29/10/2018 - 07:11

Kính nghiệp ! 

Mới đây, một nhóm nghệ sĩ, nghệ nhân hoạt động ngoài công lập của TP Cần Thơ đã tổ chức lễ an vị Tổ nghiệp Sân khấu tại nhà Võ Ca của Đình Thần Tân An, quận Ninh Kiều. Vậy là từ nay, giới làm nghề sân khấu của TP Cần Thơ và các địa phương khác có nơi chiêm bái, tưởng nhớ Tổ nghiệp một cách trang trọng. Và ngày Giỗ Tổ Sân khấu (12-8 âm lịch hằng năm) sẽ không còn “mạnh ai nấy làm” ở quy mô nhóm, gia đình như trước mà sẽ có dịp tề tựu về mái đình làng, cùng chung lòng kính nghiệp. Thực tế, dịp Giỗ Tổ Sân khấu 2018, một buổi lễ trang trọng đã tổ chức ngay tại Đình Thần Tân An, quy tụ rất đông nghệ sĩ, bà con.


Nghi thức thỉnh rước Tổ nghiệp Sân khấu an vị tại Võ Ca Đình Thần Tân An. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Để bàn thờ Tổ được an vị, đó là nỗ lực và thiện tâm của những người cho rằng mình còn “nợ chén cơm Tổ nghiệp”. Ông Lê Quang Việt, Trưởng Đoàn Lân - Sư - Rồng Việt Anh Đường là một ví dụ, ông cùng những người bạn tâm huyết như anh Phong (Công ty Tân Tiên Phong), anh Phú (Tây Đô Model), chị Phượng (Vũ đoàn Hồng Anh)… tổ chức Giỗ Tổ rồi tìm nơi chốn đặt linh vị Tổ nghiệp thật trang trọng. Ngày an vị Tổ nghiệp, trong áo dài khăn đóng chỉn chu, trong tiếng nhạc lễ do nghệ nhân Cần Thơ cung tấu, ông Việt xúc động khấn nguyện Tổ nghiệp mà rằng: “Cầu Tổ nghiệp phù hộ cho sân khấu Cần Thơ ngày càng tấn tới”. Hỏi về chuyện lập bàn thờ Tổ nghiệp ở đình, ông Lê Quang Việt bày tỏ: “Đây là tâm nguyện từ lâu của tôi và anh em trong nghề”.

Là người cố vấn các nghi thức cúng Giỗ Tổ và an vị Tổ nghiệp, soạn giả Nhâm Hùng cho rằng, việc an vị Tổ Sân khấu tại Đình Thần, nhất là Võ Ca, là hoàn toàn đúng với truyền thống người Nam bộ. Cổ lệ, Đình làng Nam bộ đều có gian thờ “Tiên Sư Tổ Nhạc”. Đình Bình Thủy là một điển hình. Dịp Kỳ yên, nghi thức thỉnh rước Tổ Nhạc và xin phép cho khai hội hát bội cúng đình rất trang trọng, được các đoàn hát bội và ban tế tự đình chú trọng. Điều đó cho thấy tinh thần kính trọng nghề hát, Tổ nghiệp đã được lưu truyền từ xa xưa. Nhưng điều soạn giả Nhâm Hùng và nhiều người khác tâm đắc chính là từ nay, anh em làm nghề sân khấu Cần Thơ có nơi hội tụ, giãi bày buồn vui nghề nghiệp, gắn kết tình nghệ sĩ, tình đồng môn.

Trở lại việc an vị Tổ Sân khấu ở Đình Thần Tân An, thật trân trọng những tấm lòng nghệ sĩ, nghệ nhân hằng ngày vất vả mưu sinh, luôn tự nhắc mình phải yêu nghề, kính nghiệp. Câu nói của giới sân khấu: “Hột cơm Tổ nghiệp còn dính kẽ răng” luôn được lưu truyền như lời nhắc về đạo làm nghề, cốt sao làm vinh thăng truyền thống sân khấu của tổ tiên.

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết