14/10/2009 - 20:19

Kinh tế tư nhân rất cần hỗ trợ!

Những hộ kinh doanh cá thể đang giữ vai trò quan trọng trong kênh phân phối bán lẻ của thành phố. (Trong ảnh: Tiểu thương lấy hàng rau cải tại chợ Tân An).

Năm 2008, khu vực kinh tế tư nhân đã đóng góp 27% tổng thu ngân sách trên địa bàn TP Cần Thơ và tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 21,2%/năm. Trong khi đó khu vực kinh tế nhà nước chỉ tăng trưởng khiêm tốn với mức 7%/năm. Trong nền kinh tế thị trường mở cửa, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân (cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân) lớn mạnh và thể hiện sự năng động, đa dạng hóa các thành phần kinh tế giai đoạn mới. Tại TP Cần Thơ, kinh tế tư nhân luôn giữ vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất và nội thương của thành phố, đồng thời chi phối thị trường bán lẻ.

Trong 9 tháng đầu năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp của TP Cần Thơ thực hiện hơn 12.361 tỉ đồng; công nghiệp ngoài quốc doanh giữ vai trò chủ lực với giá trị hơn 10.126 tỉ đồng (đạt 71,8% kế hoạch năm và tăng 13,4% so cùng kỳ). Còn theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, trong 9 tháng đầu năm 2009, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội của thành phố đạt trên 16.437 tỉ đồng, tăng 19,3% so cùng kỳ. Trong đó, kinh tế cá thể chiếm tỷ trọng lớn nhất (gần 59%) với doanh số trên 9.630 tỉ đồng và tăng hơn 20,3% về giá trị so cùng kỳ năm trước, kế đến là kinh tế tư nhân tăng gần 19% (đạt trên 6.131 tỉ đồng), kinh tế nhà nước tăng hơn 9% (chủ yếu doanh thu của Công ty Thương mại Sài Gòn- Cần Thơ)... Còn phân theo ngành kinh tế thì ngành thương nghiệp chiếm 80,7% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, đồng thời tăng hơn 19% so cùng kỳ; ngành khách sạn, nhà hàng chiếm tỷ trọng 14,3% và tăng 21% so cùng kỳ. Riêng tháng 9-2009, tổng mức bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng của thành phố hơn 1.920 tỉ đồng, tăng 21,3% so với cùng kỳ; trong đó, kinh tế cá thể 1.136 tỉ đồng, tăng 20,4% so cùng kỳ.

Suy giảm kinh tế toàn cầu, ngành công thương nhận định, thị trường hàng hóa trong nước là động lực cho các ngành sản xuất trong nước vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, việc mở cửa hoàn toàn thị trường bán lẻ theo cam kết WTO đang tạo ra cuộc đua quyết liệt giữa ngành sản xuất trong nước và doanh nghiệp (DN) nước ngoài. Thêm vào đó, áp lực này càng gia tăng khi xu hướng DN nước ngoài một mặt đăng ký nhượng quyền thương mại vào Việt Nam, mặt khác thành lập pháp nhân để cung cấp hàng hóa và quản lý các DN nhượng quyền thương mại. Hình thức mới này sẽ tạo sự cạnh tranh trực tiếp với các cửa hàng nhỏ lẻ ở Việt Nam. Trong khi đó, việc trang bị để ứng phó và đủ sức chen chân ở sân nhà của DN còn hạn chế, nhất là DN vừa và nhỏ.

Tại TP Cần Thơ, kinh tế cá thể là kênh phân phối bán lẻ hàng hóa chủ yếu trên thị trường (gần 59%), kế đến tư nhân chiếm 37,3%. Theo ước tính của ngành thống kê, cả năm 2009, tổng mức mua bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của thành phố đạt trên 25.087 tỉ đồng, tăng hơn 22,2% so năm 2008. Mặc dù là kênh phân phối chính, nhưng mạng lưới phân phối của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều hạn chế về sự chuyên nghiệp, dịch vụ hậu mãi yếu kém... Bên cạnh đó, khu vực kinh tế tư nhân TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL đang gặp 5 trở ngại chính, gồm: vốn, cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính, lao động, nhân lực và thuế. Những áp lực này sẽ lớn mạnh dần khi Việt Nam thực hiện cam kết thương mại song phương với các quốc gia trên thế giới và theo lộ trình WTO.

Trong lần giao lưu trực tuyến chủ đề “Vì sao kinh tế tư nhân khu vực ĐBSCL chưa phát triển mạnh” vào cuối tháng 2-2009, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Tuấn Anh tham gia diễn đàn. Trả lời những vấn đề liên quan đến chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân, Phó Chủ tịch Trần Tuấn Anh cho rằng, trên thực tế thành phố đã có những chương trình cụ thể hỗ trợ DN nâng cao năng lực quản lý điều hành, đào tạo nghề cho người lao động. Tuy nhiên, quy mô và năng lực của các DN trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh còn hạn chế, chưa có sự chia sẻ, hợp tác chặt chẽ giữa DN với chính quyền địa phương, nên đôi khi việc triển khai chính sách phát triển chưa hiệu quả. Do vậy, để hỗ trợ thực sự có hiệu quả cho DN, nhất là DN tư nhân, DN vừa và nhỏ, cần sớm tạo ra những mô hình liên kết, phối hợp giữa khu vực công cộng và khu vực kinh tế tư nhân, giữa các tổ chức đào tạo dạy nghề với DN. Năm 2009, với mong muốn tiếp tục triển khai mạnh mẽ và quyết liệt cải cách hành chính (CCHC), TP Cần Thơ sẽ tập trung CCHC trên các lĩnh vực như: quy hoạch và sử dụng đất, xây dựng và quản lý đô thị, chính sách đền bù và giải phóng mặt bằng... Qua đó, giải quyết khó khăn mà DN thường gặp như: bồi thường- giải phóng mặt bằng, giá thuê đất, tiền thuê và sử dụng đất, quy trình thủ tục pháp lý liên quan đến đầu tư, chính sách về thuế... Với mong muốn có cái nhìn thực tế về giá trị mà khu vực kinh tế tư nhân đã đóng góp, đồng thời phát huy vai trò tích cực của thành phần kinh tế này trong giai đoạn mới.

Bài, ảnh: GIA BẢO

Những hộ kinh doanh cá thể đang giữ vai trò quan trọng trong kênh phân phối bán lẻ của thành phố. (Trong ảnh: Tiểu thươ

Chia sẻ bài viết