11/01/2014 - 19:17

Lạc quan với “bức tranh” kinh tế 2014

Năm 2013, dù một số chỉ tiêu kinh tế- xã hội chưa đạt kế hoạch đề ra, nhưng theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, GDP năm 2013 ước tăng 5,42% so với năm 2012. "Bức tranh" kinh tế năm 2013 đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức, tổng cầu nội địa giảm, đầu ra xuất khẩu vướng nhiều rào cản… đã tác động trực tiếp đến thu- chi ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động. Song, cái được của năm 2013 là sự linh hoạt trong sử dụng công cụ điều hành chính sách, các chính sách tài khóa- tiền tệ phát huy tác dụng đã kịp thời gỡ khó cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Sang năm 2014, nhiều dự báo lạc quan về nền kinh tế vĩ mô, Quốc hội đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,8%, CPI dưới 7%.

"Bức tranh" kinh tế 2014 dù sáng hơn, nhưng cũng không ít lo ngại do năm 2014 vẫn sẽ là bội chi ngân sách và nợ công. Quốc hội đã cho phép nâng trần bội chi ngân sách từ 4,9% lên 5,3% và chấp thuận phát hành bổ sung 170.000 tỉ đồng trái phiếu giai đoạn 2014-2016 để có thêm nguồn tiền phát triển. Tính đến 31-12-2013, tỷ lệ nợ công so với GDP đã là 57,3%, dù chưa vượt ngưỡng 65% mà Quốc hội đã thông qua, song hệ số an toàn nợ của Việt Nam đang giảm do phần trả lãi và chi phí ngày càng lớn, trong khi dự trữ ngoại hối so với tổng nợ thấp. Ngoài ra, tình trạng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Một số ý kiến cho rằng cần chính sách tài khóa và tiền tệ chặt chẽ hơn, có sự nối kết để giám sát thu- chi, tránh thất thu, chống lãng phí và lành mạnh hóa thị trường tài chính, tiền tệ. Đặc biệt là kiểm soát nợ công, đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tăng kiểm soát đầu tư công và cần cuộc "đại tu" toàn bộ hệ thống tài chính để tăng sự minh bạch thị trường tiền tệ.

Năm 2014, mục tiêu Chính phủ đặt ra vẫn ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,8% so với năm 2013 có thể đạt được nếu Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội trong mở rộng thương mại, tận dụng ưu đãi thuế từ các Hiệp định thương mại tự do và thu hút các nguồn vốn bên ngoài. Song song đó, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, ổn định tỷ giá, lãi suất cho vay để tăng niềm tin cho doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.

G.B

Chia sẻ bài viết