28/08/2011 - 14:00

"Kinh dị" phim kinh dị Việt

Phim “Bóng ma học đường” đầy sự giả tạo, hoang tưởng. Ảnh: phimvang.org

Gần đây, không ít hãng phim Việt Nam đua nhau khai thác mảng đề tài kinh dị. Nhưng dường như chưa có phim nào khiến khán giả hài lòng bởi sự khiên cưỡng, giả tạo cả nội dung, chủ đề lẫn nghệ thuật. Khán giả xem phim vừa tức tối, vừa buồn cười.

Phim kinh dị bao gồm: phim ma, phép thuật, rùn rợn, yêu quái... được điện ảnh thế giới khai thác từ rất lâu và khá thành công. Ngay ở Việt Nam, từ những năm 70 của thế kỷ trước cũng có nhiều phim kinh dị, tạo được dấu ấn tốt cho khán giả như: “Lệ đá” của đạo diễn Võ Doãn Châu, “Con ma nhà họ Hứa” của đạo diễn Lê Hoàng Hoa, “Ngôi nhà oan khốc” của đạo diễn Lê Mộng Hoàng...

Gần đây theo thị hiếu, những nhà sản xuất Việt Nam bắt tay vào làm những phim liêu trai, kinh dị như: “Bóng ma học đường”, “Khi yêu đừng quay đầu lại”, “Mười”, “Lời nguyền huyết ngải”, “Nụ hôn thần chết”, “Giữa hai thế giới”... Nhưng đã làm khán giả thất vọng.

Phần lớn các bộ phim này có cốt truyện, nội dung rất lỏng lẻo chưa nói đến việc lồng ghép quá nhiều chi tiết bạo lực hay... sex. Đơn cử phim “Bóng ma học đường”, con ma lớn tuổi Thiên Minh vốn là nhà văn, bị một nhóm ma tuổi mới lớn điều khiển viết truyện bạo lực cho học sinh trần gian. Hoặc bộ phim dự định sẽ chiếu rạp vào cuối năm nay là “Lời nguyền huyết ngải” kể về 4 chàng sinh viên y khoa cùng giải mã một chiếc hộp thần kỳ. Thế là 4 chàng không còn lo học hành mà gửi hồn vào những câu chuyện ma quái, chết chóc...

Một công thức hầu như phổ biến cho các phim loại này là chi tiết người và ma yêu nhau rồi bị thế lực ma quỷ lởn vởn chia rẽ. Hay ma quỷ lúc nào cũng tốt, cũng lương thiện và rất đáng yêu (!?).

Yếu tố kỹ xảo, ánh sáng và bối cảnh của phim kinh dị Việt rất đơn giản, khiên cưỡng khiến người xem chỉ muốn cười. Bối cảnh trong hầu hết các phim đều quay ở những ngôi biệt thự cổ ở Đà Lạt nên na ná giống nhau. Phim nào cũng chỉ lạm dụng màn “bay qua bay lại”, ăn mặc quái dị cùng những tiếng hú để hù họa người xem hoặc “con ma” tự giới thiệu: “Ta là ma đây”!

Tạo hình trong phim cũng rất công thức: nếu là ma thì nhất định phải có nanh, áo quần rũ rượi, tóc xõa xồm xoàm... giống như tạo hình của diễn tuồng hay hài kịch.

Không đủ khả năng mà cứ làm để chạy theo “xu hướng chung” làm phim kinh dị thì khán giả là những “nạn nhân” vì phải bỏ tiền, thời gian để xem những phim thiếu chất lượng.

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết