09/01/2015 - 09:15

CỜ ĐỎ:

Khuyến khích sử dụng túi, hầm ủ biogas trong chăn nuôi gia súc

Hằng năm, huyện Cờ Đỏ có khoảng 1.600 hộ dân chăn nuôi gia súc, với tổng đàn khoảng 50.000 con. Dù đẩy mạnh nhiều giải pháp khuyến khích hộ chăn nuôi xây dựng mô hình xử lý chất thải làm khí đốt trong sinh hoạt gia đình, hạn chế ô nhiễm môi trường nhưng tỷ lệ hộ dân tham gia rất thấp.

 Toàn huyện Cờ Đỏ chỉ có 158 hộ chăn nuôi gia súc sử dụng túi, hầm ủ biogas làm khí đốt trong sinh hoạt.

Gần chục năm nay, từ khi xây dựng túi ủ biogas, mỗi năm gia đình ông Nguyễn Văn Tòng, xã Trung An, huyện Cờ Đỏ tiết kiệm hơn 1,5 triệu đồng chi phí chất đốt trong sinh hoạt trong gia đình. Không chỉ vậy, xây dựng túi ủ biogas còn giúp gia đình ông xử lý hiệu quả chất thải của đàn heo 20 con. Ông Tòng cho biết: “Do diện tích đất hạn chế, nên trước đây chất thải từ nuôi heo, tôi cho xuống ao sau nhà nhưng không xử lý được hết mùi hôi. Từ khi xây dựng túi ủ biogas, môi trường chung quanh khu vực chăn nuôi được cải thiện, việc chăn nuôi của gia đình không còn gây phiền hà hàng xóm vì mùi hôi nữa”. Từ hiệu quả này nên nhiều năm qua, ngành chức năng huyện Cờ Đỏ triển khai, thực hiện nhiều chính sách khuyến khích người chăn nuôi xây dựng hầm ủ, túi ủ biogas. Điển hình như: Dự án khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam của Cục Chăn nuôi Việt Nam thực hiện hỗ trợ 1,2 triệu đồng cho người chăn nuôi xây dựng hầm ủ biogas, hay chương trình mục tiêu quốc gia về chuồng trại hợp vệ sinh hỗ trợ 70% kinh phí làm túi ủ biogas cho hộ nghèo, gia đình chính sách. Bên cạnh đó, các ban ngành đoàn thể huyện Cờ Đỏ còn phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Cờ Đỏ hỗ trợ vốn vay nước sạch vệ sinh môi trường đã giúp nhiều hộ có thêm điều kiện xây dựng hầm ủ biogas.

Hơn 6 năm qua, mỗi năm, gia đình chị Nguyễn Thị Ngọc Cẩm, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ nuôi đàn heo 100 con nên lượng chất thải khá lớn. Chị Ngọc Cẩm cho biết: Chất thải của gia súc sẽ gây ô nhiễm môi trường nếu xử lý không triệt để. Nhưng để xây dựng hầm ủ biogas gia đình chị phải có nguồn vốn 20 triệu đồng. Do chi phí dồn hết vào việc nuôi heo nên không có khả năng xây dựng hầm ủ biogas. Cuối năm 2013, chị Cẩm được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thạnh Phú giới thiệu vay 8 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện. “Chi phí đầu tư cho hầm ủ biogas quá lớn, nhưng chưa biết hiệu quả ra sao nên gia đình tôi ngán lắm. Được chính quyền địa phương vận động và cho đi tham quan nhiều mô hình của người nuôi heo khác, thấy có hiệu quả nên từ nguồn vốn vay, vốn tự có tôi mạnh dạn đầu tư xây dựng hầm ủ. Hơn năm qua, từ khi sử dụng túi ủ biogas tôi thấy rất hiệu quả trong tiết kiệm chi phí chất đốt, giảm thiểu ô nhiễm môi trường”.

Kinh phí thấp nhất của một túi ủ biogas khoảng 4 triệu đồng và khoảng 12 triệu đồng đối với một hầm ủ. Tùy vào số lượng heo chăn nuôi, việc bảo quản của mỗi hộ chăn nuôi, nên thời gian sử dụng của một túi ủ khoảng 7-8 năm, còn hầm ủ thì từ 15 – 20 năm. Thời gian qua, giá cả heo hơi lên xuống thất thường, người chăn nuôi chưa mặn mà với việc nuôi heo nên cũng không mạnh dạn đầu tư kinh phí xây dựng hầm ủ hay túi ủ biogas. Mặt khác, một số hộ dân nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo nguồn vốn xây dựng mô hình. Vì vậy, tính đến cuối năm 2014, toàn huyện Cờ Đỏ chỉ có 158 hộ dân tham gia mô hình xử lý chất thải gia súc, chỉ chiếm hơn 9,8% tổng số hộ chăn nuôi gia súc trên địa bàn. Ông Lâm Minh Trí, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Để giúp người chăn nuôi sử dụng chất thải từ gia súc làm khí đốt, giảm chi phí sinh hoạt gia đình, nhất là giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, huyện Cờ Đỏ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người chăn nuôi. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia về chuồng trại hợp vệ sinh, kịp thời hỗ trợ các hộ chăn nuôi có thêm điều kiện xử lý chất thải của gia súc. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cũng sẽ phối hợp với các Hội đoàn thể, ưu tiên cho những hộ chăn nuôi có điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay, để xây dựng hầm, túi ủ biogas”.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THỨC

Chia sẻ bài viết