29/07/2008 - 09:38

Phim “Vòng nguyệt quế”

Lại thêm một lần người xem thất vọng!

Ba nhân vật chính trong phim “Vòng nguyệt quế”. Từ trái qua: Quang (Lâm Tùng), Hân (Bích Huyền), Thái (Công Dũng). Ảnh: VTV

“Vòng nguyệt quế” (đạo diễn Mai Hồng Phong) là bộ phim truyền hình dài 25 tập, đang chiếu trên sóng VTV1 vào 20 giờ từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần phản ánh lối sống và quá trình lập nghiệp của một số nhà văn, nhà thơ trẻ. Đề tài mới mẻ, diễn viên đẹp, ngay từ đầu đã được khán giả quan tâm, nhưng sau khi phim chiếu một số tập, đã không hấp dẫn người xem vì tình huống nghèo nàn, khiên cưỡng…

Chuyện phim xoay quanh nhóm 3 người bạn yêu thích văn chương là Hân (Bích Huyền), Quang (Lâm Tùng), Thái (Công Dũng). Cuộc đời họ có những ngã rẽ khác nhau. Rất dễ thấy chủ đề tư tưởng của bộ phim muốn chuyển tải thông điệp: bước đường tạo dựng sự nghiệp của những người trẻ không chỉ có hoa hồng và thảm đỏ mà còn nhiều thử thách, chông gai, nếu không tỉnh táo và không có bản lĩnh thì họ sẽ dễ dàng lạc hướng và thất bại.

Trước khi công chiếu, “Vòng nguyệt quế” đã được quảng cáo tương đối “xôm tụ” để thu hút khán giả, được giới thiệu nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng: nào là đề tài mới mẻ, dàn diễn viên tên tuổi, trẻ đẹp và đạo diễn Mai Hồng Phong từng nổi tiếng qua các phim “Đèn vàng”, “Luật đời”... khiến khán giả nao nức chờ xem.

Sau khi theo dõi diễn biến qua một số tập, thất vọng đầu tiên đối với khán giả là các nhân vật trong phim được giới thiệu những người tri thức nhưng có lối sống và cách cư xử rất lạ. Hân- nhân vật nữ chính được xây dựng là người xinh đẹp, có tài và cá tính. Vậy mà Hân lại đối xử với cha mẹ bằng thái độ thiếu tôn trọng, đôi khi hỗn hào. Một cô gái có bản lĩnh, lẽ nào Hân dễ dàng và mau chóng gục ngã trước những lời tỏ tình ngọt ngào, điêu luyện của người đàn ông là Phan Long, để rồi trượt dài trong lối sống yêu đương phóng túng...? Nhà thơ Thái vì thất tình và chán đời mà ngày càng sa đọa: trở thành con nghiện và sống bám Mai- một cô gái đứng đường. Phan Long là dịch giả nổi tiếng kiêm tổng biên tập một tờ báo nhưng bản chất là một “ngụy quân tử”, nhiều thủ đoạn trong nghề nghiệp và tình trường. Phóng viên Hạ Liên vì ghen tức với Hân mà luôn tìm mọi cách hại cô. Giám đốc nhà xuất bản, nhà phê bình và thậm chí... cả thầy giáo đều háo sắc...

Những tình tiết diễn biến của phim nhiều chỗ khiến khán giả khó hiểu. Điển hình là nhân vật Thái: Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sống với chú và tự lập khi trưởng thành, Thái sống nghiêm túc và có lý tưởng trong nghề nghiệp. Và thật không lô-gích khi trong chốc lát nhân vật này lại dễ dàng trở thành một người bạc nhược, sa ngã, sống bất cần. Lý giải nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi là do Thái thất tình, sự nghiệp bế tắc và bị một đám lưu manh đè xuống chích ma túy vào tay khi đi lang thang ngoài đường... là không ổn - những tình tiết đó gượng ép và thiếu thuyết phục. Thái không muốn ai thương hại mà lại dễ dàng chấp nhận để cô gái điếm nuôi mình(!). Một tình tiết vô lý khác khiến người xem bật cười là: trong đợt lập lại trật tự ở công viên, Thái bị công an đưa về đồn vì không mang theo giấy tờ. Công an yêu cầu Thái chứng minh nghề nghiệp của mình bằng cách ứng tác một bài thơ thì mới tin và thả ra.

Sự chuyển biến tâm lý của nhân vật cũng đột ngột và rất “sượng”. Ví dụ như Hân vừa chia tay với ông Long xong đã dễ dàng yêu, vui vẻ với Quang mà không hề do dự. Sau đó, cô vội vàng đề nghị được làm người yêu của Thái khi tội nghiệp anh ta đau khổ và lên cơn nghiện...

Càng xem phim, những yếu tố làm nên mạch phim khá mờ nhạt, không đủ sức lôi kéo khán giả ngồi trước màn ảnh nhỏ theo dõi bộ phim đến cùng. Lại thêm một thất vọng cho phim truyền hình Việt!

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết