15/02/2009 - 08:14

Đồng bằng sông Cửu Long

Làm gì để cải thiện chỉ số PCI, nâng cao năng lực cạnh tranh?

Đó là câu hỏi bức xúc và nghiêm túc được đặt ra tại hội thảo “Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh- PCI năm 2008 khu vực ĐBSCL” vừa diễn ra tại TP Cần Thơ, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam- chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) tổ chức. Tại hội thảo, một số lãnh đạo địa phương khẳng định phải cải thiện chỉ số PCI để nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương. Trong đó, cải cách thủ tục hành chính là khâu đột phá và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

CẢI THIỆN, NHƯNG CHƯA ĐỀU

ĐBSCL với thế mạnh về cây lúa, trái cây, con cá, tôm... đóng góp rất lớn vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Song, số lượng doanh nghiệp (DN) chỉ chiếm 1/10 DN (khoảng 35.000 DN) và chiếm 4,6% tổng số vốn FDI của cả nước. Năm 2008, qua chỉ số PCI, ở ĐBSCL không có tỉnh nào nằm trong tốp rất tốt (tốp 3), chỉ có 5 tỉnh trong tốp tốt (tốp 10), 6 tỉnh trong tốp khá (tốp 17). So với năm 2007, có 7 tỉnh, thành tụt hạng; 6 tỉnh tăng hạng. Nhưng 6/10 chỉ số thành phần tăng điểm liên tục, gồm: gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, ưu đãi DN nhà nước, tính năng động và thiết chế pháp lý. Tuy nhiên, điểm trung vị của vùng giảm gần 4,5 điểm so với năm 2007; chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân năm 2007 là 4,99 điểm, đến năm 2008 giảm còn 4,05 điểm; chi phí thời gian, các chỉ số về đào tạo lao động, chi phí không chính thức xu hướng cải cách có chiều hướng đảo ngược... Ở một số địa phương dù tăng hạng trong PCI, nhưng không có cải thiện gì đáng kể trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Mặc dù vậy, chất lượng điều hành kinh tế của vùng ĐBSCL cải thiện khá đồng đều qua 3 năm gần đây. Trong 10 tỉnh được đánh giá là cải thiện mạnh mẽ nhất của cả nước, ĐBSCL có 4 tỉnh gồm: Đồng Tháp, Bến Tre, Cà Mau, Long An. Thủ tục đăng ký kinh doanh và gia nhập thị trường năm 2007 là 11,5 ngày đến năm 2008 còn 9 ngày (cả nước 11,94 ngày); chính thức hóa quyền sử dụng đất cũng tăng lên, năm 2007 chỉ 83% DN được cấp, năm 2008 tăng lên 89% (cả nước chỉ 81%); thỏa thuận thuế giữa cơ quan thuế và DN cũng giảm, năm 2007 khoảng 56% DN cho biết phải thỏa thuận với cơ quan thuế về các khoản thuế, con số này năm 2008 chỉ còn 43% (cả nước 36%). Việc tiếp cận thông tin về pháp luật, chính sách phát triển của địa phương, 57% DN cho biết phải có quan hệ thân thiết với cơ quan nhà nước; năm 2008 hơn 51%...

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu môi trường kinh doanh của địa phương nào tốt, DN sẽ quyết định đầu tư, chứ không phải vì chỉ số PCI sụt giảm mà DN không đầu tư. Còn tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho rằng dấu hiệu giảm điểm trong chỉ số PCI là đáng quan tâm. Vấn đề đặt ra là đà cải cách hành chính chậm lại, nhiệt tình cải cách thủ tục đã giảm hay do sự kỳ vọng của DN tăng cao hơn trước, việc cải thiện môi trường kinh doanh không đáp ứng nhu cầu của DN, nhất là ở những thành phố lớn.

 Sân bay Cần Thơ đi vào hoạt động sẽ góp phần thu hút đầu tư vào TP Cần Thơ ngày càng mạnh hơn.
Ảnh: THIỆN KHIÊM

Tại hội thảo, nhiều đại biểu có cái nhìn khá thẳng thắn về việc tăng và tụt hạng của địa phương do còn vướng ở khâu cải cách thủ tục hành chính, cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực... Mặt khác, việc cải thiện và đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông là vấn đề vượt quá tầm của địa phương, do ngân sách địa phương hạn chế, không đủ năng lực để đầu tư. Chính phủ có quan tâm đầu tư đào tạo nguồn nhân lực cho vùng, nhưng mức đầu tư không cao...

Ông Trương Ngọc Hân, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, bức xúc: “Chất lượng nguồn nhân lực thấp ảnh hưởng rất nhiều đến thu hút đầu tư, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài. Bây giờ, DN nước ngoài đến vùng đặt vấn đề thuê giám đốc điều hành tại địa phương là rất khó tìm. Hay chuyện DN trong vùng rất muốn đổi mới công nghệ, đầu tư dây chuyền hiện đại, nhưng tìm người đủ năng lực để vận hành dây chuyền là cả vấn đề nan giải...”.

Một số lãnh đạo trong vùng cũng đồng tình với ý kiến của ông Trương Ngọc Hân và quyết tâm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút DN trong và ngoài nước. Và vấn đề liên kết mang tính vùng được đặt ra, liên kết trên cơ sở hỗ trợ nhau để nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng nguồn lực của địa phương, đồng thời phát huy tiềm năng kinh tế của vùng.

NỖ LỰC CẢI THIỆN MÔI TRƯỜNG KINH DOANH

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nói: “Tới đây, những dự án lớn về giao thông trong vùng hoàn thành sẽ thu hẹp khoảng cách giữa ĐBSCL với các vùng khác cả nước. Cơ sở hạ tầng, đào tạo nhân lực kém, nhưng khu vực DN dân doanh của vùng phát triển khá mạnh mẽ. ĐBSCL là khu vực có PCI đứng thứ 2 cả nước (sau Đông Nam bộ) trong 2 năm gần đây. Thiện chí và tính năng động của chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho DN đến đầu tư và mở rộng sản xuất, kinh doanh”. Theo tiến sĩ Lộc, VCCI sẽ hướng về cơ sở để xây dựng và phát triển DN nhằm giúp các địa phương cải thiện chỉ số PCI để nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiện nay, cả nước có khoảng 350.000 DN và đến năm 2010, sẽ tăng lên 500.000 DN theo quyết định của Chính phủ. VCCI hỗ trợ địa phương xây dựng hệ thống DN thống nhất, xúc tiến thương mại và đầu tư, đồng thời phối hợp cùng Tổ công tác của Chính phủ đẩy mạnh thực hiện Đề án 30 về đơn giản hóa các thủ tục hành chính.

Năm 2008, Cần Thơ tụt 5 bậc (xếp thứ 22 cả nước và thứ 8 trong vùng ĐBSCL), đồng nghĩa với việc môi trường kinh doanh của Cần Thơ kém hấp dẫn hơn một số địa phương khác trong vùng. Ở tỉnh Vĩnh Long, DN chỉ mất 48 ngày, tỉnh Đồng Tháp là 52,5 ngày DN có mặt bằng sản xuất kinh doanh, TP Cần Thơ 75 ngày. Nếu ở Vĩnh Long, 46,28% DN hài lòng với chất lượng dịch vụ đào tạo nghề cho người lao động do cơ quan nhà nước thực hiện; 41,18% DN hài lòng với chất lượng, chính sách phát triển khu, cụm công nghiệp cho DN vừa và nhỏ, thì tại Cần Thơ con số này lần lượt 20,59% và 18,42%.

Ông Trần Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: “Cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư rất quan trọng và đây là vấn đề dài hơi. Song, cần phải có sự liên kết giữa các địa phương trong vùng để hỗ trợ nhau cùng phát triển và khai thác nguồn lực địa phương”. Năm 2009, TP Cần Thơ xác định là năm tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế- xã hội, đặc biệt là hệ thống giao thông đường bộ, chú trọng các giải pháp tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, đẩy mạnh cải cách hành chính...

Tiến sĩ Nguyễn Huỳnh Thanh, Viện Phó Viện kinh tế- xã hội Cần Thơ, đề xuất: “TP Cần Thơ với vai trò trung tâm vùng, cần phải có những chính sách dài hơi để phát triển. Chẳng hạn thành lập vườn ươm DN, xây dựng đề án đào tạo 500 giám đốc DN cho Cần Thơ đến năm 2010 và lập trường đào tạo doanh nhân cho cả vùng. Thành lập văn phòng đại diện ở nước ngoài...”. Tuy nhiên, quan trọng là Cần Thơ cần có chương trình khảo sát tình hình phát triển của DN trên địa bàn, từ đó đưa ra chính sách phát triển thực tế.

Một số lãnh đạo địa phương trong vùng nhìn nhận năng lực cạnh tranh của địa phương kém. Ông Bùi Ngọc Sương, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, nói: “Năm nay Kiên Giang xếp 35 cả nước và thứ 12 khu vực. Sắp tới, chúng tôi sẽ đưa vấn đề này ra HĐND tỉnh để bàn giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện cho DN đến đầu tư. Chỉ số chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân, đào tạo lao động đứng chót cả nước. Mới đây, tôi tiếp đoàn Tham tán Thương mại của Singapore, họ hỏi hiện tại tỉnh có DN Singapore nào đầu tư không và tự đưa câu trả lời: DN nước ngoài ngại đầu tư vào ĐBSCL do hạ tầng cơ sở yếu kém, chất lượng nguồn nhân lực thấp”. Hiện nay, Kiên Giang có 1 dự án FDI đầu tư ở Phú Quốc hơn 1,6 tỉ USD, nhưng việc triển khai dự án rất chậm.

Còn ông Trương Ngọc Hân, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nêu quan điểm: PCI liên quan đến khâu cải cách thủ tục hành chính rất nhiều. Hiện nay, Chính phủ đã triển khai thực hiện đề án 30 về đơn giản hóa thủ tục hành chính, đây là đòn bẩy để địa phương thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, công khai minh bạch... Nếu làm không tốt vấn đề này vẫn tiếp tục gặp khó khăn trong thu hút đầu tư. Việc cải cách hành chính phải theo hướng thống nhất từ Trung ương xuống địa phương. Bởi khi địa phương ban hành một chính sách riêng của mình rất dễ bị “tuýt còi”, vấn đề này trước đây nhiều địa phương trong vùng vướng phải do ban hành chính sách ưu đãi thu hút đầu tư riêng.

Nhiều ý kiến của lãnh đạo địa phương nhìn nhận, kết quả PCI mà VCCI công bố hàng năm là dịp để địa phương nhìn lại mình đã làm được và chưa được những gì trong năm. Qua đó, nỗ lực cải thiện, sửa đổi cách làm việc một cách hiệu quả nhất. Tuy nhiên, trong điều tra PCI 2009 cần cân nhắc nhiều vấn đề như: nhiều DN trả lời là ưu đãi DN nhà nước nhiều hơn DN tư nhân có nhiều điểm chưa chính xác, bởi hiện tại ưu đãi này ngang bằng nhau, hay chi phí không chính thức tăng nhưng không thể hiện rõ là tăng do đâu... Do đó, những câu hỏi được đặt ra trong PCI 2009 cần cụ thể, rõ ràng và DN tham gia nghiêm túc. Bởi điều kiện hạ tầng, kinh tế, tiềm năng không phải địa phương nào cũng thuận lợi.

GIA BẢO

BẢNG XẾP HẠNG PCI KHU VỰC ĐBSCL NĂM 2008

 

Chia sẻ bài viết