11/06/2010 - 22:52

Kỳ vọng tuyến đường hành lang ven biển phía Nam

Đầu tháng 6-2010, Thứ trưởng Thường trực Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Ngô Thịnh Đức cùng đoàn công tác của các tổ chức tài trợ quốc tế và lãnh đạo TP Cần Thơ, các tỉnh An Giang, Kiên Giang đã có chuyến khảo sát trên tuyến đường hành lang ven biển phía Nam (đoạn TP Cần Thơ - cửa khẩu Xà Xía, Kiên Giang) với mục đích mời gọi các đối tác tài trợ xây dựng các cầu trên trục hành lang ven biển phía Nam để kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long.

Giao thông liên hoàn

Các chuyên gia, nhà tài trợ quốc tế theo dõi thuyết minh về công trình cầu Vàm Cống. 

Nam bộ hiện nay chỉ có tuyến hành lang Đông - Tây duy nhất là tuyến đường Xuyên Á từ TP Hồ Chí Minh - Phnom Penh (Campuchia), đã được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng. Tuyến đường ven biển phía Nam sẽ là hành lang thứ hai xuyên qua 3 quốc gia thuộc tiểu vùng Mekong là Việt Nam, Campuchia và Thái Lan. Toàn bộ tuyến hành lang ven biển nối liền 3 quốc gia có tổng chiều dài khoảng 1.000km, từ Bangkok (Thái Lan), qua Koh Kong, Sihanoukville (Campuchia) về Hà Tiên, Rạch Giá và Cà Mau. Hiện tuyến đường trên địa phận Thái Lan đã được xây dựng, đoạn qua Campuchia chỉ còn khoảng 34 km từ KamPongTrach đến cửa khẩu Lorg. Còn trên địa phận Việt Nam, tuyến đường này bắt đầu từ cửa khẩu Hà Tiên, chạy theo quốc lộ (QL) 80 hiện hữu, đi qua các thị trấn, thị tứ ven biển phía Tây như: Kiên Lương, Hòn Đất, Sóc Sơn (Kiên Giang). Đến Rạch Giá, tuyến đường sẽ đi tránh thành phố và sân bay Rạch Sỏi, trở thành tuyến đường vành đai của TP Rạch Giá. Sau đó, tuyến đường sẽ nối vào QL61 để đi đến Minh Lương, rồi từ ngã ba Minh Lương (giao giữa QL61 - QL63), tuyến đường sẽ đi theo QL63, vượt qua hai con sông Cái Lớn và sông Cái Bé (phà Xẻo Rô và phà Tắc Cậu) để đến An Biên và thị trấn Thứ Bảy (Kiên Giang). Từ thị trấn Thứ Bảy, tuyến hành lang không đi theo QL63 nữa, mà sẽ xây dựng một tuyến hoàn toàn mới, đi dọc theo sông Trẹm (vùng đệm của U Minh Thượng và U Minh Hạ) để đến thị trấn Thới Bình, rồi đến TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau), nối với tuyến QL1A đoạn Cà Mau - Năm Căn.

Theo Bộ GTVT, về quy mô tuyến đường, đối với các đoạn tuyến do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Australia tài trợ vốn (chủ yếu là đoạn tuyến mới) sẽ có nền đường rộng 9m và mặt đường rộng 7m; còn các đoạn tuyến do Hàn Quốc tài trợ vốn sẽ có nền đường là 12m, mặt đường 7m. Giai đoạn 2 của dự án cũng đang được chuẩn bị, sau khi tiếp nhận khoản viện trợ không hoàn lại của ADB sẽ đầu tư hoàn chỉnh lại dự án giai đoạn 2, để triển khai thực hiện sau khi kết thúc giai đoạn 1, chủ yếu là xây dựng các tuyến đường tránh các thị trấn: Kiên Lương, Hòn Đất, Sóc Sơn và mở rộng QL80 hiện hữu đoạn từ Rạch Giá - Hà Tiên.

Tuyến hành lang ven biển phía Nam không chỉ có hai tỉnh là Kiên Giang và Cà Mau, mà còn tác động đến cả vùng có liên quan gồm: TP Cần Thơ, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu và Sóc Trăng. Tuyến đường sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế biển, giúp xóa đói giảm nghèo, nhất là vùng ven biển thuộc bán đảo Cà Mau. Đây là vùng từ trước tới nay chưa có trục giao thông đường bộ chính, toàn bộ vùng U Minh Thượng chưa có đường bộ, giao thông chủ yếu là đường thủy, đa số người dân còn nghèo khó. Khi xây dựng xong các tuyến tránh các thị trấn, thị xã và thành phố, tuyến hành lang này sẽ hỗ trợ cho quy hoạch phát triển các chuỗi đô thị.

Mời gọi xây cầu thay phà

Bắc cầu Vàm Cống, sông Hậu sẽ có thêm một cây cầu được bắc qua. 

Tuyến đường hành lang ven biển phía Nam này còn 4 chiếc cầu đang mời gọi các nhà tài trợ đầu tư xây dựng gồm: Cầu Cao Lãnh (Đồng Tháp), cầu Vàm Cống (Cần Thơ), cầu Xẻo Rô và cầu Tắc Cậu (Kiên Giang). Trong đó, cầu Cao Lãnh và cầu Vàm Cống là dự án kết nối khu vực trung tâm vùng đồng bằng Mekong nối vào tuyến đường ven biển phía Nam. Ai cũng nhận ra rằng, sự tồn tại của phà Cần Thơ gần 100 năm qua đã làm cho Đồng bằng sông Cửu Long không thể phát triển nhanh và những lợi ích to lớn khi cầu Cần Thơ đưa vào sử dụng thời gian qua. Chính vì vậy, những chiếc phà trên 4 dòng sông nêu trên cần sớm được thay thế bằng những chiếc cầu vĩnh cửu, hiện đại ...

Theo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT), dự án cầu Vàm Cống thuộc dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mekong đang được các nhà tài trợ ADB, AusAID, EDCF và Chính phủ Việt Nam (tại hội nghị liên hợp giữa các nhà tài trợ tổ chức ngày 25-11-2009), thống nhất thực hiện theo phương án 2C bao gồm 6 thành phần như sau: Cầu Cao Lãnh và đường dẫn (dài 8,5km); tuyến nối Cao Lãnh - Vàm Cống (15,6km); cầu Vàm Cống và đường dẫn (5,8km); tuyến nối QL 92 và tuyến tránh TP Long Xuyên (17,4km); tuyến QL91 - Long Xuyên (5,7km); và tuyến Mỹ An - Cao Lãnh (25km). Tổng chiều dài của dự án kết nối khu vực trung tâm đồng bằng Mekong 78km, tổng dự toán đầu tư khoảng 925,6 triệu USD. Hiện tại, các báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định hồ sơ, dự kiến cuối tháng 11-2010 tư vấn sẽ báo cáo lần cuối cùng và sau đó sẽ tiến hành thiết kế chi tiết... Theo thiết kế sơ bộ, chỉ riêng cầu Vàm Cống nằm cách bến bắc Vàm Cống khoảng 1km về phía hạ lưu thuộc khu vực Thới Hòa, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt (trên tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, QL 80) nối với QL54 thuộc địa phận tỉnh Đồng Tháp, có chiều dài khoảng 2,9km, gồm 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, tổng vốn đầu tư trên 200 triệu USD. Cầu Cao Lãnh cũng có thiết kế qui mô tương đương với cầu Vàm Cống, cầu có chiều dài 2,1km, tổng vốn đầu tư gần 200 triệu USD.

Thứ trưởng Thường trực Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức, cho biết: Trên tuyến hành lang ven biển phía Nam hiện nay, cầu Đầm Cùng đang xây dựng phấn đấu đầu năm 2011 hoàn thành, cầu Năm Căn đã có nhà tài trợ, dự kiến trong năm 2011 sẽ khởi công xây dựng. Chúng tôi đang tiếp tục khẩn trương mời gọi tài trợ đầu tư 4 cầu còn lại (gồm: cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, cầu Xẻo Rô và cầu Tắc Cậu) trên tuyến này. Khi tất cả 6 chiếc cầu nêu trên hoàn thành, giao thông đường bộ hành lang ven biển phía Nam sẽ hoàn thiện, hệ thống giao thông vùng ĐBSCL sẽ thông suốt, không còn cách trở đò giang...

Sau chuyến khảo sát vừa rồi, các nhà tài trợ đã đánh giá được tính khả thi của các dự án này và ghi nhận, hứa hẹn hợp tác với tinh thần tích cực. Thứ trưởng Thường trực Bộ GTVT Ngô Thịnh Đức kỳ vọng rằng, cùng với các công trình đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương và các cầu Cần Thơ, Rạch Miễu, các tuyến đường Nam sông Hậu, Quản Lộ - Phụng Hiệp, dự án đường hành lang ven biển phía Nam hoàn thành sẽ hình thành một hệ thống giao thông đường bộ rộng mở, thông suốt, tạo điều kiện cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long cất cánh.

Bài, ảnh: AN KHÁNH

Chia sẻ bài viết