25/12/2023 - 11:13

Ký hợp đồng ủy quyền quyền sử dụng đất để vay tiền: Nhiều rủi ro 

Vì nhiều lý do khác nhau, không ít người đã mạo hiểm vay tiền bằng hình thức ký hợp đồng ủy quyền quyền sử dụng đất. Theo đó, bên cho vay sẽ đưa tiền; bên vay sẽ ký hợp đồng ủy quyền để bên cho vay thực hiện đầy đủ các quyền của người sử dụng đất: thế chấp, chuyển nhượng, tặng cho… Từ sự ủy quyền này, bên cho vay lại sử dụng quyền sử dụng đất để thế chấp vay lại của ngân hàng khoản tiền lớn hơn và khi không có khả năng thanh toán nợ, mọi chuyện vỡ lở, sinh ra kiện tụng, tranh chấp. 

Các hộ dân ở phường Phước Thới, quận Ô Môn, trình bày vụ việc liên quan đến hợp đồng ủy quyền, để vay tiền của ông Q.

Nhiều tháng nay, ông Lê Văn Cùm Em ở phường Phước Thới, quận Ô Môn, như ngồi trên đống lửa khi Tòa án Nhân dân quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ triệu tập ông tham gia vụ kiện, với tư cách là người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến vụ kiện giữa một tổ chức tín dụng với ông Đ.X.Q ngụ phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều. Ông Cùm Em kể: “Năm 2009, tôi thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ), diện tích 3.941m2, thửa đất số 268, 225, thuộc khu vực Thới Ngươn B, phường Phước Thới, quận Ô Môn cho ông Q để vay 240 triệu đồng. Sau đó, ông Q vay ngân hàng 590 triệu đồng và thế chấp giấy CNQSDĐ của tôi cho ngân hàng. Hiện nay, ông Q không có khả năng thanh toán, chúng tôi bị liên quan. Trước sự việc này, tôi đã nhiều lần thương lượng, đồng ý trả nợ thay cho ông Q để chuộc “bằng khoán” ra nhưng ngân hàng không đồng ý”.

Trường hợp của ông Lê Văn Cội ngụ phường Phước Thới, cũng tương tự. Năm 2009, ông vay 500 triệu đồng của ông Q. Để đảm bảo khoản vay, ông đã thế chấp giấy CNQSDĐ diện tích hơn 10.000m2 cho ông Q. Ông Cội cho biết: “Hiện ông Q đã thế chấp giấy CNQSDĐ của tôi cho ngân hàng để đảm bảo khoản vay 1,8 tỉ đồng. Vừa qua, ngân hàng khởi kiện tại Tòa án Nhân dân quận Ninh Kiều, tôi mới tá hỏa”.

Các trường hợp của ông Từ Văn Chẻo, ông Phạm Văn Cường, ông Trần Văn Giàu, bà Nguyễn Thị Tuyết Hương (cùng ngụ phường Phước Thới)… cũng tương tự. Do cần vốn xoay xở chuyện làm ăn, họ đã vay của ông Q và thế chấp giấy CNQSDĐ của mình cho ông Q bằng hình thức hợp đồng ủy quyền, được công chứng tại một tổ chức hành nghề công chứng. Sau đó, ông Q vay ngân hàng số tiền cao hơn gấp nhiều lần số tiền ông cho vay và dùng quyền sử dụng đất ông được ủy quyền để thế chấp ngân hàng. Khi đến hạn, ông Q không khả năng thanh toán các khoản vay với ngân hàng. Vì vậy, ngân hàng xử lý nợ theo quy định bằng việc khởi kiện đến tòa án để xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật. Khi đó, những người vay tiền của ông Q bằng hợp đồng ủy quyền mới tá hỏa vì “bằng khoán” của họ đã bị thế chấp tại ngân hàng. Ông Cội cho biết: “Trước đây, tôi chỉ vay của ông Q 500 triệu đồng. Sau đó, ông Q thế chấp “bằng khoán” của tôi để vay 1,8 tỉ đồng. Không am hiểu quy định pháp luật, tôi cũng như nhiều trường hợp khác đã bị ông Q lừa gạt, gây thiệt hại tài sản nghiêm trọng...”.

Phần đất của ông Cùm Em đã thế chấp cho ông Q.

Thời gian qua, không ít trường hợp người sử dụng đất ký hợp đồng ủy quyền để vay vốn vì quan niệm vay cá nhân bên ngoài vừa nhanh gọn, vốn vay lại cao. Cách thức phổ biến là bên vay sẽ ra công chứng ký một hợp đồng ủy quyền sử dụng đất với bên cho vay. Hợp đồng ủy quyền có nội dung rất rộng, từ việc được cầm cố, thế chấp, chuyển nhượng, mua bán tài sản. Người cho vay thường giải thích với người vay rằng, hợp đồng ủy quyền, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà chỉ là hình thức, để đảm bảo cho khoản vay chứ không phải mua bán, chuyển nhượng thật sự. Tuy nhiên, sau khi đặt bút ký vào các văn bản thỏa thuận hoặc hợp đồng ủy quyền, nếu không đảm bảo việc trả nợ vay thì nguy cơ mất nhà, mất đất là rất cao. Ngoài ra, có nhiều trường hợp mới ký hợp đồng ủy quyền thì bên cho vay liền bán số tài sản này và bỏ trốn. Việc điều tra, xác minh, thụ lý những trường hợp này vô cùng khó khăn, bởi những hợp đồng chuyển nhượng về hình thức là hoàn toàn đúng pháp luật…

Vì vậy, dù rất cần tiền nhưng người vay phải thật sự tỉnh táo với các hình thức cho vay như trên đã nêu. Trước khi ký bất kỳ hợp đồng hay thỏa thuận để thực hiện giao dịch, người ký phải đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng, nếu không rõ điều khoản nào có thể nhờ công chứng viên tư vấn thêm, tránh những rủi ro, bất lợi.

Bài, ảnh: Chấn Hưng

 

Chia sẻ bài viết