Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), quý III-2022, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm so với cùng kỳ năm trước. Điều này chứng tỏ sản xuất kinh doanh đang phục hồi tích cực, kéo theo đà tăng của thị trường lao động.

Thị trường lao động phục hồi là tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế. Ảnh: T.H
Thị trường lao động phục hồi tích cực
Quý III năm nay, thống kê của ngành chức năng, tình hình lao động, việc làm tiếp tục đà phục hồi, lực lượng lao động, số người đang làm việc và thu nhập bình quân/tháng của người lao động tăng so với cùng kỳ năm 2021. Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm giảm so với quý II-2022 và giảm so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu lạc quan chứng tỏ nền kinh tế đang phục hồi tốt.
Cụ thể, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý III ước tính khoảng 51,9 triệu người, tăng 2,8 triệu người so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 9 tháng năm 2022, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là là 51,6 triệu người, tăng 1,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động 9 tháng năm 2022 ước đạt 68,5%, tăng 0,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng 2022, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 50,5 triệu người, gồm: 13,9 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước); khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,9 triệu người (tăng 4,5%); khu vực dịch vụ là 19,7 triệu người (tăng 4,8%) so với cùng kỳ năm 2021.
Cùng với đà phục hồi của nền kinh tế, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương quý III cũng tăng theo. Theo đó, thu nhập bình quân là 7,6 triệu đồng/tháng, tăng 126.000 đồng so với quý trước và tăng 1,6 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó, thu nhập của lao động nam là 8 triệu đồng/tháng, lao động nữ là 7 triệu đồng/tháng). Tính chung 9 tháng năm 2022, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương ước tính là 7,5 triệu đồng/người/tháng, tăng 805.000 đồng so với cùng kỳ năm trước.
Theo nhận định của giới chuyên gia, bức tranh thị trường lao động đã sáng hơn, chứng tỏ doanh nghiệp (DN) đang dần thích nghi tốt với các cú sốc sau đại dịch COVID-19. Đồng thời cũng ghi nhận nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương trong việc triển khai có hiệu quả các chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ.
Kỳ vọng giữ vững đà tăng trưởng
Theo kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê, quý III, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ước tính là 2,28%, giảm 0,04 điểm phần trăm so với quý II và giảm 1,70 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 9 tháng năm 2022, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 2,35%, trong đó khu vực thành thị là 2,88%; khu vực nông thôn là 2,02%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính trong 9 tháng là 2,29%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 1,75%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,63%. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức ngoài hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản ước tính là 55,3% (khu vực thành thị là 47,0%; khu vực nông thôn là 62,2%).
Thị trường lao động phục hồi, thu nhập của người lao động tăng trong 9 tháng qua là những nỗ lực tích cực của Chính phủ các bộ, ngành, địa phương và DN trong việc thực hiện các chương trình hỗ trợ, các kế hoạch phát triển thích ứng, linh hoạt với điều kiện mới. Chẳng hạn như hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết số 11/NQ-CP. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến ngày 22-9-2022 gói hỗ trợ đã giải ngân khoảng 3.539 tỉ đồng hỗ trợ cho hơn 5 triệu người lao động tại 120.295 DN. Cụ thể, hỗ trợ 3.055 tỉ đồng, cho 4,7 triệu người lao động đang làm việc trong 91.892 DN; hỗ trợ hơn 484 tỉ đồng cho 422.687 người lao động quay trở lại thị trường lao động tại 28.403 DN...
Có thể nói, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Tuy nhiên, tốc độ phục hồi, phát triển kinh tế 9 tháng qua đã được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Các dự báo về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 đều khá lạc quan, với mức tăng 6,5% (dự báo của ADB) và 7,2% (dự báo của WB), 7% (dự báo của IMF)... Trong 9 tháng, GDP tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011 đến nay.

Sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế cũng chứng minh năng lực thích ứng với các tác động tiêu cực của DN đã tăng lên rõ rệt. Tín hiệu DN quay trở lại thị trường và gia nhập mới cũng ghi nhận các kỳ vọng của DN với các chính sách phục hồi kinh tế vĩ mô của Chính phủ. Trong 9 tháng qua, cả nước có 50.500 DN quay trở lại hoạt động, tăng 56,1% so với 9 tháng năm 2021; nâng tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong 9 tháng lên 163.300 DN, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 18.100 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Con số này cũng tạo nên kỳ vọng cho thị trường lao động có thể giữ vững đà tăng trưởng từ nay đến cuối năm và duy trì cho các năm tiếp theo.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn ẩn chứa nhiều bất định sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến dòng thương mại và đầu tư toàn cầu. Trước những nhận định này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2022 để trình Chính phủ. Ở kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế dự báo đạt khoảng 8% trong viễn cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, phục hồi chậm, nhưng nền kinh tế trong nước không có đột biến và thuận lợi vượt qua các tác động bên ngoài. Để đạt mức tăng trưởng này, quý IV-2022 cần đạt mức tăng trưởng là 5,9%. Kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế năm 2022 tăng khoảng 8,2%, quý IV này cần đạt mức tăng trưởng là 6,6%.
Để đạt kết quả tăng trưởng như các kịch bản dự báo, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP và 124/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; chủ động ứng phó linh hoạt, kịp thời với các tình huống phát sinh. Đồng thời đảm bảo dư địa nguồn lực, chính sách để ứng phó với những biến động trung và dài hạn của thế giới; chủ động các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu đề ra.
GIA BẢO