29/10/2023 - 10:24

Khủng hoảng Gaza thay đổi cục diện chính trị Trung Ðông 

Trong bối cảnh các cuộc tấn công trả đũa giữa Israel với nhóm chiến binh Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza tiếp diễn, các nhà phân tích nhận định cuộc khủng hoảng an ninh tại đây đang làm thay đổi “luật chơi” ở Trung Ðông. Trong đó, ảnh hưởng lớn và sớm nhất của cuộc chiến là làm nỗ lực bình thường hóa ở khu vực chậm lại, dẫn tới tình thế “nan giải” của nhiều quốc gia Arab.

Thủ tướng Israel Netanyahu diễn giải bản đồ “Trung Ðông mới”. Ảnh: AP

Hồi tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gây chú ý tại khóa họp 78 Ðại Hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York với bài phát biểu về "Trung Ðông mới". Viễn cảnh này được ông Netanyahu truyền đạt qua tấm áp phích, trên đó mặt trước có tựa đề "Israel năm 1948" tô đậm Nhà nước Do Thái và không có ranh giới nào cho thấy lãnh thổ của người Palestine bị chiếm đóng. Mặt sau được gọi là "Trung Ðông mới", bao gồm Israel cùng những nước Tel Aviv đã và đang thiết lập quan hệ ngoại giao như Ai Cập, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE)... Thủ tướng Netanyahu sau đó vẽ một đường chéo đỏ từ Dubai dọc theo Vịnh Ba Tư, xuyên qua Israel và hướng tới các cảng ở Nam Âu. Ông ca ngợi sự xuất hiện được cho là của "hành lang" thịnh vượng, nối các nước Arab và Israel lại với nhau ở trung tâm trục thương mại toàn cầu mới liên kết châu Á với châu Âu.

Thủ tướng Israel không phải người đầu tiên khởi xướng tầm nhìn về một Trung Ðông khác. Trước khi cuộc chiến giữa Israel và nhóm chiến binh Hamas bùng nổ vào đầu tháng 10, nhiều nhà phân tích đã lưu ý những mảng kiến tạo địa chính trị trong khu vực đang dần dịch chuyển như thế nào. Ðầu tiên là Hiệp định Abraham, sáng kiến do chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng năm 2020, giúp bình thường hóa quan hệ giữa Israel và một số quốc gia Arab. Ðây là một trong những dấu hiệu chính trị rõ ràng về mong muốn thoát khỏi mô hình cũ vốn xác định hiện trạng "điểm nóng" của Trung Ðông. Ngoài ra, Saudi Arabia và Iran cũng bắt đầu xích lại gần nhau trong diễn biến được kỳ vọng tạo ra ảnh hưởng quan trọng ở khu vực. Trong tiến trình đó, vai trò trung gian của Trung Quốc trở nên nổi bật, phản ánh thực tế khi Mỹ đang cố thoát khỏi vũng lầy và xung đột ở Trung Ðông thì những cường quốc khác của một thế giới ngày càng "đa cực" tìm cách tiếp cận khu vực.

"Trung Ðông mới" có khả thi?

Xu hướng trên diễn ra khi những quốc gia Arab giàu dầu mỏ chuyển từ cuộc chiến ý thức hệ sang chương trình nghị sự thực dụng hơn, đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa nền kinh tế khi thế giới hướng đến mục tiêu giảm thiểu lượng khí carbon ròng xuống 0 vào năm 2050. Năm 2018, tại Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai (FII) được ví như Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos trên sa mạc, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman gây chú ý với cam kết về kỷ nguyên mới đang mở ra cho Trung Ðông. "Thời kỳ phục hưng trong 30 năm tới sẽ diễn ra ở Trung Ðông. Khu vực sẽ là một châu Âu mới" - người cầm quyền thực tế của Riyadh nói trong tiếng vỗ tay của đám đông.

Ra mắt vào năm 2017, FII là một trong những phần nổi bật nhất của nỗ lực quảng bá đến cộng đồng quốc tế về một Trung Ðông mới với cốt lõi là Saudi Arabia. Ðể tăng cường quyền lực, Riyadh trong 5 năm qua bắt đầu giải quyết tranh chấp với Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ, thúc đẩy giải pháp cho cuộc chiến ở Yemen, thậm chí bình thường hóa quan hệ với đối thủ Iran. Những tháng gần đây, vai trò của Saudi Arabia càng được coi trọng khi chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden "đặt cược" vào tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel. Tuy chưa đạt thỏa thuận chính thức nào, nhưng Nhà Trắng gần như bị thuyết phục về tầm quan trọng chiến lược nếu Israel có sự hỗ trợ của một trong những quốc gia tiềm lực địa chính trị mạnh nhất thế giới Arab. Thành công này sẽ đánh dấu bước ngoặt ở Trung Ðông khi tạo ra trục răn đe chống lại Iran, cho phép Mỹ tập trung cạnh tranh với Trung Quốc và giải quyết thách thức của cuộc chiến ở Ukraine.

Tuy nhiên, niềm hy vọng về một Trung Ðông mới mà giới tinh hoa khu vực vẽ ra đang ngày càng mờ nhạt trong bối cảnh chính trị bị đảo lộn kể từ sau cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào lãnh thổ Israel ngày 7-10. Với các cuộc đáp trả quân sự của Tel Aviv ở Dải Gaza sau đó, giới phân tích lo ngại khủng hoảng có nguy cơ gây ra hậu quả nghiêm trọng tầm khu vực. Lo ngại này đồng thời nói lên thực tế, rằng một Trung Ðông "cũ" sẽ không dễ bị xóa bỏ, đặc biệt khi làn sóng ủng hộ người Palestine ở Dải Gaza đang lan rộng khắp thế giới Arab cũng như các quốc gia có đa số người Hồi giáo. Trong lúc này, mọi cuộc thảo luận về quan hệ hữu nghị được chờ đợi giữa Saudi Arabia - Israel cũng bị đóng băng, khiến những toan tính của Thủ tướng Netanyahu gạt người Palestine sang một bên trở nên phi hiện thực hơn bao giờ hết.

Bài toán của thế giới Arab

Xung đột ở Gaza đặc biệt đáng lo vì nó đại diện cho thách thức chính trị lớn đối với những quốc gia ủng hộ Palestine, cũng như các nước có quan hệ lâu đời với Israel trong khu vực. Ðơn cử như Ai Cập và Jordan, 2 quốc gia láng giềng đã nỗ lực ngăn chặn vòng xoáy bạo lực kể từ đầu cuộc khủng hoảng bởi họ biết chiến sự ở Gaza có thể đặt bản thân vào thế bị tổn hại. Tình hình trở nên tệ hơn khi cả 2 phải đối mặt với các vấn đề nội bộ, trong khi nhiệm vụ cân bằng quan hệ với Mỹ - Israel cũng như sự ủng hộ của công chúng đối với người dân Palestine trở nên khó khăn.

Chiến dịch quân sự căng thẳng của Israel ở Gaza và sự bất ổn gia tăng trong khu vực cũng là trở ngại lớn đối với những nước Arab lựa chọn bình thường hóa quan hệ với Tel Aviv. Thông qua Hiệp định Abraham, UAE, Bahrain hay Maroc hầu như tập trung phát triển kinh tế, ưu tiên các kênh ngoại giao giảm căng thẳng khu vực nhưng gạt bỏ cuộc đấu tranh chính nghĩa của người Palestine. Ðiều này lý giải vì sao Hiệp định Abraham không nhận được sự ủng hộ đáng kể của người dân các nước đã ký kết.

Trong bối cảnh giao tranh, nhà nghiên cứu Hussein Ibish cho rằng những nước nằm trong Hiệp định Abraham càng "bối rối" khi bị đặt vào tình thế không mong đợi. Ðó là họ không thể dung túng Hamas, nhưng cũng không đặc biệt ủng hộ Thủ tướng Netanyahu. Về phần Saudi Arabia, cường quốc chính trong khu vực, các cuộc đàm phán với Israel đã bị đình chỉ kể từ khi chiến sự bùng phát. Một mặt, điều này có lợi cho Riyadh khi cân nhắc thêm điều kiện với Mỹ để trở lại đàm phán cùng Tel Aviv. Nhưng nếu xung đột lan rộng, nó sẽ làm chậm nỗ lực của Saudi Arabia hợp tác với các cường quốc khu vực khác trong tầm nhìn xây dựng Trung Ðông như một "châu Âu mới".

Nguy cơ cuộc chiến tranh trong bóng tối

Iran đã chỉ trích gay gắt cuộc tấn công của Israel ở Gaza, nhưng Tehran thực tế lại tương đối thận trọng. Một phần do tác động của các vấn đề chính trị - kinh tế trong nước, cũng như nguy cơ tiềm ẩn nếu đối đầu trực tiếp với Mỹ. Dù vậy, xung đột Israel - Hamas có thể đẩy mạnh "cuộc chiến tranh trong bóng tối" tồn tại nhiều năm giữa Iran với Tel Aviv. Tuy cả 2 đều tin vào khả năng giải quyết mâu thuẫn mà không vượt tầm kiểm soát, nhưng vòng xoáy bạo lực và bất ổn xung quanh có thể tăng nguy cơ xảy ra tính toán sai lầm.

Vài ngày qua, quân đội Israel và lực lượng dân quân Hezbollah của Lebanon cũng thử nghiệm "lằn ranh đỏ" với các cuộc tấn công có tính toán ở biên giới. Trong khi đó, Washington có nguy cơ bị kéo trở lại Trung Ðông khi lực lượng Mỹ bị tấn công bằng máy bay không người lái tại ít nhất hai điểm ở Syria và 2 căn cứ quân sự ở Iraq. Nếu Mỹ tham chiến trực tiếp, điều đó có thể đảo ngược mong muốn của Tổng thống Biden là rút khỏi Trung Ðông để tập trung nhiều hơn vào Trung Quốc và cuộc chiến Nga - Ukraine.

Trước diễn biến mới, nhà nghiên cứu Dalia Dassa cho rằng xung đột chỉ được kiềm chế nếu các bên muốn tránh chiến tranh khu vực. Ðiều kiện này đang được nhìn thấy ở hiện tại, nhưng không có gì đảm bảo trong tương lai. Ðặc biệt khi cuộc chiến hiện nay làm nổi bật hố sâu bất bình đẳng ở Trung Ðông, đó là dù các nước Arab giàu có cỡ nào thì khu vực cũng đang nhìn thấy tình trạng khốn khổ kéo dài của Yemen và người tị nạn Syria. Bất kể Israel tự tin ra sao, vẫn tồn tại một nước láng giềng Lebanon rối loạn và nỗi tuyệt vọng của hàng triệu người Palestine chịu cảnh hơn nửa thế kỷ bị chiếm đóng. Vì vậy, các chuyên gia cho biết dù cuộc chiến hiện nay có ra sao, Trung Ðông sẽ không thay đổi nếu chỉ dựa vào các quốc gia muốn định hình lại khu vực, thay vào đó tương lai này còn có sự tham gia của mạng lưới gồm những tổ chức phi nhà nước.

Cuộc chiến khốc liệt giữa Israel và Hamas có thể làm phá sản dự án Hành lang kinh tế Ấn Ðộ - Trung Ðông - châu Âu (IMEC) vốn được chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thúc đẩy và đã được ký kết bản ghi nhớ bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Ấn Ðộ hồi tháng 9. Trong tuyến hành lang này, sẽ có mạng lưới đường sắt và đường thủy vận chuyển hàng hóa và dịch vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao đi từ Ấn Ðộ đến UAE, Saudi Arabia, Jordan, Israel và châu Âu. Thủ tướng Netanyahu ca ngợi đây là “dự án hợp tác vĩ đại nhất trong lịch sử của chúng ta” và “đưa chúng ta đến một kỷ nguyên mới về hội nhập và hợp tác khu vực và toàn cầu ở mức độ chưa từng có và độc đáo trong phạm vi của nó”, đồng thời cho rằng hành lang kinh tế mới “sẽ mang lại hiện thực cho một tầm nhìn kéo dài nhiều năm làm thay đổi bộ mặt Trung Ðông”.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết