Tại buổi họp báo công bố tình hình hoạt động ngành ngân hàng trong tháng 8-2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã thông tin về lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn hạn, 9-11%/năm đối với trung và dài hạn. So với nhiều tháng trước đó, mặt bằng lãi suất cho vay ổn định. Tăng trưởng tín dụng trong 8 tháng đạt khoảng 9,09% so với cuối năm 2015; mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2016 từ 16-18% có khả năng đạt được. Trong tuần đầu tháng 9-2016, mặt bằng lãi suất cho vay VND của các tổ chức tín dụng (TCTD) đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm (ngắn hạn), các ngân hàng thương mại nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.
Trên thị trường liên ngân hàng tuần đầu của tháng 9-2016, lãi suất bình quân VND có xu hướng tăng ở hầu hết các kỳ hạn chủ chốt dưới 1 tháng. Cụ thể, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng tăng lần lượt lên mức 0,55%/năm, 0,60%/năm và 1,94%/năm. Đối với các giao dịch USD, lãi suất bình quân liên ngân hàng cũng tăng; các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng ở các mức 0,45%/năm, 0,51%/năm và 0,70%/năm. Cùng đó, mặt bằng lãi suất huy động bằng VND tuần đầu tháng 9-2016 phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm với kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm. Lý giải về nguyên nhân mặt bằng lãi suất cho vay ổn định, không tăng, trong khi một số ngân hàng tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn ngắn hạn, một số chuyên gia cho rằng, tình trạng này chỉ xảy ra cục bộ ở một số ngân hàng quy mô trung bình. Thanh khoản ngân hàng đang dư thừa, nên mức tăng lãi suất huy động của một số ngân hàng khó tác động làm thay đổi mặt bằng lãi suất cho vay.
Thực tế khác, ý kiến của chuyên gia cho rằng, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế từ nay đến cuối năm không có biến động lớn. Theo khẳng định của lãnh đạo NHNN, từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ sử dụng các công cụ cố gắng ổn định lãi suất thị trường, cân đối nguồn vốn để phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Nhiều ngân hàng cũng đang nỗ lực để tìm kiếm khách hàng tốt, tài chính minh bạch để đẩy vốn vào sản xuất, kinh doanh, nhưng để ký được hợp đồng với khách hàng này, các ngân hàng phải cạnh tranh bằng lãi suất. Điều này cũng đồng nghĩa với việc khách hàng tốt sẽ vay vốn với lãi suất thấp. Cùng đó, NHNN đang siết thị trường tín dụng nhằm minh bạch thị trường, kiểm soát dòng vốn ra thị trường. Chẳng hạn Công văn số 6960/2016/NHNN-TTGSNH ngày 16-9-2016 về việc chấn chỉnh vay mới trả nợ trước hạn hoặc cấp tín dụng theo hình thức cho vay tuần hoàn của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Cho vay tuần hoàn (rollover loan) là khoản vay mà ngân hàng cho phép người vay, sau một thời gian vay cụ thể, được tiếp tục nợ tiền vay sau ngày trả nợ khoản vay mà người vay đồng ý trả lãi suất ở mức cụ thể và phải trả lại tiền vay tại một thời gian cụ thể. Theo đó, NHNN yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thu hồi toàn bộ nợ gốc và lãi suất khi hết thời hạn vay đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng với khách hàng, không được tái tục toàn bộ hoặc một phần khoản nợ gốc đã cho vay. NHNN cũng yêu cầu các chi nhánh NHNN tỉnh, thành cả nước thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp làm sai quy định của NHNN. Dù còn nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này, nhưng sự quyết liệt của NHNN trong việc siết lại cơ chế, minh bạch thị trường và đánh giá đầy đủ, sát thực hơn về chất lượng tín dụng trong tình hình hiện nay. Bởi thực tế, có doanh nghiệp vay vốn ở nhiều ngân hàng, việc chấn chỉnh cho vay tuần hoàn có thể ảnh hưởng ít nhiều đến ngân hàng và doanh nghiệp vay vốn, nhưng NHNN sẽ kiểm soát được dòng vốn ra thị trường; đồng thời nhận diện khả năng trả nợ của khách hàng.
Song Nguyên