Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, hàng loạt đầu sách có chủ đề về sự kiện này đã được giới thiệu đến bạn đọc cả nước.
Các đầu sách chủ đề về sự kiện Mậu Thân 1968
Các trang sách đã tái hiện một cách chi tiết sự kiện hào hùng của những ngày này 50 năm trước, được kể lại chân thật bởi chính những nhân chứng lịch sử, những người lính đã trực tiếp tham gia cuộc tổng tấn công.
Sống và chiến đấu
Biệt động Sài Gòn trong Tết Mậu Thân 1968 là nhan đề tác phẩm của tác giả Ngô Bá Chính vừa ra mắt những ngày đầu tiên của năm 2018, đúng dịp kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Tác giả là một người lính, từng trực tiếp tham gia trận đánh vào giữa đô thị Sài Gòn trong thời điểm này. Ông Ngô Bá Chính sở hữu những tư liệu, những chi tiết độc đáo của người trong cuộc mà các tác giả khác khó có được.
Gọi là truyện ký nhưng có thể xem Biệt động Sài Gòn trong Tết Mậu Thân 1968 là một tác phẩm lịch sử, bởi một phần trong tác phẩm là những ghi chép từ lời kể của các nhân vật có thật - những người lính, chỉ huy trực tiếp trong chiến dịch năm đó. Chương 1 là câu chuyện của chính tác giả viết về công tác chuẩn bị ban đầu cho trận đánh, từ việc bảo mật, trang bị, tập kết, cho đến những chi tiết bình dị nhất của người lính trẻ trước giờ ra trận. Rồi lời kể của Đại tá Nguyễn Đức Hùng, bí danh Tư Chu, nguyên Chỉ huy trưởng Lực lượng biệt động Sài Gòn về hành trình bí mật đột nhập, áp sát các mục tiêu của các chiến sĩ biệt động. Hay những miêu tả của các chiến sĩ tham dự trận đánh chiếm tòa Đại sứ Mỹ, một trong những trận đánh nổi tiếng nhất trong Mậu Thân 1968.
Phần này còn có thêm cái nhìn phía bên kia qua các chi tiết trong tác phẩm Tet của nhà báo Mỹ Don Oberdoifer. Rồi lời kể của những người tham gia các trận đánh ở Đài phát thanh Sài Gòn, Dinh Độc lập, Bộ tổng tham mưu Việt Nam Cộng hòa, Bộ tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa… Tác phẩm khép lại với những câu chuyện nhỏ kể về các sự kiện sau Tết Mậu Thân 1968 như cái kết bi thảm của tướng cảnh sát Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Ngọc Loan, chuyện tìm lại danh tính cho anh hùng Bảy Lốp, Năm Nè, chuyện của phóng viên Mỹ Eddie Adams.
Đề tài cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 không xa lạ với nữ nhà văn Trầm Hương. Trước đó, tác phẩm Đêm Sài Gòn không ngủ của chị từng đạt nhiều giải thưởng văn học. Với Chuyện năm 1968 vừa ra mắt bạn đọc, Trầm Hương không thể hiện dưới dạng tiểu thuyết mà là dưới dạng ký văn học nên mang đậm chất lịch sử hơn. Tác phẩm là những câu chuyện kể về những con người anh hùng của thời kỳ đó, tìm lời giải cho các câu hỏi như làm sao để đưa hàng tấn vũ khí vào giữa thủ đô, hay chuyện chiến sĩ đảm bảo bí mật để chiến dịch thành một cú sốc lớn với đối phương. Rồi những câu chuyện ít được nhắc đến như miêu tả các sự kiện, con người diễn ra trước, trong và sau 5 trận đánh quan trọng vào các mục tiêu như Dinh Độc lập, Đại sứ quán Mỹ, Đài phát thanh, Bộ Tổng tham mưu, Bộ Tư lệnh hải quân. Không chỉ có chiến công, tác phẩm còn có cả những bi tráng ven đô, nơi lực lượng tiến công bị tổn thất nặng nề trong các trận đánh ác liệt.
Là một tác giả nữ, Trầm Hương ưu ái dành phần cuối tác phẩm như một nốt lặng để hoài niệm những người đã hy sinh cho chiến thắng, trong đó có không ít những người phụ nữ - họ vẫn sống mãi trong lòng đồng đội cho đến hôm nay và mai sau.
Thế hệ trẻ và trang sử hào hùng
Pháo dậy phố xuân là nhan đề tập trường ca của nhà thơ Phạm Sĩ Sáu, người mà khi Mậu Thân diễn ra vẫn còn là một cậu bé. Nhìn lại sự kiện dưới góc độ người lính từng trải qua chiến tranh (Biên giới Tây Nam), thơ Phạm Sĩ Sáu hướng đến một góc nhìn khác, góc nhìn của thế hệ tiếp nối trước hào hùng của cha ông.
Tập trường ca được khởi đi từ vùng đất Sài Gòn năm 1967 với những: Trại lính mọc dày theo lộ chính/Phi trường luôn vang động tiếng máy bay… Rồi một Sài Gòn Mậu Thân 1968 của quân và dân ta: Từ ngã ba Tham Lương/Từ cánh đồng Tân Sơn Nhứt/Những chiến sĩ của tiểu đoàn Gò Môn/Của trung đoàn Bắc Sơn/Nổ súng mở cửa rào sân bay/Những chớp sáng lóe lên như ban ngày/Phá bung một vành đai kiên cố… Trường ca kết thúc với chương Pháo dậy phố xuân: Mùa xuân đi qua trong những trận đánh nội thành/Trong nỗi khát khao của những người mong chờ giải phóng… Sử dụng thể loại thơ tự do, tác giả đã khéo léo đan xen những đoạn bốn câu lục bát hay thơ sáu chữ để tạo nên bản hùng ca, vừa rực lửa chiến đấu, vừa sâu đậm đau thương, khiến cho bạn đọc cảm nhận đủ sắc độ bi tráng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Sài Gòn.
Trong số 4 tác phẩm mới về Mậu Thân, thì Chữ nghĩa bay lên bát ngát mùa xuân của Lê Thiếu Nhơn lại là tác phẩm của một cây bút trẻ, sinh ra và lớn lên khi đất nước đã thanh bình. Tác giả thông qua hình ảnh những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ đã trải qua Mậu Thân, đã sáng tác về Mậu Thân để tái hiện hình ảnh con người và cuộc chiến. Anh viết về chân dung văn học của 11 tác giả: nhà thơ Nguyễn Chí Hiếu, nhà văn Sơn Nam, nhà thơ Giang Nam, nhà thơ Nguyễn Kim Ngân, nhà thơ Diệp Minh Tuyền, nhà thơ Chim Trắng, nhà văn Nguyễn Thi, nhà thơ Triệu Từ Truyền, nhà văn Lê Văn Thảo, nhà thơ Hoài Vũ, nhà thơ Lê Anh Xuân. Trong những năm gần đây, thể loại chân dung văn học đang ngày càng ít được chú ý, tập phê bình văn học, chân dung văn học của Lê Thiếu Nhơn hướng về một giai đoạn lịch sử, do đó càng được chú ý hơn.
Nếu những tác phẩm trên đi sâu vào chi tiết cá nhân hay nhìn dưới góc độ người nghệ sĩ thì cuốn sách Cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968 ở Khu trọng điểm (Sài Gòn - Gia Định) lại thuần túy là một tác phẩm lịch sử. Đây là những khảo cứu chuyên sâu của hai tác giả Hà Minh Hồng và Trần Nam Tiến về chiến trường Khu trọng điểm Sài Gòn - Gia Định, một hình thể chiến trường độc đáo và duy nhất trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khi thực hiện Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Các chương của chuyên khảo trình bày một cách hoàn chỉnh về không gian chiến trường và hoạt động chiến tranh trong tổng tấn công, nhưng qua đó hiện lên khá rõ vai trò, vị trí của Sài Gòn - Gia Định trong đấu tranh giải phóng dân tộc, làm cơ sở cho những hiểu biết về vai trò, vị trí của thành phố Hồ Chí Minh trong xây dựng, phát triển và hội nhập hiện nay.
Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng