10/04/2022 - 20:07

Không quân Mỹ “khát” phi công chiến đấu 

Các lãnh đạo Không quân Mỹ đang lo ngại về việc thiếu hụt số lượng lớn phi công và máy bay chiến đấu trong trường hợp xảy ra chiến tranh với các đối thủ xứng tầm như Nga hoặc Trung Quốc.

Các phi công Mỹ tập luyện với công nghệ mô phỏng thực tế ảo. Ảnh: US Air Force

Trong một sự kiện trực tuyến hồi tháng 10-2021, Tư lệnh Bộ Tư lệnh tác chiến trên không (ACC) Mark Kelly nhấn mạnh Không quân Mỹ phải lưu tâm đến năng lực chịu đựng, cụ thể là phi công và các tiêm kích tối tân. Theo ông, không quân một số nước thường thua do thiếu hụt phi công trước khi “cạn kiệt” máy bay. Cả Ðức và Nhật Bản đều từng gặp tình trạng này trong Thế chiến thứ hai.

Thiếu hụt phi công không phải vấn đề mới và không chỉ Không quân Mỹ đối mặt bài toán này. Báo cáo công bố năm 2019 của Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng tất cả các nhánh của quân đội nước này đều thiếu phi công do đào tạo không đủ phi công trong nhiều năm và giảm khả năng sẵn sàng thực chiến của tiêm kích.

Tuy nhiên, đây thực sự là vấn đề cấp bách đối với Không quân Mỹ, đặc biệt là phi đội chiến đấu. Ước tính binh chủng này cần phải duy trì khoảng 21.000 phi công và đặt ra mục tiêu huấn luyện 1.500 phi công mới mỗi năm. Rất khó để Không quân Mỹ đạt được mục tiêu và trong gần một thập niên qua họ đã chật vật thu hẹp khoảng cách giữa số lượng phi công hiện có và con số nhắm tới. Trong các năm 2019, 2020 và 2021, Không quân Mỹ thiếu lần lượt 2.100 phi công, 1.925 phi công và 1.650 phi công. Lực lượng này cũng không đạt được mục tiêu về đào tạo khi chỉ huấn luyện 1.263 phi công trong năm 2020 và 1.381 phi công hồi năm ngoái.

Nguyên nhân, giải pháp

Có nhiều nguyên nhân lý giải tình trạng thiếu hụt phi công chiến đấu. Ðào tạo phi công mới cực kỳ mất thời gian, tốn kém và khó khăn. Mất tới 5 năm, tiêu tốn 3-11 triệu USD để huấn luyện một phi công chiến đấu mới sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Ngoài ra, Không quân xứ cờ hoa còn phải cố gắng giữ chân các phi công trước sức hút lương cao và đãi ngộ hậu hĩnh hơn từ các hãng hàng không dân dụng. Thay thế một phi công dày dặn kinh nghiệm có thể phải mất tới 8 năm. Máy bay chiến đấu càng hiện đại, thời gian và chi phí đào tạo phi công càng cao. Hơn nữa, các yếu tố trong quy trình chọn lọc của Không quân Mỹ, chẳng hạn như yêu cầu về giờ bay, gần như không thay đổi kể từ thập niên 1970, do vậy hạn chế số lượng ứng viên tiềm năng.

Ðể giải bài toán thiếu hụt phi công chiến đấu, Không quân Mỹ đã đề ra nhiều sáng kiến. Và một trong số đó là cải cách các quy trình huấn luyện và lựa chọn ứng viên, bao gồm hạ thấp yêu cầu về giờ bay, để có thêm nhiều phi công bước vào buồng lái mà không phải “hy sinh” chất lượng. Ngoài ra, một chương trình huấn luyện phi công mới cũng đã được triển khai, trong đó sử dụng các thiết bị mô phỏng thực tế ảo với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, và hướng dẫn từ xa nhằm giúp các phi công mới chỉ mất 7 tháng huấn luyện sơ bộ thay vì 1 năm. Sau cùng, những phi công này có thể tập luyện với chính loại máy bay mà họ sẽ điều khiển.

Ðược biết, gần 200 phi công đã tốt nghiệp chương trình mới kể từ tháng 7-2020 và dự kiến vào cuối năm nay nó sẽ trở thành chương trình tiêu chuẩn của Không quân Mỹ.

HẠNH NGUYÊN (Theo Business Insider)

Chia sẻ bài viết