10/11/2020 - 10:31

Kinh tế tập thể giúp nông dân xác định hướng phát triển phù hợp 

Nhằm phát huy vai trò nòng cốt của kinh tế tập thể (KTTT)và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, những năm qua, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Kiên Giang đã tập trung phát triển nhiều HTX, tổ hợp tác để giúp nông dân xác định hướng đi phù hợp.

Thu hoạch lúa tại HTX nông nghiệp Tân Hưng.

Thu hoạch lúa tại HTX nông nghiệp Tân Hưng.

Ông Trần Thanh Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang, cho biết: Ðể khắc phục những bất cập, hạn chế, thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang sẽ tập trung phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị từng sản phẩm chủ lực của tỉnh, giá trị xuất khẩu lớn, chú trọng phát triển HTX có trình độ quản lý hiện đại, ứng dụng công nghệ cao.

Khuyến khích phát triển HTX trên các lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với quy hoạch phát triển và cơ cấu kinh tế của tỉnh với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng, sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu, phục vụ mục đích xuất khẩu. Bên cạnh đó, nhân rộng các mô hình KTTT, HTX hiệu quả, tạo điều kiện cho kinh tế tập thể phát triển, góp phần hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, những mô hình liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp - HTX - nông dân.

Thời gian qua, tỉnh Kiên Giang tập trung phát triển KTTT đa dạng trên các lĩnh vực: nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, giao thông vận tải, quỹ tín dụng nhân dân… Ðến nay, toàn tỉnh có 462 HTX, 2.228 tổ hợp tác đang hoạt động.

Trên địa bàn Kiên Giang xuất hiện nhiều mô hình HTX hoạt động hiệu quả, góp phần giảm nghèo, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. HTX kiểu mới đang trở thành mô hình hoạt động phổ biến, phù hợp điều kiện và nhu cầu thực tế tổ chức sản xuất, kinh doanh hộ gia đình, cá nhân tại vùng nông thôn.

Nhiều HTX nông nghiệp xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với các sản phẩm chủ lực của địa phương, mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và HTX ngày càng xuất hiện nhiều hơn, đời sống của thành viên HTX được nâng lên.

Ðiển hình như HTX nông nghiệp Tân Hưng, xã Giục Tượng, huyện Châu Thành, hoạt động hiệu quả sau khi được Liên minh HTX tỉnh củng cố. Trước năm 2012, HTX nông nghiệp Tân Hưng được thành lập chỉ có cung cấp dịch vụ bơm tát, không có lợi nhuận. Sau năm 2012, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với UBND huyện Châu Thành củng cố lại hoạt động HTX theo Luật HTX 2012, ban giám đốc HTX được thay mới, vạch ra hướng đi riêng cho HTX, đẩy mạnh hoạt động liên kết sản xuất với doanh nghiệp trong tiêu thụ lúa gạo. Ông Lê Minh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Hưng, cho biết: 100% diện tích lúa của HTX thực hiện theo hình thức liên kết với doanh nghiệp, từ đó bà con trong HTX an tâm sản xuất, không lo đầu ra sản phẩm. Ðời sống của thành viên HTX được nâng lên, không còn hộ nghèo.

Nếu như những năm trước đây, đa số HTX nông nghiệp thực hiện một dịch vụ bơm tưới, đến nay 100% HTX thực hiện từ hai dịch vụ hỗ trợ cho thành viên, nhiều HTX cung ứng các khâu dịch vụ đầu vào, đầu ra, hỗ trợ giảm chi phí cho thành viên và hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX được tiếp cận chương trình, dự án chính sách hỗ trợ phát triển HTX, qua đó các HTX được hưởng các chính sách đầu tư về kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, xây dựng trụ sở hoạt động, tiếp cận vốn vay ưu đãi phát triển các loại hình dịch vụ HTX.

Chủ tịch Liên minh HTX Kiên Giang Trần Thanh Dũng cho rằng, giải pháp phát triển KTTT, HTX kiểu mới là xu thế tất yếu, khách quan, là phương thức tổ chức sản xuất phổ biến và hiệu quả, liên kết hộ cá thể để ứng dụng công nghệ cao, huy động các nguồn lực sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, giảm chi phí, tăng thu nhập cho người dân; là động lực để phát triên kinh tế - xã hội bền vững. Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phát triển KTTT, HTX; tổng kết các mô hình KTTT, HTX hoạt động hiệu quả, sản xuất gắn với chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh để nhân rộng; ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường liên kết, tư vấn, cung ứng dịch vụ cho thành viên, thành lập các câu lạc bộ HTX chuyên ngành để tập hợp và liên kết với nhau.

Với tinh thần tự lực, tự cường, năng động sáng tạo, Liên minh HTX tỉnh Kiên Giang và các thành viên phát huy vai trò nòng cốt trong phát triển KTTT, HTX tiếp tục đổi mới, quyết tâm khắc phục khó khăn, đồng tâm hiệp lực, đoàn kết nhất trí, chung sức, chung lòng, tương trợ, hợp tác cùng nhau ra sức thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Kiên Giang ngày càng giàu mạnh.

Kiên Giang có 2.228 tổ hợp tác, diện tích canh tác gần 72.000ha, tạo việc làm cho hơn 7.000 lao động thời vụ. Các tổ hợp tác có vai trò quan trọng trong liên kết chuỗi, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, ước làm lợi cho thành viên từ 500.000-700.000 đồng/ha/vụ, giúp tăng thu nhập, ổn định đời sống. Hoạt động KTTT đã giúp giải quyết tốt các quan hệ hợp tác, giúp nhau trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. HTX đã giúp các thành viên áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, giảm vật tư đầu vào và thực hiện tốt các khâu dịch vụ, ước tổng số tiền làm lợi cho các thành viên mỗi vụ trên 900 tỉ đồng.

Bài, ảnh: PHƯƠNG ANH

Chia sẻ bài viết