17/09/2009 - 08:57

Làm gì để đẩy nhanh tiến độ các dự án xây dựng cơ bản trọng điểm?

Thành ủy vừa tổ chức đoàn giám sát 9 dự án (DA) xây dựng cơ bản (XDCB) trọng điểm trên địa bàn thành phố. Qua giám sát cho thấy, tiến độ thực hiện của hầu hết các dự án trọng điểm này đều chậm so với kế hoạch đề ra. Do đó, đã ảnh hưởng chung đối với tiến trình phát triển của thành phố. Vì sao như vậy?

CHẬM... ĐỀU!

9 DA trọng điểm trên địa bàn thành phố đã được giám sát gồm: DA đường Mậu Thân-Sân bay Trà Nóc, tuyến đường Bốn Tổng –Một Ngàn, đường Vị Thanh – Cần Thơ, Quốc lộ 91B, kè Xóm Chài, kè bảo vệ cồn Cái Khế, cầu và đường qua Cồn Khương, Khu công nghiệp Hưng Phú I và Hưng Phú 2A, 2B. 9 DA này (gồm 57 gói thầu) có chiều dài 53,33 km đường giao thông, 4,3 km kè và xây dựng các khu công nghiệp, TĐC có tổng diện tích 3.051 ha, với tổng mức đầu tư 6.369 tỉ đồng và 7.032 hộ dân bị ảnh hưởng. Đến thời điểm giám sát, mới có 5 gói thầu hoàn thành và đưa vào sử dụng. Hầu hết các DA, gói thầu đều chậm tiến độ.

Các thành viên đoàn giám sát khảo sát thực địa dự án đường Mậu Thân - Sân bay Trà Nóc.
 Ảnh: QUỐC TRƯỞNG 

DA đường và cầu qua Cồn Khương, do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành phố làm chủ đầu tư, chính thức làm lễ khởi công ngày 18-3-2005. DA có tổng mức đầu tư hơn 77,3 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành sau 2 năm thực hiện. Đến nay, thời gian thi công đã vượt gấp đôi so với hợp đồng ký kết, nhưng DA chỉ đạt khoảng 70% khối lượng xây lắp. Đáng chú ý là sau hơn 4 năm tổ chức thi công, khu TĐC của DA vẫn chưa được xác định địa điểm đầu tư, còn ngân sách nhà nước thì đã tốn trên 630 triệu đồng để chi trả tiền tạm cư cho 51 hộ dân thuộc diện giải tỏa trắng của DA. Lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, trước đây, chủ đầu tư đã xây dựng phương án bố trí TĐC tại chỗ cho các hộ dân bị ảnh hưởng tại chỗ, vị trí cặp hai bên đường dẫn qua cầu Cồn Khương. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai gặp khó do số hộ bị ảnh hưởng phát sinh quá nhiều; một số hộ còn khiếu nại về giá đất, chưa nhận tiền BTTH và bàn giao mặt bằng. Ngoài ra, đường dẫn vào cầu phía Quốc lộ 91 có hệ thống cáp viễn thông, cáp truyền hình và đường nước của 10 cơ quan đơn vị cắt ngang, giá cả vật tư, giá nhân công tăng cao phải ngưng thi công... là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng đến tiến độ của DA.

DA Khu Công nghiệp Hưng Phú I thuộc phường Tân Phú, quận Cái Răng, có quy mô 262 ha, tổng vốn đầu tư hơn 675,8 tỉ đồng, UBND thành phố có quyết định thu hồi đất từ ngày 13-2-2007. Theo kế hoạch tiến độ thì đã hết một nửa thời gian thực hiện DA, nhưng đến nay, DA mới chỉ BTTH, GPMB được hơn 39 ha, (trong đó 21,6 ha do Công ty Hạ tầng Khu Công nghiệp Cần Thơ – đơn vị chủ đầu tư cũ của DA chuyển giao), mới đạt gần 15% diện tích toàn khu. Phần xây dựng hạ tầng, Công ty cũng chỉ mới triển khai thi công được 430m đường. Ông Ngô Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Khu Công nghiệp Sài Gòn - Cần Thơ, đơn vị chủ đầu tư dự án, giải thích: “Tiến độ thực hiện DA không đạt yêu cầu là do Nhà nước thường xuyên thay đổi chính sách giá cả BTTH, GPMB, người dân trong vùng quy hoạch DA chưa hiểu ý nghĩa của việc quy hoạch nên không chịu nhận tiền đền bù để bàn giao đất...”. Tuy nhiên, kết quả giám sát cho thấy, nguyên nhân chính là do phía công ty chưa thực hiện được khu TĐC cho 1.200 hộ dân bị ảnh hưởng trước khi GPMB. Bên cạnh đó, năng lực tài chính của công ty dành cho DA này cũng có vấn đề cần xem xét.

DA đường Mậu Thân – Sân bay Trà Nóc, được xem là DA trọng điểm số 1 của thành phố, nhưng tiến độ cũng rất chậm. DA này được UBND thành phố phê duyệt vào tháng 11-2006 với tổng mức đầu tư 915 tỉ đồng. Sau đó, do phát sinh thêm các mục mới như: cầu Rạch Ngỗng, 2 khu TĐC và thay đổi phương án kỹ thuật, điều chỉnh dự toán do biến động giá,... tổng mức đầu tư của DA tăng lên 1.851 tỉ đồng. DA này phục vụ cho việc khai thác Sân bay quốc tế Cần Thơ, đồng thời có tác động lớn đối với việc phát triển không gian kiến trúc đô thị của thành phố, vì vậy lãnh đạo thành phố chỉ đạo rất sát sao. Thế nhưng, tại thời điểm giám sát của Đoàn giám sát của Thành ủy, khối lượng xây lắp của DA mới đạt khoảng 40% khối lượng và GPMB được 76,8%. Hầu hết các gói thầu đều đã vượt thời gian thi công theo hợp đồng từ 1 năm trở lên.

GIẢI QUYẾT RA SAO?

 Công trình bờ kè xóm Chài ở phường Hưng Phú (quận Cái Răng) một trong những công trình xây dựng cơ bản trọng điểm của thành phố chậm tiến độ, kéo dài nhiều năm đang được khẩn trương thi công.
Ảnh: ANH DŨNG

Lý giải tình trạng “chậm đều” của các dự án trọng điểm, ông Lê Tấn Học, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố, đơn vị quản lý nhiều vốn XDCB của thành phố, nói: “Ngoài khó khăn về GPMB, do biến động giá vật liệu xây dựng giữa năm 2008, vừa qua, hầu hết các DA xây dựng giao thông đều phải mất khoảng 6 tháng để điều chỉnh dự toán. Do đó, phải đến đầu quý 2-2009 mới thi công quyết liệt trở lại, nên khối lượng còn thấp”. Nhưng trên thực tế, nhiều nơi không vướng mặt bằng, tiến độ thực hiện vẫn chậm. Tại thời điểm giám sát công trường của một số công trình trọng điểm rất ít công nhân, phương tiện thi công. Thậm chí, việc xây dựng khu TĐC 12 ha của DA đường Mậu Thân – Sân bay Trà Nóc tại phường Long Hòa mặc dù rất bức xúc, nhưng cũng chỉ có vài công nhân làm việc. Để giải quyết vấn đề này, ông Huỳnh Văn Tiếp, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Phó trưởng Đoàn giám sát của Thành ủy, đề nghị phải kiên quyết xử lý, cắt hợp đồng thi công với các nhà thầu cố tình thi công trì trệ để đảm bảo tiến độ. Qua giám sát, ông Huỳnh Văn Tiếp còn lưu ý: “Một số DA chậm tiến độ còn do quá trình khảo sát, lập DA còn nhiều khiếm khuyết; trong khi đó, khi phê duyệt DA cấp thẩm quyền cũng không lường hết được các vấn đề phát sinh. Do vậy, nhiều DA thi công giữa chừng phải điều chỉnh, bổ sung hạng mục, làm kéo dài thêm thời gian thi công, phát sinh thêm kinh phí đầu tư”.

Thực tế giám sát cho thấy, việc thiếu tinh thần trách nhiệm của các chủ đầu tư cũng là nguyên nhân chậm trễ của các DA. Có những DA gặp vướng mắc, nhưng chủ đầu tư không đối thoại với dân để giải quyết. Một số sở, ngành, địa phương sợ trách nhiệm, đùn đẩy, ngại tham mưu đề xuất, tổ chức thực hiện. Ông Nguyễn Văn Bê, Chánh Thanh tra thành phố, thành viên Đoàn giám sát, nói: “Một số DA như đường và cầu qua cồn Khương chỉ vướng đường cáp ngầm, dây điện,... mà giải quyết cả năm không xong. Lại có DA khi thực hiện BTTH giá đất giữa 2 phường của 2 quận liền kề nhau lại có giá chênh lệch nhau khá cao (như DA đường Mậu Thân-Sân bay Trà Nóc- PV), dân khiếu nại, làm chậm tiến độ GPMB, thi công của DA nhưng chủ đầu tư chậm kiến nghị, HĐND, UBND đề ra hướng giải quyết...”. Về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố, cho biết: “UBND thành phố đã nhận ra những hạn chế, thiếu sót này và đang chỉ đạo các sở, ngành, quận huyện, chủ đầu tư sớm khắc phục. Đồng thời, yêu cầu các sở ngành tham mưu, đề xuất cho UBND thành phố ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp để chấm dứt tình trạng trên”.

Riêng đối với DA Khu Công nghiệp Hưng Phú I, ông Trần Thanh Cần, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, đề nghị: “Đã đến lúc nhà đầu tư phải chứng minh năng lực tài chính của mình. Vì nếu không đủ năng lực tài chính thì không thể thực hiện DA lớn được và sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển của thành phố”. Để tháo gỡ khó khăn về tài chính cho công ty, ông Cần gợi ý: “Hiện nay, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển đã đăng ký hỗ trợ cho TP Cần Thơ vay 10 ngàn tỉ đồng, Ngân hàng Phát triển nhà đăng ký hỗ trợ cho TP Cần Thơ vay 2 ngàn tỉ đồng. Nếu Công ty có nhu cầu thì có thể liên hệ để được hỗ trợ vay để đẩy nhanh tiến độ thực hiện DA”. Đoàn giám sát cũng đề nghị thu một phần diện tích của Khu công nghiệp Hưng Phú 1 do chủ đầu tư không đảm bảo năng lực tài chính. Bên cạnh những đề xuất, ý kiến liên quan đến từng dự án cụ thể, Đoàn giám sát cũng kiến nghị điều chỉnh tăng mức giá TĐC phân tán, tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương có liên quan, thành lập các tổ chức BTTH, GPMB, TĐC chuyên nghiệp,... để giải quyết những vướng mắc chung về công tác BTTH, GPMB của các dự án xây dựng cơ bản trên địa bàn.

Đồng chí Nguyễn Tấn Quyên, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Trưởng đoàn giám sát, cho biết: “Mặc dù thành phố chỉ đạo quyết liệt đối với công tác XDCB, nhưng tiến độ và kết quả đầu tư chưa ngang tầm với nhu cầu phát triển, nhất là khi thành phố đã trở thành đô thị loại 1. Kết quả giám sát là một trong những cơ sở để Ban Thường vụ Thành ủy xem xét, cho ý kiến, để có những chỉ đạo, tạo cơ chế phù hợp để đẩy nhanh tiến trình xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội thành phố phát triển trong tình hình mới”.

QUỐC - DŨNG

Chia sẻ bài viết