29/03/2021 - 08:57

Khủng hoảng nhân đạo ở Ethiopia 

Liên Hiệp Quốc (LHQ) vừa lên tiếng cảnh báo về cuộc khủng hoảng hiện nay tại vùng Tigray của Ethiopia sau nhiều vụ giết hại dân thường và hãm hiếp phụ nữ, trong khi 4,5 triệu người đang rất cần lương thực.

Những đứa trẻ chạy trốn cuộc xung đột Tigray đang chờ nhận thức ăn tại trại tị nạn ở Sudan. Ảnh: AFP

Những đứa trẻ chạy trốn cuộc xung đột Tigray đang chờ nhận thức ăn tại trại tị nạn ở Sudan. Ảnh: AFP

Mâu thuẫn nội bộ

Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF), một đảng chính trị từng có ảnh hưởng lớn ở Ethiopia, hiện chiếm giữ và cai trị khu vực cao nguyên ở Tigray với dân số 6 triệu người. Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed, người từng được trao giải Nobel Hòa bình năm 2019 vì nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Eritrea, cáo buộc TPLF hoạt động khủng bố và phản quốc. Ở chiều ngược lại, TPLF tố chính quyền Ahmed đàn áp người dân Tigray kể từ khi ông này nhậm chức hồi tháng 4-2018. Căng thẳng lên tới đỉnh điểm khi vào đầu tháng 11-2020, Thủ tướng Ahmed triển khai quân đội đến khu vực đang bị phiến quân Tigray kiểm soát để đáp trả vụ tấn công nhằm vào một căn cứ quân sự.

Cuộc xung đột trong lòng quốc gia 110 triệu dân là hệ quả trực tiếp của những căng thẳng giữa chính quyền Thủ tướng Ahmed và giới “chóp bu” TPLF. Số là sau khi nhậm chức năm 2018, ông Ahmed đã thành lập đảng Thịnh vượng (PP) nhằm loại bỏ liên minh cầm quyền lâu đời do TPLF lãnh đạo. Từ đây, cuộc tranh chấp chính trị bắt đầu nổi lên.

Theo giới chuyên gia, bước đi của ông Ahmed đã đặt TPLF đứng giữa 2 lựa chọn: gia nhập PP hoặc chấp nhận rời bỏ vũ đài chính trị. Cuối cùng, TPLF quyết định không thỏa hiệp. Ngoài ra, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, chính quyền ông Ahmed đã quyết định hoãn lại cuộc bầu cử năm ngoái. Tuy nhiên, các quan chức vùng Tigray lại khăng khăng phản đối động thái này và vẫn tổ chức bỏ phiếu hồi tháng 9-2020 tại đây, bất chấp lệnh cấm của chính phủ. Ðáp lại, Thủ tướng Ahmed từ chối công nhận kết quả. Chưa hết, một tháng sau, các nhà lập pháp Ethiopia lại thông qua kế hoạch ngừng phê duyệt ngân sách liên bang cho Tigray, đẩy căng thẳng giữa hai bên dâng cao hơn.

Hôm 23-3 vừa rồi, Thủ tướng Ahmed lần đầu tiên công khai thừa nhận những vụ việc tàn bạo xảy ra ở Tigray và việc binh sĩ đến từ quốc gia láng giềng Eritrea tham chiến tại vùng đất phía Bắc Ethiopia này (TPLF cáo buộc quân đội Eritrea hỗ trợ Chính phủ Ethiopia).

Số phận 6 triệu người ở Tigray

Khi chiến sự giữa quân đội Ethiopia, Eritrea và lực lượng ủng hộ các thủ lĩnh Tigray vẫn diễn ra ác liệt, thì số phận hàng triệu dân Tigray đang bị đặt trong tình trạng báo động. Phó điều phó viên nhân đạo của LHQ Wafaa Said ước tính khoảng 950.000 người đã phải đi lánh nạn. Còn theo báo cáo trước đó của LHQ, có tới hơn 2,2 triệu người đã rời bỏ nhà cửa.

Khi xung đột nổ ra, nông sản thất thoát hoặc bị đốt phá, các kho lương thực thì bị cướp bóc, phá hủy. An ninh lương thực cũng bị ảnh hưởng bởi những gián đoạn trong cung ứng thương mại và việc không trả lương cho các viên chức nhà nước trong nhiều tháng. Báo cáo hồi đầu tháng này cho thấy trong số những trẻ em dưới 5 tuổi được tầm soát, tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính đã vượt xa ngưỡng khẩn cấp 15%.

Bốn tháng giao tranh được cho là đã gây thiệt hại 1 tỉ USD về cơ sở hạ tầng tại Tigray. Việc đóng cửa các nhà máy và khu mỏ ở đây kể từ đầu tháng 11 năm ngoái đã gây tổn thất cho kinh tế Ethiopia khoảng 20 triệu USD/tháng. Xung đột tiếp diễn đang đặt ra một trở ngại khác đối với con tàu kinh tế quốc gia Ðông Phi này vốn đã rất lao đao trong “bão” COVID-19. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo tăng trưởng GDP của Ethiopia năm nay là 0%.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo sắp tới nước này sẽ chỉ định một đặc phái viên về vùng Sừng châu Phi, mà Ethiopia là ưu tiên hàng đầu phải giải quyết. Nhân vật này sẽ gia tăng sức ép ngoại giao lên Addis Ababa, buộc phải chấm dứt tình trạng bạo lực tại Tigray.

HẠNH NGUYÊN (Theo AP, Bloomberg)

Chia sẻ bài viết