05/04/2019 - 09:57

Kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng 

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ), năm 2018 công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu ĐBSCL tăng đáng kể, đạt mức tăng trưởng ấn tượng với mức tăng bình quân 7,8%, cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Giá trị sản xuất công nghiệp đạt 716.000 tỉ đồng, tăng 12% so với năm 2017 và đạt cao nhất từ trước đến nay.  Kim ngạch xuất khẩu của vùng lần đầu tiên đạt 17,5 tỉ USD, tăng 1,6 tỉ USD so với năm trước đó. Đây cũng là vùng có số doanh nghiệp mới thành lập ấn tượng với 9.500 doanh nghiệp mới được thành lập trong năm 2018. 

Khách hàng chọn mua thực phẩm tại cửa hàng của Công ty Cổ phần Thương nghiệp Tổng hợp Cần Thơ. Ảnh: Mỹ Thanh

Kết quả ấn tượng

Thời gian qua, các địa phương ở ĐBSCL từng bước cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp yên tâm hoạt động. Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống, chia sẻ: TP Cần Thơ có hơn 8.000 doanh nghiệp hoạt động. Thành phố phấn đấu đến năm 2020, đạt 12.000 doanh nghiệp và đặt mục tiêu các doanh nghiệp phải “đông về số lượng, mạnh về chất lượng”. Năm 2019, Cần Thơ tiếp tục thực hiện chủ đề “Đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung đầu tư phát triển, nâng cao đời sống nhân dân”. Để đạt những thành tựu đó, chính quyền thành phố xác định tiếp tục thực hiện tinh thần phát triển, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể là duy trì ngày thứ hai lãnh đạo thành phố và các sở ngành không bố trí lịch họp mà tập trung dành thời gian để tiếp xúc, lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh. 

Đặc điểm của cộng đồng doanh nghiệp ĐBSCL là có rất ít doanh nghiệp tầm cỡ, mà đa số vẫn là các doanh nghiệp nhỏ, vừa và doanh nghiệp siêu nhỏ, khởi nghiệp khó khăn. Chính đặc điểm này cũng đã nói lên khó khăn trong hoạt động của các Hiệp hội doanh nghiệp ở các địa phương, việc thu hút các chủ doanh nghiệp tham gia Hiệp hội là không đơn giản. Ông Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, chia sẻ: So với thời gian trước, hiện nay lãnh đạo các địa phương đã quan tâm nhiều hơn đến hoạt động doanh nghiệp, đã lắng nghe, trao đổi nhiều hơn. Chúng tôi mong rằng các Hiệp hội doanh nghiệp trong khu vực sẽ nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa của các đồng chí lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu các tỉnh, thành phố. Cộng đồng doanh nghiệp còn trông đợi nhiều hơn ở sự tâm huyết, trách nhiệm của lãnh đạo địa phương theo phương châm cùng xắn tay vào làm, không chỉ vì sự phát triển của doanh nghiệp mà còn vì sự phát triển của chính địa phương đó.

VCCI Cần Thơ đã phát huy vai trò là cơ quan hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp ĐBSCL. VCCI Cần Thơ thường xuyên mời các chuyên gia chia sẻ, phân tích về tình hình thị trường để giúp doanh nghiệp chủ động tiếp cận thông tin, định hướng thị trường, đưa ra các giải pháp khắc phục khi gặp khó khăn, đào tạo về cách thức quản trị doanh nghiệp... trong bối cảnh hội nhập. Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, chia sẻ: Năm 2019, VCCI Cần Thơ sẽ đồng hành cùng với chính quyền địa phương tư vấn, xây dựng và triển khai đánh giá Bộ Chỉ số điều hành cấp huyện và sở ngành nhằm tiến tới hoàn thiện năng lực điều hành cấp huyện thị và cải cách thủ tục hành chính hiệu quả. 

Thích ứng

Các địa phương luôn đồng hành, hỗ trợ các doanh nghiệp đã và đang hoạt động, doanh nghiệp khởi nghiệp. Đồng thời, sẵn sàng học hỏi từ các địa phương trong vùng, các chuyên gia để hỗ trợ tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp. Ông La Minh Hồng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương nghiệp Tổng hợp Cần Thơ, chia sẻ: Là một trong những đơn vị hoạt động lâu năm ở Cần Thơ chúng tôi nhận được hỗ trợ của UBND TP Cần Thơ, các sở ngành thành phố. Đặc biệt, thông qua VCCI Cần Thơ, doanh nghiệp cập nhật kịp thời những thông tin về tình hình kinh tế vùng ĐBSCL, bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước để có hướng thích ứng kịp thời. Từ kết quả của việc phân tích chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hằng năm, lãnh đạo địa phương đã quan tâm và cải thiện chất lượng điều hành nhiều hơn và giúp cho doanh nghiệp rất nhiều nhờ môi trường hoạt động tốt hơn.

Nguồn lực quan trọng để ĐBSCL phát triển chính là các doanh nghiệp. Do đó, các địa phương trong vùng đã nỗ lực tập trung hỗ trợ cho khởi nghiệp để góp phần hình thành những doanh nghiệp khởi nghiệp. Bà Phạm Thị Hồng Đào, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ: Thời gian qua, VCCI Cần Thơ đã cùng đồng hành xây dựng Mạng lưới khởi nghiệp ĐBSCL và Mạng lưới này đóng vai trò dẫn dắt hoạt động khởi nghiệp của các tỉnh, thành. Thành viên Mạng lưới khởi nghiệp cùng trao đổi chia sẻ kinh nghiệm học hỏi lẫn nhau và nhận được sự góp ý của VCCI Cần Thơ để điều chỉnh các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp phù hợp với điều kiện địa phương mình; tìm giải pháp hỗ trợ, kết nối để thương mại hóa các sản phẩm khởi nghiệp của địa phương. Qua tổ chức cuộc thi Khởi nghiệp ĐBSCL, các dự án khởi nghiệp nhận được sự góp ý của chuyên gia, nhận ra những vấn đề cần điều chỉnh, hoàn thiện hơn sản phẩm, tìm hướng liên kết giữa doanh nghiệp lớn với dự án khởi nghiệp giải quyết đầu ra sản phẩm, hợp tác đầu tư lâu dài. 

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, nhận định: Để tiếp tục đạt được những thành tựu về kinh tế - xã hội trong năm 2019 và những năm tiếp theo, cộng đồng doanh nghiệp ĐBSCL sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Bởi năm 2019 khá đặc biệt đối với kinh tế Việt Nam khi mà các Hiệp định thương mại mới có hiệu lực như: CPTPP, Việt Nam- EU (EVFTA), chiến tranh thương mại toàn cầu, áp lực cạnh tranh quốc tế ngày càng nhiều hơn, công nghệ thay đổi nhanh chóng... đang tạo áp lực lớn cho quá trình cải cách của nhà nước và đổi mới trong quản lý của doanh nghiệp. Thời gian tới, các tỉnh, thành ĐBSCL cần nhiều hơn những nguồn vốn đầu tư về hạ tầng, doanh nghiệp cần một chính quyền năng động hơn để kiến tạo môi trường kinh doanh thực sự thông thoáng.

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết