hình nhân dân, không đủ sức tuyên truyền vận động nhân dân, giải quyết những bức xúc của nhân dân để xảy ra tình trạng khiếu kiện vượt cấp kéo dài, phức tạp. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng bộ máy, bố trí cán bộ làm tham mưu về công tác dân vận; cán bộ trực tiếp làm công tác vận động quần chúng của Mặt trận và các đoàn thể chưa được quan tâm thỏa đáng, chắp vá, hạn chế tính chuyên nghiệp, chưa ngang tầm với yêu cầu đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quần chúng. Nội dung, phương thức tổ chức, hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể còn chậm đổi mới, hành chính hóa, một số phong trào còn mang tính hình thức, chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của đoàn viên, hội viên và nhân dân. Tình trạng quan liêu, nhũng nhiễu, xa dân, tham nhũng, lãng phí của một bộ phận đảng viên, cán bộ, công chức nhà nước chưa được khắc phục triệt để, làm ảnh hưởng mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, cũng như niềm tin của nhân dân đối với Đảng…

Vì sao hiệu quả chưa cao?

Từ thực trạng trên, đồng chí Nguyễn Hữu Lợi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, đặt vấn đề: Trong kháng chiến, bộ máy làm công tác dân vận thiếu về cả con người và phương tiện nhưng công tác vận động quần chúng đạt hiệu quả cao. Đảng ta đã huy động được sức mạnh của các tầng lớp nhân dân đóng góp cả về vật chất lẫn tinh thần thực hiện thắng lợi công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Hiện nay, chúng ta có cơ chế, chính sách, pháp luật, bộ máy quản lý nhưng vì sao công tác vận động quần chúng hiệu quả chưa cao? Đây cũng là vấn đề mà những người làm công tác vận động quần chúng cần suy nghĩ để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao. Đồng chí Lê Nam Giới, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy Cần Thơ, cho rằng: "Trong chiến tranh, phương thức hoạt động công tác vận động quần chúng chưa phong phú, đa dạng như hiện nay, mà bằng đường lối cách mạng đúng đắn, bằng sự mẫu mực, nêu gương trong tất cả mọi lĩnh vực của cán bộ, đảng viên làm cho dân tin và theo Đảng kháng chiến giành thắng lợi". Nói về cách thức vận động quần chúng, đồng chí Lê Minh Châu, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ, chia sẻ: "Các cán bộ làm công tác vận động quần chúng cần nghiên cứu hình thức, nội dung tuyên truyền vận động phải ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu giống như những lời hát ru con của phụ nữ trong những năm chiến tranh đã gần 40 năm trôi qua nhưng vẫn còn sống mãi trong lòng các má, các chị…".

Trong công tác dân vận, cán bộ dân vận là yếu tố có ý nghĩa quyết định. Thời gian qua, bộ máy tổ chức dân vận, Mặt trận và các đoàn thể từ thành phố đến các ấp, khu vực ở TP Cần Thơ từng bước được kiện toàn. Để có được một đội ngũ cán bộ vững về lý luận, giỏi về phương pháp, chắc về nghiệp vụ làm công tác dân vận, đòi hỏi phải có quá trình học tập, đào tạo, bồi dưỡng. Song với yêu cầu đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động quần chúng thì chưa đáp ứng được trong tình hình mới. Đồng chí Trần Thanh Hiển, Trưởng khoa Dân vận, Trường Chính trị thành phố, đề nghị: "Các cấp ủy đảng quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ làm công tác dân vận. Đồng thời, nâng cao chất lượng giảng dạy gắn lý luận với thực tiễn, đổi mới nội dung, phương pháp, phong cách dạy cho phù hợp với từng đối tượng học viên".

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cũng đề nghị các cấp ủy đảng cần xem công tác dân vận là một trong những vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Từ đó, các đại biểu đề nghị các cấp ủy đảng cần tiếp tục quán triệt, làm chuyển biến nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò công tác vận động quần chúng trong tình hình mới. Còn trong tham luận của mình, đại diện Khối Dân vận xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai đề nghị tăng mức phụ cấp cho cán bộ chuyên trách các đoàn thể ở xã, cán bộ ấp và Trưởng khối vận cấp xã được hưởng chế độ chuyên trách. Đây cũng là yếu tố để cán bộ yên tâm làm việc và địa phương thuận lợi hơn trong bố trí cán bộ làm công tác vận động quần chúng...

Những ý kiến phân tích, đánh giá của các đại biểu cho thấy các cấp ủy đảng cần đổi mới công tác giáo dục lý luận, nội dung, phương pháp đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý. Trước hết phải làm cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nắm vững quan điểm quần chúng của Đảng, biết nghiệp vụ công tác vận động quần chúng, biết lắng nghe, tôn trọng và dân chủ với dân. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; hướng về cơ sở, sâu sát địa bàn, kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân để tham mưu cho cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời, hợp tình hợp lý. Người làm công tác vận động quần chúng phải gương mẫu, nói đi đôi với làm. Có như thế mới tạo được niềm tin trong dân, phát huy được sức mạnh của các tầng lớp nhân dân, chung tay góp sức cùng nhau xây dựng TP Cần Thơ ngày càng phát triển.

Bài, ảnh: THANH THY

Chia sẻ bài viết