Quý I-2024, có đến 28,4% doanh nghiệp (DN) ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nhận định tình hình sản xuất kinh doanh sẽ khó khăn hơn quý IV-2023. Cả chặng đường năm 2023, sự suy giảm nhu cầu thị trường đã tác động tiêu cực đến hoạt động của ngành sản xuất. Song, các DN vẫn đặt kỳ vọng, lạc quan vào năm 2024.
Thị trường phục hồi chưa vững
Theo dữ liệu về PMI (Chỉ số nhà quản trị mua hàng) năm 2023 do S&P Gloabal công bố, ngành sản xuất của Việt Nam kết thúc trong tình trạng suy giảm. Sức khỏe của ngành sản xuất Việt Nam yếu kém trong hầu hết năm 2023, chỉ cải thiện nhẹ trong tháng 2 và tháng 8 (Chỉ số PMI vượt ngưỡng 50 điểm, với mức điểm lần lượt là 51,2 và 50,5 điểm), trong khi có đến 10 tháng PMI dưới ngưỡng 50 điểm. Điều này cũng cho thấy, các điều kiện kinh doanh của ngành sản xuất suy giảm đáng kể, trong khi chi phí đầu vào tăng nhanh, nhà sản xuất vẫn khó tăng giá bán, bởi lo ngại khách hàng sẽ rời bỏ họ.
Báo cáo của S&P Global tại Việt Nam cũng nhận định, chỉ số PMI trung bình của nhà sản xuất Việt Nam năm 2023 ở mức thấp hơn cả so với thời điểm dịch COVID-19 bùng phát năm 2020. Điều này cũng cho thấy, sự phục hồi kinh tế sau đại dịch vẫn chưa vững chắc, bởi nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, nên chịu tác động mạnh từ sự suy giảm của tổng cầu trên thế giới.
Còn theo kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý IV-2023, dự báo quý I-2024 của Tổng cục Thống kê thực hiện, tỷ lệ phản hồi của 5.749 DN (chiếm 88,4% tổng số DN được chọn mẫu điều tra) đại diện cho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ở 63 tỉnh, thành cả nước, cho thấy, quý IV-2023, có đến 30,4% DN nhận định sản xuất kinh doanh khó khăn hơn. Chỉ số cân bằng đặt hàng mới quý IV so với quý III-2023 là -1,9% (có 29,2% DN nhận định đơn hàng mới tăng, trong khi có tới 31,1% cho biết đơn đặt hàng mới giảm). Trong đó, khu vực DN nhà nước là 1,8%; khu vực DN nhà nước -6,4%; khu vực FDI âm -9,1%.
Trong số các DN trả lời khảo sát, quý IV có 32,6% DN nhận định có đơn hàng xuất khẩu mới giảm so với quý III-2023. Chỉ có 22,4% cho biết tăng và 45% giữ nguyên đơn hàng xuất khẩu mới ở quý cuối năm 2023. Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất da và các sản phẩm có liên quan có tỷ lệ DN nhận định về đơn hàng xuất khẩu quý cuối năm tăng cao nhất với 30,6%. Còn ngành sản xuất máy móc thiết bị có đơn hàng xuất khẩu giảm nhiều nhất với 44,3%.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy, quý cuối năm 2023, công suất sử dụng máy móc, thiết bị bình quân của các DN ngành chế biến, chế tạo chỉ đạt 72,5% (tương đương với quý III-2023. Theo ngành kinh tế, ngành sản xuất xe có động cơ có công suất sử dụng máy móc thiết bị cao nhất với 79,6%. Ngành chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) và ngành sửa chữa, bảo dưỡng; lắp đặt máy móc và thiết bị có công suất sử dụng máy móc là 65,9%... Có thể thấy rằng, sự phục hồi thiếu vững chắc của thị trường trong và ngoài nước đã tác động mạnh đến các DN ngành chế biến, chế tạo.
Theo khảo sát của S&P Gloabal tại Việt Nam, các nhà sản xuất Việt Nam đã giảm sản lượng trong tháng 12-2023 và là tháng thứ 4 liên tiếp giảm sản lượng sản xuất. Chỉ số PMI tháng 12 ở ngưỡng 48,9 điểm - ngưỡng khó khuyến khích hoạt động mở rộng sản xuất (ngưỡng mở rộng sản xuất phải từ 50 điểm trở lên). Điều này phản ánh tính hình khó khăn chung của nhiều nền kinh tế trên toàn cầu. Tuy vậy, các nhà sản xuất vẫn rất kỳ vọng năm 2024, bức tranh kinh tế sẽ sáng màu hơn, với một số chính sách hỗ trợ DN được xem xét kéo dài sang năm 2024 là kỳ vọng để DN phục hồi tốt hơn.
Thị trường sẽ tốt hơn?
Thông qua khảo sát chỉ số PMI tháng 12-2023, các công ty dự báo rằng sản lượng sẽ tăng trong năm 2024 vì hy vọng nhu cầu sẽ phục hồi ở cả thị trường trong nước và ngoài nước nhờ vào những kế hoạch mở rộng kinh doanh của DN.
Mới đây, các dự báo của các tổ chức quốc tế về triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024 vẫn còn những mảng xám màu. Song, khu vực ASEAN được dự báo tăng trưởng khả quan hơn trong năm 2024, ngược lại với xu hướng chung của toàn cầu. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức 6% năm 2024; Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng 5,5%; Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 tăng 5,8%... với nền tảng phục hồi tốt hơn.
Kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê về xu hướng sản xuất kinh doanh, các DN dự báo quý I-2024, so với quý cuối năm 2023, có 28,4% DN đánh giá khó khăn và 31,6% cho rằng sẽ tốt hơn, 40% nhận định giữ ổn định. Chỉ số cân bằng chung của quý I-2024 so với quý IV-2023 là 3,2% (31,6% DN nhận định tốt hơn và 28,4% nhận định khó khăn hơn). Chỉ số cân bằng đơn đặt hàng mới quý đầu năm 2024 so với quý cuối năm 2023 là 2% (29,3% DN dự báo tăng và 27,3% dự báo giảm); khu vực DN ngoài nhà nước có chỉ số cân bằng cao nhất là 3,5%, còn khu vực FDI là 0,7%, trong khi khu vực DN nhà nước -9,6%.
Về đơn hàng xuất khẩu mới quý đầu năm 2024, các DN dự báo khả quan hơn quý cuối năm 2023. Với 71,4% DN dự báo tăng và giữ nguyên (24,6% dự báo tăng và 46,8% giữ nguyên). Dù vậy, cũng có tới 28,6% DN kém lạc quan đưa ra dự báo đơn hàng xuất khẩu mới giảm trong quý đầu năm nay.
Theo Tổng cục Thống kê, quý cuối năm 2023, một số ngành như: da giày và các sản phẩm có liên quan đã có sự phục hồi nhanh hơn so với quý trước đó. Khi các tếu tố “khối lượng sản xuất”, “đơn đặt hàng”, “sử dụng lao động” đều tăng. Ngoài ra, ngành sản xuất xe có động cơ, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học cũng tăng…
Tín hiệu tích cực nữa là các DN nhận định yếu tố “lãi suất vay vốn cao” ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của DN chỉ có 21,5% DN lựa chọn, đã giảm 5,7% so với quý III-2023. Cho thấy, rào cản về lãi suất đã được giảm bớt và cũng là động lực để DN vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh quý đầu năm 2024, tạo đà cho phục hồi, tăng trưởng cả năm mới. Các DN đề xuất nhà nước tiếp tục có chính sách tạo điều kiện lưu thông hàng hóa cả trong nước và quốc tế; bình ổn giá nhiên, nguyên liệu đầu vào (nhất là giá xăng dầu và giá điện)... nhằm tạo động lực tốt hơn cho DN tăng kỳ vọng kinh doanh năm mới.
GIA BẢO