20/02/2013 - 21:02

Đọc “Gần như là sống”

Lạc lõng trước đời sống phố thị

"Gần như là sống" là tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Đỗ Phấn. Đọc sách ta cảm nhận được niềm trăn trở, bức bối của một "người cũ" luôn cố gắng gìn giữ nhân cách trước dòng chảy xô bồ nơi phố phường hiện đại...

Sách do NXB Trẻ phát hành quý I năm 2013.

 

Chuyến du ngoạn miền biển không làm cho kiến trúc sư Thành vơi đi nỗi buồn về cuộc hôn nhân vừa đổ vỡ. Trở lại nơi Thành sinh ra và lớn lên thì anh cảm thấy xa lạ: khu phố cổ kính xưa giờ khoác lên bộ mặt phố phường hiện đại tràn ngập sự bon chen, nhốn nháo cùng với một "rừng người" toan tính, thực dụng. Sự lạ lẫm về tình đời, tình người khiến Thành cảm thấy lạc lõng, cô đơn… Anh quyết định từ bỏ công việc văn phòng để thực hiện niềm đam mê thuở nhỏ - trở thành họa sĩ. Nhưng mong ước tìm ra hướng đi mới và niềm vui mới của Thành không trọn vẹn: Thành bắt đầu có tiếng tăm trong giới hội họa, có nhiều tiền nhưng anh vẫn không tìm được hạnh phúc khi những người phụ nữ mà anh tin tưởng sẽ gắn kết lâu dài lại giả dối, thực dụng…

Hầu hết tiểu thuyết của nhà văn Đỗ Phấn đều hướng đến đời sống đô thị, mà tâm điểm là con người. Cái nhìn sâu sắc về tầng lớp thị dân có tốt, có xấu của Đỗ Phấn đã làm nổi bật lên bức tranh "nửa tối nửa sáng" của bộ mặt phố phường. Trong "Gần như là sống", hành trình đi tìm giá trị sống đích thực và sự đau đáu trước đạo đức, nhân cách con người đang bị cuốn theo vòng xoáy "vật đổi sao dời" của lối sống hiện đại hối hả - của nhân vật Thành trong câu chuyện làm người ta nhói lòng. Anh đã lầm lũi bước chậm rãi trên đường vào mỗi buổi sáng để chứng tỏ "mình vẫn là một phần của thành phố" nhằm để che đậy sự đau đớn bên trong là nơi anh sống bây giờ "mình thuộc về nó nhưng nó đã thuộc về những ai ai".

Người đọc cảm nhận sự mòn mỏi, thất vọng của Thành khi những con người xung quanh - những người bạn, người quen… mải mê với lợi ích cá nhân, tôn thờ sự tự do, hiện đại, mới mẻ: vợ cũ của Thành chấp nhận lấy một ông chồng đáng tuổi cha chú để hưởng tài sản; Phi - bạn thân của Thành chạy theo những cuộc tình chớp nhoáng và "hả hê" kiếm tiền bằng sự tinh ranh của một tay chợ đen; Trọng - một anh chàng trẻ tuổi chỉ biết sống bám phụ nữ, hay cô nàng xinh đẹp Khánh Ly vẻ ngoài đoan trang, nết na để che đậy tính dễ dãi, ham tiền lén lút qua lại với lão sếp… Cho nên sự khác biệt về lối sống, hành động của Thành với "tầng lớp thị dân mới" khiến anh trở thành một kẻ "lạc thời": "… một thị dân như tôi đã bị nông thôn hóa ngay ở chính nơi mình sinh ra và lớn lên? Có một thành phố khác đang mọc lên trong thành phố. Nó nhìn tôi bằng con mắt đắc thắng và có phần thương hại. Tôi không chỉ là một thị dân cũ mà còn chính là cái thành phố cũ kĩ đang dần mòn biến mất" (Trang 266). Thành loay hoay tìm lối thoát và giải tỏa bằng những chuyến đi khỏi phố phường. Và việc từ bỏ công việc nhàn hạ để theo đuổi ước mơ (dù không trọn vẹn) của Thành phải chăng là một kiểu phản kháng thầm lặng để gìn giữ giá trị đạo đức còn lại trước sự biến động của cuộc đời? Hồi kết của mỗi nhân vật trong câu chuyện giúp người ta rút ra bài học đáng suy ngẫm để nhìn lại chính mình: Trọng yếu hèn, nhu nhược bị cô vợ giàu có quản thúc, coi khinh; Phi dở dở điên điên sau tai nạn của cú vượt đèo trên đường đi vận chuyển hàng, còn Khánh Ly bị vợ của lão trưởng phòng đánh ghen, lăng nhục tại nơi làm việc…

Nhà báo Đỗ Quang Hạnh đã viết cảm nhận trên bìa của cuốn sách: "…cái thế giới màu sắc trong văn của Đỗ Phấn như không màu, hoặc chỉ là một thứ màu bàng bạc xam xám và nặng trĩu. Nhưng đó là một thứ màu sắc ân tình đầy trách nhiệm và tin vào khát vọng hướng về cái đẹp của mỗi con người".

BÍCH VÂN

Chia sẻ bài viết