28/03/2016 - 20:38

Không nên lấy ráy tai

Nhiều người có thói quen lấy ráy tai thường xuyên. Đây là thói quen nên hay không nên? Về vấn đề này, bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng Nguyễn Thành Văn, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ có vài chia sẻ:

Tai gồm có tai ngoài, tai giữa và tai trong. Ống tai ngoài có độ dài trung bình từ 25 - 30mm ở người trưởng thành, chia làm 2 đoạn: ống tai sụn (1/3 ngoài - khoảng 8 - 9 mm) có lông, tuyến tiết nhầy và tuyến ráy. Ống tai xương (2/3 trong – 10 - 20mm) không có hệ thống lông và tế bào tuyến nhầy. Hệ thống lông và các tuyến ở phần ống tai sụn có nhiệm vụ ngăn bụi và những sinh vật nhỏ vào sâu trong tai.

Bác sĩ đang thăm khám tai cho bệnh nhân.

Thật là sai lầm nếu xem ráy tai như chất bẩn cần phải bỏ để tai được "sạch"! Ngược lại, ráy tai cùng với lông của phần ống tai sụn tạo nên một rào chắn hết sức hiệu quả để ngăn chặn bụi bặm và các côn trùng nhỏ, không cho đột nhập sâu vào trong ống tai! Nếu cần lau sạch bụi bặm tích tụ ở ống tai, khi ngoáy tai, chỉ cần giới hạn chiều sâu phạm vi ống tai sụn, đồng thời bảo đảm tránh mọi đụng chạm vô ý màng nhĩ sâu bên trong! Mặt khác, không nhất thiết phải lau sạch hết chất ráy tai (vì lợi ích đã nói như trên).

Những người có thói quen hằng ngày lau quá kỹ, chấm các thuốc sát khuẩn mạnh để ngoáy tai đã vô tình làm tổn thương lớp biểu bì của da ống tai, gây ra một dạng viêm da mạn tính ống tai, với các triệu chứng: ngứa, đòi hỏi ngoáy tai thường xuyên, tạo ra cái vòng luẩn quẩn, đồng thời tạo ra các sản phẩm bệnh lý bất thường như: nút biểu bì (gồm nhiều lớp da đồng tâm bị bong ra rồi cuộn lại), nút ráy (gồm sản phẩm tiết của các tuyến nhầy, tuyến ráy cộng thêm các yếu tố viêm kết dính lại) làm bịt kín khẩu độ của ống tai, gây điếc và ù tai, bắt buộc thầy thuốc tai - mũi - họng phải can thiệp lấy ra. Trong những trường hợp này, ngoáy tai bằng que bông chỉ làm đẩy sâu vào gây khó khăn thêm cho thầy thuốc khi phải can thiệp! Có rất nhiều trường hợp thủng nhĩ, nấm ống tai ngoài, chấn thương ống tai do lấy ráy tai không đúng cách hoặc không vô khuẩn do sử dụng chung dụng cụ lấy ráy tai.

Tóm lại, chỉ nên lau tai mỗi khi có triệu chứng ngứa trong tai và hoàn cảnh phải tiếp xúc nhiều với môi trường bụi. Khi lau bằng que bông, chỉ giới hạn lau ở độ sâu không quá 10 mm (phần ống tai sụn) là nơi bụi bặm tích tụ nhờ rào chắn của lông ống tai và các chất tiết. Mỗi khi xuất hiện các triệu chứng: ngứa, rát nhiều trong tai, nghe kém bất thường, ù tai..., cần phải khám thầy thuốc chuyên khoa tai - mũi - họng.

Thu Sương (lược ghi)

Chia sẻ bài viết