 |
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Á Châu chi nhánh Cần Thơ. Ảnh: A.K |
Cuộc họp các thành viên của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam ngày 22 và 24-3-2008 đã đi đến sự đồng thuận của 100% hội viên về trần lãi suất (LS) huy động đồng Việt Nam và USD. Theo đó, từ ngày 2-4-2008, LS huy động đồng Việt Nam kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống là 10,5%/năm; kỳ hạn trên 6 tháng là 11%/năm; LS huy động bằng ngoại tệ tối đa 6%/năm. Nếu LS huy động giảm, LS cho vay cũng sẽ giảm theo, các ngân hàng sẽ giảm được chi phí đầu vào, doanh nghiệp giảm được rủi ro khi vay nợ và mạnh dạn hơn khi đầu tư sản xuất.
* LÃI SUẤT ĐỒNG VIỆT NAM DẦN ỔN ĐỊNH
Theo nhận định của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, tình trạng mất cân đối vốn khả dụng của một số tổ chức tín dụng (TCTD) đã được khắc phục. Vốn khả dụng toàn hệ thống ngân hàng sau khi cân đối cho dự trữ bắt buộc và mua tín phiếu Ngân hàng Nhà nước sau ngày 17-3 vừa qua vẫn còn dư hơn 14.000 tỉ đồng.
Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam cũng cho biết: Tuần qua, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chào mua giấy tờ có giá 1 phiên/ngày trong tuần qua với khối lượng 1.000 tỉ đồng/phiên, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 9%/năm để hỗ trợ các TCTD nhưng trong các phiên chào mua từ ngày 20 đến 25-3-2008 không có thành viên tham gia.
Thông cáo báo chí ngày 28-3-2008 của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy tình hình LS trên thị trường liên ngân hàng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Từ 24 đến 28-3-2008, theo báo cáo nhanh của các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước, các mức LS giao dịch có xu hướng giảm: LS cho vay qua đêm ở mức 5-7%/năm, kỳ hạn 1 tuần từ 7-7,5%/năm, kỳ hạn 1 tháng từ 9-10%/năm; các chi nhánh ngân hàng nước ngoài giao dịch qua đêm với LS khoảng 3-4,5%/năm. LS huy động, cho vay bằng đồng Việt Nam của các TCTD tương đối ổn định so với tuần trước. LS huy động kỳ hạn 12 tháng phổ biến ở mức 10,13% đối với ngân hàng thương mại Nhà nước, 11,78% đối với ngân hàng thương mại cổ phần. LS cho vay phổ biến tại khối ngân hàng thương mại Nhà nước khoảng 14,6%/năm (ngắn hạn), 13,5-16,2%/năm (trung và dài hạn); tại các ngân hàng thương mại cổ phần, LS cho vay lần lượt là 18,42%/năm và khoảng 21,85%/năm.
Về tỷ giá, sau khi triển khai các biện pháp: các TCTD được phép hoạt động ngoại hối được Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ mua ngoại tệ, trong đó, chủ yếu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu..., thị trường ngoại hối đã thay đổi tích cực. Sau một thời gian dài giảm, tỷ giá USD/VND trên thị trường tăng mạnh. Ngày 28-3-2008, tỷ giá của các ngân hàng thương mại đang giao dịch quanh mức 16.080-16.120 đồng/USD. Trên thị trường tự do, tỷ giá mua bán USD/VND cũng biến động tăng, hiện phổ biến ở mức 16.170-16.220 đồng/USD, tăng 3% so với ngày 20-3-2008. Các ngân hàng thương mại đang tích cực mua ngoại tệ trên thị trường để tăng mức trạng thái ngoại tệ nắm giữ...
* DIỄN BIẾN MỚI
Nhiều ý kiến cho rằng những diễn biến trên thị trường tiền tệ thời gian qua cho thấy sự lúng túng trong điều hành ở cấp vĩ mô. Từ việc áp dụng liên tiếp một loạt biện pháp trong tháng 2-2008 để hút tiền ra khỏi lưu thông nhằm kềm chế lạm phát. Để rồi sau đó Ngân hàng Nhà nước phải liên tiếp bơm ra thị trường hàng chục ngàn tỉ đồng để “hạ nhiệt” cơn sốt tiền đồng đẩy LS huy động tăng quá cao. Đến cuối tháng 2, Ngân hàng Nhà nước lại phải khống chế trần LS huy động tiền đồng không quá 12%/năm. Lúc này, trên thị trường chỉ có một vài ngân hàng áp dụng LS vượt 12%/năm. Sau đó, một loạt các ngân hàng khác điều chỉnh tăng LS huy động các kỳ hạn lên 12%/năm, cộng thêm những “chiêu” cạnh tranh khác như: LS 12%/năm lãnh lãi trước, tặng quà khuyến mãi, tiết kiệm dự thưởng... Và mức LS cho vay đồng Việt Nam cũng đã lên ở mức cao ngất ngưởng như hiện nay: từ 1,2-1,8%/tháng.
Với mức trần LS huy động mới sẽ được áp dụng từ ngày 2-4, nguyên tắc LS thực dương (lãi suất cao hơn lạm phát) trong định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước từ trước đến nay không thể đảm bảo. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá cả tiêu dùng (CPI) tháng 3-2008 đã tăng đến 9,19% so với tháng 12-2008, CPI bình quân trong quý 1-2008 đã tăng hơn 16,3% so với cùng kỳ năm 2007.
Thực tế từ sau ngày 24-3-2008, sau khi các thành viên phía Nam của Hiệp hội Ngân hàng đạt sự đồng thuận 100% về trần LS huy động, trong đó có LS huy động USD không quá 6%/năm thì nhiều ngân hàng đã tăng LS huy động USD. ACB ngày 26-3-2008 tăng LS huy động USD tất cả các kỳ hạn với mức tăng từ 0,15-0,35%/năm; kỳ hạn có LS cao nhất ở mức 6%/năm. VPbank cũng điều chỉnh LS huy động USD từ ngày 27-3-2008, với LS nhiều kỳ hạn cao hơn 6%/năm, từ 6,2-7%/năm...
Ông Lê Văn Tám, Giám đốc Ngân hàng Việt Á chi nhánh TP Cần Thơ, cho biết: “Mới đây, hội sở đã có chỉ thị tăng cường huy động vốn bằng USD do nhu cầu vay vốn bằng USD đã tăng trở lại và điều chỉnh LS huy động USD tăng lên 6%/năm kỳ hạn từ 1-12 tháng. Trước chủ trương hạn chế tăng trưởng tín dụng để kiểm soát chất lượng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng Việt Á đã quyết định hạ chỉ tiêu dư nợ năm 2008 từ 12.000 tỉ đồng xuống còn 8.600 tỉ đồng”.
Eximbank chi nhánh Cần Thơ cũng cho biết ngân hàng này hiện đã ngưng cho vay bằng USD do dư nợ cho vay đã cao hơn huy động. Chủ trương của hội sở là các chi nhánh tự tìm nguồn huy động USD, cân đối nguồn vốn để cho vay. Tùy theo đối tượng vay, tài sản đảm bảo, LS vay USD ngắn hạn của ngân hàng ở mức 12-13%/năm; trung hạn (từ trên 12-60 tháng) lãi suất 12-13% năm đầu, từ năm thứ 2, áp dụng bằng mức LS huy động tiết kiệm 12 tháng cộng biên độ từ 6,5-7,5%/năm; dài hạn (trên 60 tháng), từ năm thứ 2, LS áp dụng bằng mức LS tiết kiệm 12 tháng cộng biên độ từ 6,7-7,7%/năm. Ngân hàng này sau một thời gian ngừng nhận hồ sơ vay mới đã cho vay tiền đồng bình thường trở lại từ ngày 24-3-2008, LS từ 1,45-1,8%/tháng.
Ông Vũ Hoàng Nam, Giám đốc ACB chi nhánh Cần Thơ, nói: “Về những thay đổi trong chính sách của Ngân hàng Nhà nước, ACB không bị động. Do Ngân hàng Nhà nước thường có khuyến cáo để các ngân hàng thương mại chủ động trước khi có thay đổi về chính sách. Những khó khăn vừa qua là điều kiện để các ngân hàng phát hiện những điểm yếu và khắc phục, đồng thời thận trọng hơn trong việc đề ra và thực hiện các mục tiêu tăng trưởng. Còn Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tăng cường kiểm soát tốt hơn trong thời gian tới”.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, những năm gần đây, Ngân hàng Nhà nước cấp phép cho thành lập quá nhiều ngân hàng mới nhưng việc kiểm soát chưa tốt. Nhiều ngân hàng liên tiếp mở rộng mạng lưới trong khi nguồn lực chưa đảm bảo; cho vay cao hơn nhiều so với mức huy động, mất cân đối nguồn vốn, bị động trước sự thay đổi của chính sách tiền tệ, dẫn đến tình trạng cạnh tranh chạy đua nâng LS làm rối loạn thị trường trong thời gian qua. Nếu tình trạng này không sớm được khắc phục thì liệu LS có thể dần ổn định trở lại như một số chuyên gia nhận định?
KIM XUYẾN