11/09/2020 - 10:30

Khuyến nông - hỗ trợ nông dân tăng hiệu quả sản xuất 

Những năm qua, Trung tâm Khuyến nông thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ đã hỗ trợ nông dân xây dựng được nhiều mô hình trồng trọt và chăn nuôi hiệu quả, giúp nâng cao thu nhập cho nông dân. Điển hình như mô hình trồng nấm bào ngư xám, mô hình hệ thống tưới phun trên cây ăn  trái, nuôi vịt an toàn sinh học, nuôi dê sinh sản an toàn sinh học, nuôi cá chạch lấu trong bể lót bạt, nuôi lươn thương phẩm không bùn mật độ cao, trồng rau trong nhà lưới… Các mô hình đã góp phần thúc đẩy nông dân hiện đại hóa sản xuất, nâng cao nhận thức và hành động trong sản xuất theo hướng an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường...

Được sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp thành phố, thời gian qua nông dân đã phát triển được nhiều mô hình sản xuất hiệu quả. Trong ảnh: Mô hình trồng dưa kim cô nương trong nhà lưới tại Hợp tác xã rau an toàn Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.

►Phát huy hiệu quả

Hoạt động khuyến nông đã góp phần đa dạng hóa các loại cây trồng vật nuôi tại thành phố, tạo điều kiện cải thiện thu nhập, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân. Thông qua việc trình diễn, giới thiệu các mô hình này cũng giúp nhiều hộ dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, có cơ hội để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và được tận mắt chứng kiến các mô hình sản xuất hiệu quả.

Trong năm 2019, Trung tâm Khuyến nông thành phố triển khai hiện 182 cuộc tập huấn kỹ thuật và xây dựng 7 mô hình trình diễn với 32 hộ dân tham gia, trong đó, có 3 mô hình trồng trọt, 2 mô hình nuôi gia súc gia cầm và 2 mô hình nuôi thủy sản. Ðáng chú ý, mô hình nuôi lươn không bùn mật độ cao tại huyện Phong Ðiền, với quy mô 14.400 con do 4 hộ dân tham gia (mỗi hộ nuôi 3.600 con lươn/30m2) đã tận dụng hiệu quả thời gian nhàn rỗi, tăng thêm thu nhập 23-30 triệu đồng/hộ/vụ nuôi.

Mô hình nuôi cá chạch lấu trong bể lót bạt được thực hiện tại xã Thới Ðông, huyện Cờ Ðỏ, với quy mô 6.000 con, gồm 5 hộ dân tham gia, mỗi hộ nuôi 1.200 con/40m2 cũng rất hiệu quả, giúp tăng thêm thu nhập khoảng 30 triệu đồng/hộ. Mô hình trình diễn nuôi vịt an toàn sinh học quy mô 2.250 con, với 15 hộ tham gia (300 con/hộ) được thực hiện tại xã Thới Ðông, huyện Cờ Ðỏ.

Còn mô hình trồng nấm bào ngư xám kết hợp hệ thống phun sương tại huyện Phong Ðiền, quy mô 16.500 bịch phôi, có 3 hộ dân tham gia, mỗi hộ sản xuất 5.500 bịch phôi đã giúp tạo thêm việc làm cho các hộ gia đình. Kết quả, sau 6 tháng trồng thu được năng suất đạt 300-350gr nấm tươi/bịch phôi, qua đó góp phần tạo thu nhập tăng thêm cho mỗi hộ dân hơn 4,7 triệu đồng/tháng.

Đẩy mạnh khuyến nông

Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho rằng: “Khuyến nông là hoạt động rất cần thiết cho phát triển nông nghiệp, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu, cần những mô hình thích ứng, bền vững nhằm nâng cao giá trị gia tăng trên cùng một diện tích sản xuất nông nghiệp. Chương trình khuyến nông được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý của Chính phủ, bộ, ngành và tình hình thực tế của TP Cần Thơ. Việc thực hiện chương trình khuyến nông cũng có ý nghĩa khoa học, tính ứng dụng và cấp thiết nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân. Ðồng thời, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, ổn định kinh tế xã hội và góp phần xây dựng nông thôn mới”.

Năm 2020, TP Cần Thơ có kế hoạch xây dựng 16 mô hình trình diễn thuộc Chương trình khuyến nông TP Cần Thơ năm 2020. Các mô hình này nằm trong 5 nhóm chương trình ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật gồm: phát triển vùng rau an toàn gắn với tiêu thụ sản phẩm; phát triển nông nghiệp đô thị, ven đô; phát triển sản xuất cây ăn trái ứng dụng công nghệ cao; phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học; phát triển thủy sản theo tiêu chuẩn chất lượng… Qua đó, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, từ đó tăng giá trị kinh tế 15% so với trước. Song song đó, các cơ quan chức năng cũng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật đối với các nội dung thực hiện trong chương trình khuyến nông. Ðảm bảo cho nông dân nắm bắt được thông tin đầy đủ và kịp thời. Dự kiến có 139 lớp đào tạo, tập huấn, hội thảo đầu bờ… được tổ chức, với hơn 5.000 lượt nông dân tham dự. Qua đó, chuyển giao kỹ thuật sản xuất mới, có hiệu quả đến người dân, tạo điều kiện nâng cao thu thập cho người dân và góp phần thực hiện thắng lợi Ðề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Cùng với việc quan tâm bổ sung, hoàn thiện và thực hiện tốt các kế hoạch, nội dung của Chương trình khuyến nông TP Cần Thơ năm 2020, thành phố cũng đang tiến hành xây xựng một kế hoạch dài hơi cho công tác khuyến nông. Vừa qua, tại cuộc họp với các thành viên Hội đồng thẩm định Chương trình khuyến nông TP Cần Thơ năm 2020 và giai đoạn 2021-2025, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Dũng yêu cầu Sở NN&PTNT thành phố tiếp thu các ý kiến đóng góp, khẩn trương xây dựng, hoàn chỉnh Chương trình khuyến nông TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2025 để trình Hội đồng thẩm định xem xét, thông qua trong năm nay nhằm chủ động thực hiện trong thời gian tới. Chú ý xây dựng chương trình phải phù hợp định hướng phát triển ngành Nông nghiệp Cần Thơ và chuyển giao các mô hình phải hiệu quả, thiết thực, gắn với điều kiện, tập quán sản xuất thực tế của từng địa phương. Trong từng mô hình, mục tiêu khuyến nông phải gắn với phát triển nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường, ổn định đầu ra sản phẩm và xây dựng thương hiệu sản phẩm. Quan tâm nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, phối hợp tốt giữa các bên liên quan để giới thiệu, ứng dụng rộng rãi các mô hình hiệu quả vào cuộc sống.

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Chia sẻ bài viết