01/09/2015 - 21:06

Phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL

Kiến nghị giải pháp từ cơ chế và chính sách

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), dù diện tích đất canh tác nông nghiệp và thủy sản chưa tới 30% của cả nước nhưng ĐBSCL đóng góp hơn 50% diện tích đất lúa, 71% diện tích nuôi trồng thủy sản, 30% giá trị sản xuất nông nghiệp và 69% sản lượng thủy sản của cả nước. ĐBSCL có vị trí quan trọng đối với cả nước trong phát triển kinh tế, hợp tác đầu tư, giao thương với các nước trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, vùng này đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức khách quan và chủ quan cần có giải pháp từ cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới.

Vùng trọng điểm lương thực nhưng…

Theo Bộ NN&PTNT, gần 30 năm sau ngày đất nước thực hiện chính sách đổi mới, sản lượng lúa gạo của ĐBSCL tăng trưởng ngoạn mục - vượt 20 triệu tấn, đóng góp trên 90% lượng gạo xuất khẩu. Từ đó, góp phần đưa Việt Nam từ một nước thiếu ăn, phải nhập khẩu lương thực trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Không chỉ có lúa gạo, hàng thủy sản cũng đóng góp 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam... Những năm qua, kinh tế các tỉnh, thành vùng ĐBSCL phát triển nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, hiệu quả sản xuất được nâng cao, môi trường đầu tư được cải thiện. Đặc biệt, nông, lâm, ngư nghiệp vùng ĐBSCL phát triển toàn diện, từng bước hình thành vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, phát huy lợi thế sản phẩm chủ lực của vùng (lúa gạo, trái cây, thủy sản). Từ đó, vùng đã khẳng định được vai trò trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản của cả nước.

ĐBSCL cần nhiều trợ lực từ cơ chế, chính sách để từng bước hoàn chỉnh hệ thống cầu đường bộ để giao thông vùng trở thành một chỉnh thể hoàn thiện, khép kín. Trong ảnh: Công trình nâng cấp cải tạo quốc lộ 91 đoạn đi qua TP Cần Thơ. 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, nhận định: ĐBSCL đã và đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức; trong đó có những khó khăn khách quan và chủ quan. Điển hình như: Vị trí địa lý vùng ĐBSCL có nền đất yếu, hệ thống sông ngòi chằng chịt, khó khăn cho công tác đầu tư, xây dựng cơ bản do suất đầu tư cao hơn các vùng khác trên cả nước. Kết cấu hạ tầng yếu kém, đường bộ giao thông nhỏ hẹp, các quốc lộ chưa đồng bộ… Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, nội tại nền kinh tế vùng ĐBSCL phụ thuộc vào nông nghiệp với cơ cấu chiếm 31,2% nên phát triển thiếu ổn định do các sản phẩm chủ lực của vùng, như: lúa, cá, trái cây đã phát triển tới ngưỡng, tình trạng "được mùa mất giá" xảy ra thường xuyên làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, thu nhập, đời sống của nông dân. "Thu ngân sách trong vùng năm 2015 ước đạt khoảng 40.680 tỉ đồng, chỉ cao hơn vùng miền núi phía Bắc, chiếm 4,1% tổng thu ngân sách, do nguồn thu chủ yếu từ nông nghiệp, không có điều kiện để tăng thu. Vùng ĐBSCL đóng góp gần 16% cho GDP cả nước, song tỷ lệ chi đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước cho địa phương chỉ chiếm 10% tổng chi đầu tư cả nước, thấp nhất trong các vùng khác. Kế hoạch năm 2015 chi đạt 15.015 tỉ đồng, cả nước khối địa phương là 149.948 tỉ đồng. Điều này thể hiện việc tái đầu tư cho vùng chưa được quan tâm đúng mức" – ông Nguyễn Chí Dũng, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT nói.

Ngoài ra, theo số liệu từ Bộ KH&ĐT, tính đến hết tháng 6 - 2015, vùng ĐBSCL có 1.013 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký trên 12 tỉ USD. Vốn đầu tư bình quân một dự án trên 12 triệu USD, thấp hơn bình quân của cả nước (16 triệu USD/dự án). Số dự án và số vốn thu hút FDI toàn vùng chỉ chiếm khoảng 5% so với cả nước. Các nhà tài trợ chưa quan tâm nhiều đến vùng ĐBSCL nên thu hút vốn ODA đến tháng 6-2015 là 9.200 tỉ đồng thấp nhất so với các vùng khác trong cả nước. Chất lượng nguồn nhân lực vùng còn thấp, tỷ lệ lao động được đào tạo là 45,72%, thấp hơn mức trung bình của cả nước là 54,52% trong khi lực lượng lao động rất dồi dào với 10,184 triệu người.

Kiến nghị giải pháp từ cơ chế, chính sách

Theo Quyết định số 939/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 19 - 7 – 2012 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL đến năm 2020 (QĐ 939): Vùng ĐBSCL trở thành vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp hàng hóa và thủy sản của cả nước với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững. Xây dựng, phát triển vùng ĐBSCL là địa bàn, cầu nối để chủ động hội nhập, giao thương, hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế nhất là tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển chiều sâu; tập trung phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của quá trình phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Định hướng phát triển theo QĐ 939, đồng thời khắc phục những tồn tại, khó khăn, ông Nguyễn Phong Quang, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, kiến nghị: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phát hành trái phiếu Chính phủ bổ sung theo phương án đã được Quốc hội thông qua để sớm triển khai các công trình, dự án giao thông trọng điểm của vùng; trong đó, sớm triển khai dự án đường cao tốc từ Trung Lương - Mỹ Thuận. Nghiên cứu phân bổ nguồn ngân sách riêng để hỗ trợ TP Cần Thơ thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị để thành phố trở thành "đầu tàu" của vùng ĐBSCL.

Nhiều ý kiến cho rằng, để phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, cần quan tâm, tháo gỡ những "nút thắt phát triển" trong thời gian tới. Đó là: Hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch. Trên cơ sở quy hoạch theo QĐ 939, cần thiết có những điều chỉnh, bổ sung, đánh giá thực tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cải cách thể chế. Đẩy mạnh quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa, gắn với công tác quy hoạch hệ thống giao thông, với trọng tâm là quốc lộ 1A và tuyến đường cao tốc cũng như từng bước hoàn chỉnh hệ thống cầu đường bộ tại ĐBSCL để vùng trở thành một chỉnh thể hoàn thiện, khép kín về giao thông. Đối với giao thông đường thủy, cần thiết phải khai thông luồng lạch để có thể tiếp nhận các tàu có tải trọng lớn 10.000 tấn thông qua kênh Quan Chánh Bố, tàu 500- 1.000 tấn qua kênh Chợ Gạo. Qua đó, có thể tiết kiệm được 30-35% chi phí vận chuyển đường thủy, đồng thời góp phần giảm áp lực cho giao thông đường bộ… Nâng cao chất lượng, tính chuyên sâu của Trường Đại học Cần Thơ để trở thành trường đại học cấp quốc gia, quốc tế trong khu vực. Trong đó, tập trung ưu tiên đào tạo nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, xuất khẩu thủy hải sản để cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ĐBSCL và cả nước.

Với thế mạnh của vùng ĐBSCL là sản xuất lúa gạo, thủy sản, trái cây nếu không có nghiên cứu tổ chức toàn vùng thì thế mạnh của 1 ngành sản xuất, của địa phương trong vùng có thể gây xung đột với ngành khác. Ví dụ: thế mạnh của tỉnh Sóc Trăng là nuôi trồng thủy sản nhưng có thể tác động tiêu cực đến các tỉnh lân cận trong sản xuất lúa gạo vì nước mặn xâm nhập sâu. Hay việc giải quyết vấn đề môi trường chung của vùng, nhất là trên các con sông đang phát triển nuôi cá tra, không giới hạn không kiểm soát, để tự phát thì phát triển ở địa phương này sẽ tác động đến địa phương khác. Do đó, liên kết vùng là một vấn đề quan trọng cấp bách hiện nay nên các địa phương trong vùng kiến nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện và ban hành Quy chế liên kết vùng ĐBSCL. Từ đó các địa phương trong vùng cùng nhau rà soát, thống nhất điều chỉnh, tránh tình trạng sản xuất trùng lắp, hàng hóa dư thừa, cục bộ. Chính phủ cần tạo cơ chế, chính sách động lực mang tính đặc thù cho vùng ĐBSCL hướng đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhằm phát triển ĐBSCL. Bên cạnh đó, tăng cường trao đổi thông tin về hội nhập và các hiệp định thương mại tự do đặc biệt là hướng đến lợi ích của người nông dân. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng thương mại có những chương trình tín dụng trung và dài hạn để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL. Đồng thời, có những gói tín dụng cụ thể cho các dự án cụ thể, lớn, có tính lan tỏa, tạo động lực phát triển cho toàn vùng ĐBSCL.

Bài, ảnh: HÀ TRIỀU

Chia sẻ bài viết